Những tội ác lãng xẹt...

Có những lúc, người ta phạm tội giết người mà không biết mình đang phạm tội. Chỉ vì một phút không kiềm chế cơn giận, khi quay lại, mọi thứ đã quá muộn.

“Tôi không biết vì sao mình lại làm thế. Tôi không có ý định giết vợ”, bị cáo Lê Văn Danh với mái tóc bạc, nước da vàng vọt vì bệnh gan, bàn tay cùng giọng nói run run, lặp đi lặp lại câu nói ấy trước vành móng ngựa.

Nhìn dáng vẻ yếu ớt ấy, không ai có thể ngờ, bị cáo chính là người cầm dao kết liễu đời vợ mình. Bước lên xe tù về trại giam, người đàn ông ấy lặng lẽ lau nước mắt, những giọt nước mắt ân hận muộn màng.

Tôi không biết tại sao mình làm thế

Thời gian trước, mọi người xót xa khi nghe thông tin về vụ chồng giết vợ vì không đưa tiền… chữa bệnh. Phạm nhân và nạn nhân đều đã ngoài 50 tuổi.

Ông Lê Văn Danh và bà Nguyễn Thị Du kết hôn đã có một con trai. Những ngày mới gây dựng gia đình dù nghèo khó, mái nhà ấy cũng luôn đầm ấm hạnh phúc. Đến khi phát hiện mình mắc bệnh gan, ông Danh sinh ra nhậu nhẹt, chán đời. Vợ chồng cãi cọ nhau ngày càng nhiều. Thời gian sau, bà Du bán căn nhà chung được 600 triệu đồng và giữ hết vì sợ ông lại đổ tiền vào rượu chè.

Nhiều lần, ông Danh bảo vợ đưa tiền chữa bệnh, bà cương quyết không đưa. Một đêm đầu tháng 3-2008, ông Danh lại đòi tiền vợ. Bà Du gắt lên: “Tiền để ông uống rượu à, rồi lại chết sớm thôi”.

Chiều hôm sau, ông Danh không nói không rằng, dắt chiếc xe Dream của gia đình đi bán. Ông vừa ra khỏi nhà được bảy, tám mét, bà Du nhìn thấy, chạy ra ngăn cản. Trong cơn giận, bà mắng chồng vô dụng, chỉ biết ăn nhậu.

“Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại lao vào nhà bếp lấy dao. Khi nhát dao đâm thẳng vào ngực trái vợ, tôi vẫn chưa hết giận, chỉ đến khi thằng Thanh la lên tôi mới vứt dao xuống và đi đầu thú. Tôi không biết vì sao mình độc ác thế”, ông Danh kể lại.

Bà Du được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi do vết thương bị đâm thấu tim gây mất máu cấp, đứt xương sườn.

Phía dưới, Lê Bình Thanh, 22 tuổi, con trai của ông bà cúi gầm mặt. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi, bây giờ cha lâm vào cảnh tù tội những ngày cuối đời.

Giờ nghị án, tôi gặp Thanh. Trên nét mặt cậu, nỗi kinh hoàng vẫn còn đó. “Có lẽ ba em sẽ không đâm mẹ, nếu mẹ không nóng tính chửi bới ba như lúc ấy. Mẹ chỉ nói miệng thế thôi, mẹ rất thương ba. Mẹ không đưa tiền cho ba, không phải vì không muốn ba lành bệnh mà sợ ba nhậu nhẹt thêm. Rượu vào, bệnh gan càng nặng". Thanh kể, mắt cậu đỏ hoe.

Những tội án không đáng có

Câu chuyện trên là một trong số hàng nghìn vụ án giết người, gây thương tích chỉ vì những chuyện bé như con kiến.

Trường hợp của các bị cáo Trương Ngọc Quân, Vy Văn Tú, Vy thanh Hào, Vũ Văn Tý ở Lâm Đồng là một ví dụ.

Tối ngày 28-9-2008, cả bốn bị cáo rủ nhau đi nhậu. Đang chén chú, chén anh, rượu vẫn còn mà mồi hết. Cả nhóm nhìn nhau, mặt buồn thiu.

Bỗng Quân sực nhớ đến người hàng xóm có bầy vịt, bảo: “Trước đây, chủ nhà từng cho tôi một con vịt què. Để tôi sang xin tiếp xem sao”. Chưa gặp được chủ nhà, Quân đã giáp mặt Hòa. Quân từng có mâu thuẫn với cha Hòa.

Nhìn thấy Quân, Hòa liền cà khịa rồi mắng sốc cho hả dạ. Đã không xin được vịt lại còn bị chửi, Quân tức tối quay lại bàn nhậu rủ cả bọn sang dằn mặt kẻ vừa xúc phạm mình. Bốn người chia thành hai nhóm, kéo nhau đến chòi vịt. Có tiếng chó sủa Hòa rọi pin kiểm tra. Tú cầm theo hòn đá nhỏ ném về phía người coi vịt. Anh này chạy vào nhà, đóng cửa lại. Một lúc sau, không thấy có động tĩnh gì, Tý bắt hai con vịt đưa cho Quân rồi cả nhóm về nhà làm thịt, nhậu tiếp. Ngay ngày hôm sau, họ bị bắt giam.

Sau khi đưa ra xét xử, Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng tuyên phạt Quân năm năm tù, Tý, Tú bốn năm tù về tội cướp tài sản. Hào bỏ trốn. Thấy oan, cả ba kháng cáo, kêu oan. Hơn một năm mang án cướp tài sản đó, họ chẳng thể tập trung lo kinh tế cho gia đình. Cuộc sống đã nghèo lại nghèo hơn.

Họ và người thân ê chề, tủi nhục với xóm làng. Mãi đến tận ngày 26-10, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng mới tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Chỉ vì hai con vịt mà ba bị cáo suýt phải gánh án tổng cộng 13 năm tù.

Không chỉ ra tay sát hại người khác, đôi khi trong một số vụ án, khi đứng trước vành móng ngựa, kẻ phạm tội vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể hủy hoại cuộc đời người thân yêu, khiến họ phải sống cảnh “sống không bằng chết”.

Tôi gặp chị Lê Ngọc Thủy, nguyên cáo trong phiên tòa xét xử Dương Tú Ân, Dương Văn Tường, Trịnh Công Tiến những ngày cuối tháng 9-2009, tại Tòa án nhân Thành phố Hồ Chí Minh.

Với chiếc khẩu trang che gần kín khuôn mặt biến dạng, chị Thủy cố tránh ánh mắt của mọi người, cho biết: “Tôi sống với Ân như vợ chồng, được một năm sau khi có con, những tiếng cãi vã, quăng nồi, liệng bát xảy ra nhiều hơn. Tôi chán nản bỏ lên thành phố đi làm. Nào ngờ, Ân cho rằng tôi có người khác. Ân nhờ Dương Văn Tường, Trịnh Công Tiến, tạt a-xít trị tội vợ và hứa trả họ một triệu đồng”.

“Một sáng đang đi làm, hai chị em tôi bị phục và bị tạt a-xít. Kết quả tôi chịu 70% thương tật vĩnh viễn. Chị gái tôi bị vạ lây ảnh hưởng 22% thương tật vĩnh viễn. Khi biết kẻ đứng đằng sau vụ án là người mình từng yêu thương, tôi chỉ muốn chết. Anh ấy bảo, anh chỉ muốn cảnh cáo rồi đưa tôi về nhà. Vậy bây giờ nhan sắc tôi thế này liệu anh có còn yêu thương?”.

Những kẻ gây nên khuôn mặt biến dạng của chị Thủy bị vào tù nhưng nỗi đau vẫn còn đó, hiện hữu trên gương mặt chị, không thể xóa đi.

Nguyên nhân và cách khắc phục

Bắt đầu từ những nguyên nhân khách quan. Ngày nay, mọi người đều có cơ hội tiếp xúc với nhiều kênh thông tin giải trí. Người ta dễ dàng xem những bộ phim bạo lực. Dù ít hay nhiều, sự tiếp xúc lâu dài với các dạng giải trí bạo lực ấy sẽ hình thành tư tưởng bạo lực. Tư tưởng này sẽ bùng nổ nếu có những yếu tố tác động như: rượu, lời nói khích khiến họ không kiềm chế được bản thân. Thêm vào đó, theo đà phát triển của cuộc sống, áp lực xã hội cũng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hầu hết người dân chưa có kỹ năng giải tỏa tâm lý, chăm sóc bản thân. Khi áp lực quá căng thẳng sẽ có nguy cơ bùng phát thành những hành động khó kiểm soát.

Ngoài ra, một điều dễ nhận thấy là tình trạng vô cảm đang dần lan tỏa. Con người co cụm lại trong phạm vi gia đình mình, họ ít quan tâm đến xóm giềng xung quanh.

Trong mỗi gia đình, con người lại có khuynh hướng thu hẹp trong lợi ích bản thân, không quan tâm lẫn nhau. Ai cũng nghĩ đơn giản: Mâu thuẫn của ai, người ấy tự giải quyết. Họ đâu biết rằng một lời can ngăn kịp thời, tỉnh táo có thể giúp người đang mất lý trí bình tĩnh lại. Từ đó, những mâu thuẫn sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng, không cần dùng đến bạo lực.

Những nguyên nhân ngoại cảnh đó là một phần việc khiến các án mạng xảy ra nhiều hơn. Ngoài ra, chuyên viên tâm lý Trương Thị Oanh Oanh, giám đốc Công ty tâm lý Nhịp sống, cho biết: Tất cả những hành vi nông nổi trong các câu chuyện kể trên thể hiện rõ sự mất cân bằng tâm lý của các đối tượng phạm tội. Sự mất cân bằng tâm lý này xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

- Công việc căng thẳng trong khi giải trí quá nhàm chán.

- Con cái thiếu tình thương, sự chăm sóc, dạy d của cha mẹ. Vợ chồng không có thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn với nhau những trăn trở, bức xúc…

- Thiếu bản lĩnh sống, kỹ năng kiềm chế kém khiến người ta dễ “giận mất khôn”…

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, mỗi chúng ta hãy trang bị những kỹ năng sống cho mình và người thân. Trước những tình huống nóng giận, mỗi người phải nhắc nhở mình tự kiềm chế, tìm cách thích ứng với mọi hoàn cảnh. Đồng thời, bạn hãy học cách quan tâm đến những người xung quanh.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.