Những giai thoại ít biết về “Bạch công tử” nức tiếng ăn chơi xứ Tiền Giang

Xung quanh giai thoại về sự trác táng và vô số mối tình của "Bạch công tử", đến nay người ta vẫn nhắc tới nhiều màn đốt tiền trứ danh cùng với “Hắc công tử” ở Bạc Liêu.

Kì 1: Sự thật về màn “đốt tiền” giành người đẹp cùng Công tử Bạc Liêu

Những năm đầu thập niên 1920-1930, danh tiếng của “ông hoàng ăn chơi” “Bạch Công Tử” nổi khắp Nam kì lục tỉnh. 

Dân chơi khét tiếng xứ Nam Kỳ

Bạch công tử Lê Công Phước (George Phước) vốn là quý tử của ông Đốc phủ Sủng, một quan chức giàu có nên được cưng chiều từ nhỏ.  Lớn lên, Lê Công Phước trở thành tay ăn chơi bậc nhất với nhiều giai thoại còn lưu lại đến tận bây giờ. Sau này, người thân cũng như những người trong dòng họ Lê Công Phước lần lượt qua đời, chỉ còn lại gia tộc người con nuôi của ông Đốc Phủ Sủng hiện vẫn sinh sống và trông nom phần mộ của họ Lê. Ông chính là Sáu Hiệp (cháu nội ông Nguyễn Hoàng Phi, con nuôi của Đốc Phủ Sủng) - nhân chứng liên quan mật thiết với những tích ăn chơi của George Phước nổi danh vùng Chợ Gạo một thời.

Theo ký ức của ông Sáu Hiệp, người đời đặt biệt danh “Bạch công tử” cho ông Phước là để phân biệt với “Hắc công tử” ở Bạc Liêu. Và cũng bởi, George Phước có nước da trắng trẻo, thư sinh, phong thái luôn ung dung, đĩnh đạc. Trong những câu chuyện ông Nguyễn Hoàng Phi kể lại cho con cháu, giai thoại ăn chơi nức tiếng mà người đời đồn đại về Bạch công tử hoàn toàn có thật, nhưng vẫn chưa đủ. Ông Sáu Hiệp hồi tưởng, George Phước là con trai thứ tư của Đốc Phủ Lê Công Sủng, được triều đình nhà Nguyễn cho giữ chức Quận trưởng quận Châu Thành (Mỹ Tho), sau đó được chuyển về làm Quận trưởng vùng Chợ Gạo. 


Ông Sáu Hiệp kể lại quá khứ vàng son của Bạch công tử

Thời đó, ông Đốc Phủ Sủng có rất nhiều vợ bé, nhưng duy nhất bà vợ cả Đào Thị Linh là mẹ của Bạch công tử mang quốc tịch Pháp, vì thế ngoài họ Lê, Bạch công tử còn mang cả họ mẹ là George. Lúc đó, không tin tưởng đức ông chồng có thói trăng hoa, bà quyết định bí mật cất giữ toàn bộ số của hồi môn kếch xù. Chẳng may không lâu sau đó, bà bị một căn bệnh nan y rồi chết khi còn khá trẻ, toàn bộ tài sản được di chúc để lại cho chồng và đứa con trai độc nhất. Từ đó, ông Đốc Phủ Sủng trở nên vô cùng giàu có, thậm chí nhất nhì vùng Gò Công – Chợ Gạo, với hàng ngàn công đất ruộng vườn “cò bay thẳng cánh”. Và đứa con trai “đích tôn” đương nhiên được hưởng mọi tiền của vật chất từ gia sản kếch sù ấy.

Nhắc đến đây, ông Sáu Hiệp trầm ngâm nhớ lại: “Hồi đó, ông nội tôi (ông Nguyễn Hoàng Phi) làm tài xế chở Bạch công tử đi ngao du khắp các tỉnh miền Trung, rồi Nam Trung Bộ. Ông nổi tiếng phong lưu, những mảnh đất đã đặt chân đến, không biết bao nhiêu mà kể xiết”. Nghe tới danh Bạch công tử, không một viên cảnh sát nào ở đất Định Tường (Tiền Giang) dám thổi phạt chiếc xe hơi bóng lộn của ông mỗi lần vượt qua. Thậm chí, ông Hoàng Phi lúc đó mới chỉ 16 tuổi nhưng vẫn có bằng lái xe hơi trong tay bởi được uy danh của Bạch công tử lo lót.

Ít lâu sau, Bạch công tử khi đó 18 tuổi, được ông Đốc Phủ Sủng cho sang Pháp du học. Qua phương trời Tây xa lạ, nhưng với đẳng cấp ăn chơi và thói trăng hoa, Bạch công tử nhanh chóng kết thân một cô nàng thuộc dòng dõi quý tộc. Trong men nồng của những sàn nhảy nước Pháp, Bạch công tử đã làm cô gái chất ngất với những cuộc săn đón đầy lãng mạn. Thế là chẳng bao lâu, Bạch công tử đã vượt mặt cha và tổ chức hôn lễ kiểu phương Tây với cô nàng danh giá. Thời gian hạnh phúc cùng vợ mới cưới đã sinh ra cho ông một đứa con kháu khỉnh đặt tên là Ly Ly. Sau khi tốt nghiệp về nước, ông hứa hẹn sẽ đón nàng và con gái về nhà vào một ngày gần nhất để ra mắt Đốc phủ Sủng. Thế nhưng, với bản tính phong lưu đa tình của mình, Bạch Công Tử không ngừng rẽ sang với nhiều bóng hồng khác, để lại những giai thoại lưu truyền hậu thế.

Màn đốt tiền trứ danh
Trở về nước với danh tiếng lẫy lừng, Bạch công tử nhanh chóng quên người vợ ở phương trời Tây, lao vào những cuộc chinh chiến mới. Thời ấy, Bạch công tử rất mê nghe hát ả đào, thường xuyên đến những gánh hát xem biểu diễn. Tại đây, cô đào nổi tiếng xinh đẹp Phùng Há đã “lọt vào mắt xanh” của vị công tử đa tình. Quyết tâm “cưa đổ” người đẹp, ông đã vung tiền mời các đào từ một số gánh hát nhỏ để lập ra gánh hát Huỳnh Kỳ, và cô đào Phùng Há tất nhiên được ông mời về làm đào chính của mình.

Bạch công tử Lê Công Phước lúc còn sống

Lúc bấy giờ, ở huyện bên có con của ông Đốc phủ Bạc Liêu tên là Trần Trinh Huy, tức Hắc công tử cũng “dòm ngó” qua đất Tiền Giang, ưng ý cô đào xinh đẹp Phùng Há. Tức khí vì bị công tử nơi khác theo đuổi “bóng hồng trong mộng” của mình, Bạch công tử liền giở trò khoe mẽ. Ông mời Hắc công tử về Mỹ Tho để xem tuồng hát do mình lập ra, ngụ ý rằng đã mời được người đẹp về đội của mình.

Vở diễn bắt đầu, cô đào Phùng Há bước ra sân khấu với giọng ca ngọt lịm. Hai vị công tử “Hắc – Bạch” ngồi bên nhau ở hàng ghế đầu vỗ tay tán thưởng. Những câu vọng cổ da diết trong vở cải lương Lữ Bố - Điêu Thuyền vừa dứt, mọi người đổ xô lên tặng hoa cho người đẹp. Lúc đó, hai vị công tử mới nhận ra mình chưa kịp chuẩn bị gì, họ lập tức rảo bước lại phía hàng bán hoa bên trong sân khấu. Bạch công tử vừa cầm bó hoa và quà trên tay thì Hắc công tử rút 5 đồng ra trao cho người bán hàng để mua lấy món quà đắt giá. Thế nhưng, Hắc công tử chưa kịp trao tay thì tiền bỗng bị rơi xuống nền nhà. Trong ánh đèn mờ ảo của rạp hát, thấy vị công tử đang loay hoay tìm kiếm, Bạch công tử nở một nụ cười tinh quái nhìn cô Phùng Há đang dõi theo chờ đợi mình, liền rút ra tờ giấy bạc 20 đồng đốt thành “ngọn đuốc” soi cho Hắc công tử tìm tờ giấy bạc đánh rơi.

Biết mình bị “quê” vì tay Bạch công tử chơi “khăm” trước mặt người đẹp, sau đêm nghe hát trở về Bạc Liêu, Hắc công tử không đêm nào ngủ được mà nghĩ cách “trả đũa”. Một thời gian sau, đáp lại “ân tình” của vị công tử vùng chợ Gạo, Hắc công tử ngỏ lời mời “tình địch” về Bạc Liêu thăm thú. Đúng 9h sáng, chiếc xe hơi của Bạch công tử dừng kêu kít một tiếng trước nhà ông Đốc phủ Bạc Liêu. Hắc công tử vẻ mặt tươi cười ra tiếp đón cùng nhiều vị công tử con quan chức ở đây. Tiệc ăn sáng bắt đầu, món chè táo xọn, đặc sản của xứ Bạc Liêu được dọn ra khai vị đầu tiên. Nồi chè được bắc lên chiếc bếp nhỏ đặt giữa bàn.

Trước sự chứng kiến của mọi người, Hắc công tử trên tay cầm một xấp tờ giấy bạc rồi thản nhiên châm lửa đốt cho vào bếp lửa nấu chè. Xấp giấy bạc có mệnh giá 10 đồng Đông Dương trong chốc lát đã hóa thành tro trước sự ngỡ ngàng của quan khách dự tiệc. Giá trị lượng tiền mà Hắc công tử đã đốt ước tính gấp mấy chục lần mà Bạch công tử đã “chơi khăm” trước đó. Biết mình bị chủ nhà “chơi lại” nhưng Bạch công tử vẫn giữ thái độ ung dung, điềm tĩnh và tiếp tục thưởng thức món “khai vị đặc biệt” này. Còn Hắc công tử thì nhìn đối thủ một cách đắc thắng, như đã đòi được món nợ trong rạp hát ngày nào. 

Thế nhưng về sau, cô đào Phùng Há lại chọn yêu Bạch công tử chứ không phải là Hắc công tử. Điều này luôn làm cho hai công tử “trọc phú” hai tỉnh tìm cách thắng bằng được người kia trong những cuộc “chơi trội” không bờ bến.


Ái Thụy/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.