Ông lão cụt chân và “vợ nhặt” mưu sinh trên con thuyền gỗ ở Sài Gòn

Trải qua bao mùa nước lớn trên con lạch nhỏ giữa Sài Gòn, ba mảnh đời gia đình ông Đực vẫn sống lênh đênh trên chiếc thuyền gỗ cũ nát.

Trải qua bao mùa nước lớn trên con lạch nhỏ giữa Sài Gòn, ba mảnh đời gia đình ông Đực vẫn sống lênh đênh trên chiếc thuyền gỗ cũ nát. Cuộc sống của họ là những ngày không điện, không nước, không tương lai, đối lập với sự sôi động và hiện đại của một thành phố lớn.

“Nhặt vợ” trên dãy cù lao xứ dừa

Con thuyền gỗ bệ rạc nằm dưới chân cầu Rạch Bàn 2, đường Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7, TP.HCM) là nơi cư ngụ của gia đình ông Lê Văn Đực (55 tuổi). Ông Đực vốn quê ở dãy cù lao Bình Đại, Bến Tre. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Vĩnh quê tận miệt Trà Vinh xa xôi. Ngồi nhâm nhi li trà nhạt bên vệ đường, cách chỗ đậu con thuyền không xa, người đàn ông mái tóc hoa râm ngước mắt lên nhìn tòa nhà sừng sững đối diện, bỗng tư lự. Giọng trầm buồn, ông Đực thổ lộ: “Bé My, con gái tôi đã lên 8 ấy vậy mà chưa bao giờ có một giấc ngủ yên trong căn nhà kiên cố”.

Ông Lê Văn Đực ngồi kể chuyện đời mình

Từng tham gia chiến tranh, nên ông Đực bị mất một bên chân trái. Thời bình, ông trở về quê và bén duyên với một người phụ nữ sống cùng làng. Nhưng rồi người vợ lâm bệnh qua đời, để lại cho ông đàn con côi cút. Vốn là dân sông nước, một mình ông ngày đêm miệt mài chài lưới kiếm tiền nuôi con. Đến khi khôn lớn, có thể tự mưu sinh, đàn con cũng dần rời xa người cha lam lũ kiếm ăn. Từ ngày ấy, ông Đực chỉ còn lại một mình thui thủi trên chiếc ghe cũ nát.

Về phần bà Vĩnh trước khi đến với ông Đực đã có một đời chồng. Về làm dâu nhà người ta nhưng cuộc sống chẳng bao giờ êm ấm. Không chịu nổi sự cay nghiệt của mẹ chồng, bà đâm đơn li dị khi đang mang thai tháng thứ 3. Ở quê, một người phụ nữ bụng mang dạ chửa cả gan dám bỏ chồng không tránh được sự dị nghị. Chờ đến khi đứa bé chào đời rồi cứng cáp, một mình bà trôi dạt lên xứ cù lao Bình Đại mưu sinh. “Thấy bà Vĩnh nay chỉ còn một mình, người quen mới ngỏ ý giới thiệu mai mối tôi cho bà ấy để cả hai cùng nương tựa quãng đời về sau”, ông Đực nhớ lại.

  Bà Vĩnh và con gái trong chiếc ghe cũ

Nghĩ lại lần đầu gặp mặt, đôi vợ chồng già quay qua nhìn nhau rồi cười mãn nguyện. Bà Vĩnh kể: “Dù được giới thiệu từ trước, nhưng khi thấy người đàn ông làn da rám nắng bước ra khỏi chiếc thuyền cũ, chân đi tập tễnh, tôi hơi ái ngại. Đến khi trò chuyện, thấy ông hiền lành, tật nguyền nhưng không bi quan, tôi mới dần cảm mến. Dù chưa nói nhưng trong bụng, tôi đã thầm ưng về sống bên ông”.

Đáp lời vợ, ông nói nửa đùa, nửa thật: “Người ta dẫn bà ấy tới, nói chuyện một hồi, dòm qua dòm lại thấy ưng nhau nên tôi dắt về ở thôi”. Chỉ sau lần gặp đầu tiên, hai con người cô đơn trên xứ cù lao quanh năm nắng gió quyết về gắn bó sẻ chia ngọt bùi. Họ đến với nhau bằng tình người ấm áp, nhưng không đăng kí kết hôn. Kể từ đó, bà Vĩnh luôn sát cánh bên ông phiêu bạt, lênh đênh ngược xuôi sông nước.

Từng trải qua những cuộc hôn nhân không vẹn tròn, nên ông bà rất trân trọng hạnh phúc đang có. Cuộc sống dẫu vất vả nhưng họ chưa bao giờ to tiếng hay cãi vạ, xô xát nhau. Bà Vĩnh cho biết: “Tôi và ông về bên nhau năm 1980, khi cả hai đã từng trải qua một đời chồng, đời vợ. Vá víu lấy nhau nhưng miễn vui vẻ là được. Nhớ lại hồi mới về ở với nhau, tôi cũng muốn sinh cho ông ấy đứa con. Nhưng ngại cảnh sống trên ghe nay đây mai đó, bữa đói bữa no nên phải hơn 25 năm sau, vợ chồng tôi mới đẻ bé My đó”.

Cả gia đình bên quán nước vỉa hè

“A! Ông trời sửa xe cho con rồi”

Năm 2007, bé Diễm My chào đời cũng là lúc tuổi ông bà đã cao. Vì muốn cho con một cuộc sống mới, vợ chồng ông bắt đầu dong thuyền tiến về Sài Gòn. Con thuyền cũ nát, máy móc cứ chạy rề rề, phải mất 2 ngày 2 đêm len lỏi qua bao con sông, con rạch chằng chịt gia đình ông mới chọn chân cầu Rạch Bàn 2 làm trạm dừng chân cuối cùng.

Lần đầu đặt chân đến Sài Gòn, trong túi ông Đực chỉ vỏn vẹn 500 ngàn đồng, gia tài là chiếc xe đạp cũ mèm và cái đài radio phát âm ì ẹt. “Khi tới đây, My chỉ mới được 2 tháng tuổi nên tôi phải ở trong ghe trông con. Hằng ngày, ông Đực đạp xe đi bán vé số, những ngày mưa gió dù có một chân nhưng ông ấy vẫn kiên trì mặc áo mưa đi bán để mong kiếm chút tiền mua sữa cho con”.

Những ngày đầu mới về đây, cuộc sống của họ vô cùng gian nan. Ông bà không thể nhớ hết bao đêm phải thức trắng vì nước tràn vào ghe. Lúc đó, trên lưng ông địu con, rồi cùng bà cầm chậu múc nước đổ ra sông để giữ ghe khỏi chìm. Hay khi rắn rết bò vào lu nước ngọt vừa mới được mua về khiến bé My sợ khóc thét lên. Nhưng rồi sống lâu thành quen, My cũng dần thích nghi với cuộc sống trong chiếc ghe nhỏ nằm lọt thỏm dưới lùm cây um tùm, xung quanh đầy muỗi mòng.

Bé My chưa bao giờ biết đến một mái nhà nhưng lúc nào cũng hạnh phúc

Đợi bé My cứng cáp, bà Vĩnh mở một quán nước cạnh vỉa hè để kiếm tiền sinh sống qua ngày. Lớn lên trong cảnh thiếu thốn, dù đang được theo học lớp 2 tình thương nhưng My còi cọc, mỗi năm thường phải nhập viện 2-3 lần do sốt xuất huyết. Vì ghe ở sát đường lớn, đông đúc xe cộ qua lại nên sân chơi của My chỉ gói gọn trong mép vỉa hè trên cầu Rạch Bàn 2.

“Bạn” của My còn có chiếc xe đạp cũ được người lạ đi qua thấy bé chơi một mình nên đem tặng. Chiếc xe cứ để phơi nắng ngoài trời nên chẳng mấy mà dây xích bị rỉ sét, cứng ngắc không chạy được. Ánh mắt người cha già lại ánh lên niềm vui khi nói về cô con gái bé bỏng: “Tôi có đem ra sửa nhưng dây xích cũ quá chưa có tiền thay, nên đành để tạm dưới gốc cây ba tháng nay. Hai hôm trước, con bé lại lấy ra đạp thử vài vòng ai ngờ lại chạy được, thấy thế My reo lên 'A! ông trời sửa cho con rồi'”.

Quán vỉa hè được mở cạnh con đường lớn nhưng lâu lâu mới có khách ghé vào. Thi thoảng, có người khách nhìn thấy Diễm My lanh lẹ, ai cũng nghĩ là cháu gái của ông bà. Thấy thế, bà Vĩnh cười bảo “nàng Út nhà tôi đấy”. Khi màn đêm buông xuống, những tòa nhà cao ốc bên kia đường khoác lên mình vẻ đẹp lộng lẫy của sự hiện đại, thì chiếc thuyền độc mộc vẫn leo lét dưới ánh đèn dầu. Nằm đung đưa trên chiếc võng mắc ngang ghe, ông Đực cao hứng ngâm vài câu thơ như gói trọn tâm ý kẻ tha hương: “Về lại Bến Tre vẫn không nhà/ Con đò rửa mục biết về đâu?/ Quê hương nơi nào không yêu dấu/ Chỉ sợ trong lòng chẳng vươn lên”.

Ái Thụy/VietNamNet

1. 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.