Người “giải mã” bí ẩn hàng ngàn tử thi

31 năm gắn bó với nghề pháp y, BS Thọ có nhiều kỷ niệm buồn vui trong nghề.

Vừa mới khởi chuyện thì điện thoại của bác sĩ (BS) Hồ Viết Thọ – Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên rung reo. Cơ quan điều tra trưng cầu khám nghiệm tử thi (KNTT) nên ông xin lỗi rồi lên xe ngược về miền núi cùng các điều tra viên, kỹ thuật viên hình sự thực thi nhiệm vụ.

Phải đến cuộc hẹn thứ ba, tôi mới được nghe chuyện nghề của một BS pháp y đã thực hiện hàng ngàn cuộc khám nghiệm tử thi, giám định thương tích (GĐTT), góp phần “giải mã” nhiều cái chết bí ẩn, đồng thời hỗ trợ cơ quan điều tra xử lý nhiều vụ án hình sự phức tạp liên quan...

1. Gốc gác Phú Yên nhưng BS Hồ Viết Thọ chào đời ở Nghệ An. Cha ông là cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954. Tuổi thơ ông đã trải qua những năm tháng đội mũ rơm đi học, nửa đêm hối hả xuống hầm tránh bom.

Ước muốn nối nghiệp cha là bác sĩ quân y và mẹ là y sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế, nên khi tốt nghiệp THPT, cậu học sinh có gương mặt kiên nghị thi đậu Trường Đại học Y Huế giữa năm 1980.

nguoi “giai ma” bi an hang ngan tu thi - 1

BS Hồ Viết Thọ giám định mẫu bệnh phẩm trên thiết bị chuyên dụng.

Do có lệnh tổng động viên nên ông nhập ngũ vào bộ đội hơn nửa năm sau mới được trở về học chuyên khoa giải phẫu bệnh. Rời trường cuối năm 1987, BS Thọ về Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Khánh trước đây, nhưng do bố mẹ già yếu nên mới vài tháng ông rời phố biển Nha Trang về Bệnh viện Bắc Phú Khánh ở thị xã Tuy Hòa.

Hai năm sau đó, tỉnh Phú Yên tái lập khi tách ra từ tỉnh Phú Khánh đầu tháng 7-1989, BS Thọ đi học bồi dưỡng chuyên sâu giải phẫu bệnh tại Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh hơn 1 năm rồi về Tổ chức giám định pháp y – nay là Trung tâm Pháp y Phú Yên.

31 năm gắn bó với nghề pháp y từ giám định viên (GĐV) đến Phó GĐV trưởng sau đó là GĐV chuyên trách về chức danh tư pháp và Giám đốc Trung tâm về chức danh hành chính, BS Thọ có nhiều kỷ niệm buồn vui trong nghề.

Ông tâm sự: “Từ khi khai lập đến nay, Trung tâm Pháp y Phú Yên chỉ có hai GĐV nhưng phải đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn. Chỉ riêng tôi bình quân mỗi năm phải thực hiện gần 200 cuộc KNTT và hơn 500 hồ sơ GĐTT, chiếm khoảng 80% số vụ việc trung tâm đảm nhận”.

Nghe tôi hỏi về dấu ấn những cuộc KNTT không thể nào quên, BS Thọ nhớ lại: Hơn 27 năm về trước, vào tầm mờ sáng ngày 7-11-1990, chuông điện thoại bàn nhà riêng của tôi réo vang.

Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên trưng cầu KNTT bé gái dạt bờ suối Cái ở thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến, thị xã Tuy Hòa. Lúc đầu người dân nhận định chết đuối do tai nạn trượt chân, nhưng khi xác định tung tích nạn nhân là cháu Bảo Đăng,  học sinh lớp 1 Trường Tiểu học phường 1, thị xã Tuy Hòa - cách xa hiện trường hơn chục cây số thì nhiều nghi vấn được đặt ra.

Khi giải phẫu tử thi, tôi thấy phổi phù nề, có dịch màu hồng, khí quản có cát, bên trong dạ dày có gần nửa lít nước, vùng cổ xung huyết, trên mặt có vết bầm tụ máu do tác động ngoại lực.

Nguyên nhân tử vong do ngạt nước nhưng kết quả KNTT và các dấu vết thu thập được tại hiện trường cho thấy cái chết của cháu Bảo Đăng có dấu hiệu tội phạm. Từ những chứng cứ khoa học pháp y và kỹ thuật hình sự kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ truy xét, Công an Phú Yên lật tẩy hành tung kẻ giết người là Phan Tiến Dũng, trú ở xã Hòa Quang, thị xã Tuy Hòa – nay là huyện Phú Hòa.

Chỉ vì không muốn vướng vấp đứa con riêng của người tình, gã đàn ông đó đến trường học giở chiêu lừa dối đưa cháu Bảo Đăng đi chơi rồi xô đẩy đứa trẻ xuống suối. Kết thúc vụ án này, Phan Tiến Dũng trả giá bằng hình phạt tử hình…

Gần 1 năm sau vụ án đó, BS Thọ phối hợp Phòng Kỹ thuật hình sự, Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên và Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an khai quật tử thi chị Võ Thị Quyên, trú ở thôn Phú Thứ, xã Hòa Bình 2, huyện Tuy Hòa – nay là khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa.

Nạn nhân có tiền sử bệnh tim được chồng phát hiện đột tử trên mặt đất cạnh nhà vệ sinh tư gia. Vài ngày sau khi mai táng chị Quyên, nhiều nguồn tin nghi vấn cái chết người phụ nữ này có nhiều ẩn khuất, thậm chí vài người khẳng định trên cổ chị Quyên có vết xung huyết, giường ngủ có mùi nước tiểu và phân…

Người thân cho rằng cái chết đó có dấu hiệu tội phạm. Quyết định khai quật được Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên thực hiện sáng 25-10-1991 khi thi thể nạn nhân đã chôn cất 10 ngày.

BS Thọ chia sẻ: “Sau ca giải phẫu tử thi, tôi bỏ ăn, mất ngủ nhiều ngày vì bị ám ảnh. Nguyên nhân bệnh lý tim mạch đã được loại trừ, những dấu vết xung huyết ở cổ và một số chứng cứ pháp y thu thập được khi giải phẫu đã chứng minh chị Quyên tử vong do ngạt cơ học. Chứng cứ đó hỗ trợ cơ quan điều tra làm rõ hành vi giết người của Nguyễn Tấn – chồng của nạn nhân. Do có quan hệ ngoại tình nên gã đàn ông này dùng tay siết cổ người vợ khi chị đang ngủ, rồi tạo dựng hiện trường giả nhưng kết cục hành động tội ác của Tấn đã bị lật tẩy”.

Một vụ trọng án khác xảy ra đêm ngày 7-5-2007 tại thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân. Chị Từ Thị Sương mất tích khi sang làng bên liên hệ bán mía, đến sáng hôm sau người dân phát hiện thi thể người phụ nữ này dính lưới đánh cá dưới dòng sông Con.

Nhiều người nhầm tưởng nạn nhân chết đuối do ngã từ trên cầu xuống sông, nhưng khi KNTT, BS Thọ kết luận những dấu vết xây xát, bầm tụ máu ở vùng đầu, mặt, cổ trên thi thể là do tác động ngoại lực có sự giằng co, kháng cự của nạn nhân khi bị hung thủ tấn công.

Sau nhiều giờ ráo riết truy xét và cẩn trọng rà soát, sàng lọc mối quan hệ sinh hoạt của nhiều đối tượng hình sự, các điều tra viên Công an Phú Yên xác định hung thủ sát hại chị Sương để cướp hai chiếc nhẫn vàng là Trần Quốc Tuấn. Hơn 20 ngày sau đó, kẻ giết người sa lưới khi đang lẩn trốn ở xã Ea Pi, huyện MĐrăk, tỉnh Đắk Lắk.

Ngừng một lát, BS Thọ tâm sự: “Hơn chục năm trở về trước, khi giao thông nông thôn - miền núi ở Phú Yên còn cách trở, tôi đã cùng các điều tra viên, kỹ thuật viên hình sự nhiều lần xắn quần đi bộ hơn chục cây số len lỏi giữa rừng cao, dốc đá, suối sâu để đến hiện trường KNTT nghi án giết người.

Lắm khi đến nơi thì trời đã tối, trong khi đời sống ở nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo khó, nên tôi cùng anh em Công an chia nhau mấy gói mì tôm mua được từ một quán tạp hóa rồi thức trắng đêm bên ấm nước trà của già làng, chờ trời sáng mới tiến hành khám nghiệm”.

2. Vẫn theo BS Thọ: “Cũng là chức danh nghề nghiệp BS nhưng những người được đào tạo đa khoa và các chuyên khoa khác thường xuyên tiếp xúc là bệnh nhân, trong số đó không ít BS có thêm nguồn thu nhập từ hoạt động khám – chữa bệnh ngoài giờ tại các cơ sở y tế tư nhân, còn BS pháp y tiếp xúc là những xác chết chưa rõ nguyên nhân và nạn nhân bị thương tích từ những vụ đâm chém, tạt a-xít do thù oán, mâu thuẫn. BS pháp y vào cuộc KNTT và GĐTT theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng”.

nguoi “giai ma” bi an hang ngan tu thi - 2

BS Hồ Viết Thọ kể về những công việc hàng ngày của mình.

Mới nghe tưởng chừng đơn giản, thế nhưng ngoài việc tiếp xúc độc hại khi KNTT, BS pháp y phải đối mặt với nhiều tình huống trớ trêu, dở khóc dở cười khi GĐTT.

BS Thọ chia sẻ: “Sau mỗi vụ ẩu đả, bên nào cũng muốn có tỷ lệ thương tích đến mức đối phương phải vào vòng tố tụng hình sự. Bằng trải nghiệm nghề nghiệp, tôi từng phát hiện một vài trường hợp “mượn” vết thương do tai nạn trước hoặc sau khi xảy ra ẩu đả để khai báo khi nhập viện nhưng mưu tính đó đã lộ diện vì cơ chế hình thành vết thương không phù hợp thông tin về hung khí gây án do cơ quan điều tra cung cấp khi trưng cầu giám định.

Cũng có lần người bị hại tìm mọi cách để… “xin” tỷ lệ thương tích, thậm chí có đối tượng không thuyết phục được người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố nên xoay sang dò tìm điện thoại của GĐV để xin xỏ, đe dọa…

Trước những tình huống đó, nếu GĐV “khuyết tâm, mờ mắt” vì một lý do tế nhị nào đó hay vì yếu nghề, thiếu bản lĩnh sẽ mất uy tín, phẩm giá của mình và có thể đã phạm pháp.

Nhận thức pháp luật và chức trách nghề nghiệp nên tôi cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm Pháp y Phú Yên luôn thực thi nhiệm vụ đảm bảo khách quan, toàn diện và hiệu quả.

Gần đây nhất, vào sáng 12-3-2018, người dân ở thôn Lạc Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa nghi ngờ khi nghe tin cụ Phan Thị Sang tử vong do “già yếu”. Trước đó, người con trai là Phạm Ngọc Thu thường xuyên hành hạ, ngược đãi mẹ.

Lý giải thương tích trên thân thể bà Sang, Thu cho rằng người mẹ bị ngã từ trên giường xuống đất. Khi vào cuộc khám nghiệm, BS Thọ kết luận nạn nhân choáng sốc sau khi bị tác động ngoại lực gây dập gãy hai ống chân, bầm tụ máu nội sọ.

Kết luận đó cùng với chứng cứ tài liệu Công an huyện Tây Hòa thu thập được đã khiến cho Thu không thể chối cãi hành vi đánh đập người mẹ nên bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Đại tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an Phú Yên cho biết: “Hơn 30 năm gắn bó với BS Hồ Viết Thọ sau hàng ngàn cuộc KNTT, các kỹ thuật viên hình sự đều nhận biết anh là một GĐV có trình độ chuyên môn pháp y giỏi nhưng rất khiêm tốn khi trao đổi, học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp.

Nửa đêm, mờ sáng hay khi tiết trời nắng gió, mưa giông, BS Thọ luôn xông xáo đến những hiện trường xa xôi, cách trở để phối hợp cùng cơ quan Công an “giải mã” nhiều cái chết ẩn khuất…”.

Trước khi chia tay, BS Hồ Viết Thọ chia sẻ chân thành: “Dường như không mấy ai muốn đến với nghề này, nên có lần Phú Yên cử tuyển bác sĩ pháp y nhưng không một ai đăng ký, trong khi đó tôi đã 31 năm gắn bó với nghề. Buồn là khi có người đùa cợt, ví von tôi cùng đồng nghiệp là “bạn của xác chết”; vui là khi “giải mã” bí ẩn nhiều cái chết bí ẩn và làm rõ sự thật khách quan sau những cuộc GĐTT”.

Theo Phan Thế Hữu Toàn (Công an nhân dân)

khám nghiệm tử thi

Bác sĩ pháp y


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.