Mảnh đời của người đàn bà 9 năm ngủ ngoài ghế bố mưu sinh

Tuổi đã về chiều nhưng vì “bất đắc dĩ”, đã 9 năm nay người đàn bà ấy vẫn phải ngủ ngoài ghế bố những đêm sương giá, mưa lạnh để làm cái nghề thiên hạ gọi là “ăn cám trả vàng”- nghề giữ xe.

Nằm lọt trên chiếc ghế bố kê sát vách phên gỗ, giữa đống chăn gối ngổn ngang, bà Nga trở mình khó nhọc. Đã 9 năm nay, bà bị bệnh viêm khớp hành hạ, khiến đôi chân đau nhức bầm tím, sưng phù nề. Đi lại khó khăn, tuổi đã về chiều nhưng vì “bất đắc dĩ”, người đàn bà ấy vẫn phải ngủ ngoài ghế bố những đêm sương giá để làm cái nghề thiên hạ gọi là “ăn cám trả vàng”- nghề giữ xe.

Dang dở một đời vì duyên phận hẩm hiu

Sài Gòn tỏa nắng gắt sau cơn mưa ban trưa, càng làm không gian nhỏ hẹp trong chỗ trú ngụ của bà Nguyễn Thị Hằng Nga (63 tuổi) thêm phần ngột ngạt. Bà Nga là cư dân lâu đời ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3, TP.HCM). Thở dốc sau khi gom gọn mấy chiếc xe khách gửi ngay ngắn giữa sân, bà Nga kể: “Tôi sống ở khu chung cư này ngay từ nhỏ. Mang tiếng là có nhà, nhưng đây là nhà mẹ ruột tôi, bà năm nay đã 90 tuổi, mắt mờ nên chỉ còn nằm một chỗ. Căn hộ chỉ 20m2 thôi nhưng là nơi ở của 10 người chưa kể cả tôi”.

  Dù chân đau nhưng bà Nga vẫn nhận giữ xe kiếm thêm thu nhập

Căn hộ cũ kĩ hiện giờ là nơi tá túc cho 4 thế hệ gồm: mẹ ruột, bốn chị em của bà, người tuổi cao, người thất nghiệp, người thì mất sức lao động và hai đứa cháu nhỏ con người chị. Ba năm trước, cô con gái li hôn chồng và dắt theo hai đứa con về tá túc trong căn hộ. Nhưng vì “đất chật, người đông”, ba mẹ con Quỳnh Chi (con gái bà-PV) đành trải tấm chiếu mỏng ngủ dưới nền nhà.

  Bà Nga ngủ ngoài chiếc ghế bố suốt 9 năm nay

“Trong nhà chật lắm, nên tôi đành ngủ ghế bố kê ngoài sân. Vả lại để tiện bề trông xe, tôi ở như vậy cũng 9 năm nay, ăn ngủ một chỗ đã thành quen”. Giọng trầm buồn, bà nói như để giải thích cho một mảnh sân nhỏ 6m2, nhưng sức chứa được “hàng trăm thứ hầm bà lằng” nào xe máy khách gửi, đến chén đũa, xoong nồi, rổ rá và nhiều thứ khác

Như dòng nước được khơi nguồn, bao nỗi niềm xót xa, giấu kín trong lòng nay bà có dịp giãy bày. Thủa còn thanh xuân, bà Nga cũng từng có một tấm chồng như bao người phụ nữ khác. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, đôi lứa sớm dang dở. Chồng bà Nga khi đó là một người đàn ông gốc Bắc vào đây định cư. Nhưng vì bên nhà trai phản đối, nên người ta theo bà về ở rể trong căn hộ chung cư này. Hai người cứ thế ở với nhau mà không đăng kí kết hôn. “Sống chung với nhau được hơn một năm thì tôi mang bầu. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi và chồng xảy ra nhiều bất đồng”, bà tâm sự.

Đến một ngày, bà Nga bất ngờ khi người chồng đòi chia tay, mặc cho vợ đang mang thai tháng thứ 6. Biết không thể cứu vãn cuộc hôn nhân nhiều trắc trở, bà ngậm ngùi gật đầu đồng ý. Thế nhưng, từ ngày đó người chồng bặt vô âm tín, không một lần thăm hỏi đứa con trong bụng bà. Người phụ nữ ấy chỉ còn biết trách số phận bạc bẽo, cố gắng mưu sinh bên chiếc bàn may vá, kiếm tiền nuôi con.

Dãi nắng, dầm mưa với nghề        

Năm tháng qua đi, đôi mắt ngày càng già yếu, không còn nhìn tỏ đường kim mũi chỉ, công việc may vá bà đành xếp lại. Thế nhưng, để kiếm thêm thu nhập bà Nga đành dành ra phần sân hẹp để giữ xe. “6-7 năm nay tôi bị bệnh viêm khớp nên đi lại là đau nhức hai đầu gối. Bệnh này cần phải kiêng vận động, nhưng không làm tôi biết lấy gì để sống. Ở đây tôi chủ yếu giữ xe cho mấy hộ gia đình ở tầng trên, nên mỗi ngày cũng được 40-50 ngàn”, bà cho hay. Nghề giữ xe đòi hỏi phải có sức khỏe, nhưng đôi chân thấp khớp sưng to nặng nề, khiến bà khổ sở mỗi lần dắt xe cho khách.

 Một góc nhỏ “bãi” giữ xe của bà Nga

Con gái của bà, chị Nguyễn Thị Quỳnh Chi (33 tuổi) sau khi li dị chồng ba năm nay đã dắt theo về hai con nhỏ. Học phí hằng ngày của đứa cháu đều dựa vào số tiền giữ xe ít ỏi của người bà ngoại. Quỳnh Chi cho biết, hiện tại đang sống bằng nghề cho người ta mượn khuôn mặt để trang điểm. Mỗi lần 2 tiếng chỉ được trả 40.000 đồng, nhưng không phải ngày nào cũng có.

Chi không dám đi làm xa, vì bà Nga bị nhồi máu cơ tim, nhiều khi tự nhiên té xỉu mà chẳng hay. “Hôm rồi bà ấy mua của tôi một tô phở đi được nửa đường thì bỗng ngã ngửa ra sau. Úp nguyên cả tô lên đầu. Mấy năm trước tấm bạt căng ngoài sân của bà Nga bị mục nát, trời mưa trông đến khổ. May mà có anh Quốc Nam (nghệ sĩ hài-PV) nhà cũng ở khu chung cư này thấy hoàn cảnh của bà tội quá, nên đã mua cho một tấm bạt mới để che chắn”, bà Thu, người dân sống cạnh khu chung cư cho biết.

9 năm nay, bà Nga vẫn chịu khó thức khuya dậy sớm bền bỉ với nghề “ăn cám trả vàng”. Cái nghề người ta chỉ phải trả cho bà dăm đồng bạc lẻ, nhưng nếu để mất xe thì bà phải đền mấy chục triệu. Cũng may ngần ấy năm bà chưa làm mất chiếc xe nào của khách. Bà bảo, già rồi sống tới đâu hay tới đó, nhưng cũng phải ráng kiếm thêm chút nữa để lo cho hai đứa cháu ngoại được đến trường. Thời của nghề giữ xe, người ta nghĩ giữ xe hái ra tiền nên ba năm nay, ở khu chung cư này nhà nhà rầm rập mở dịch vụ giữ xe, thành ra chỗ bà Nga lác đác mỗi ngày chưa đầy mười chiếc.

Công việc thường ngày của bà là dậy từ 4 giờ sáng, lúc những ngọn đèn vỉa hè về đêm còn chưa tắt, để giao xe cho khách đi làm. Tối đến, có khi bà phải đợi đến quá nửa khuya, để chờ khóa xe cho những người ở lầu trên. Cũng 9 năm qua, bà chưa hề có một giấc ngủ trọn vẹn, vì lo cho sự an toàn của những chiếc xe ở ngoài đêm vắng. Những lúc như thế, bà Nga lại ngồi trên chiếc ghế bố tựa lưng vào vách phên gỗ, đầu trùm chiếc áo khoác mỏng, chợp mắt chốc lát bà lại giật mình thức giấc ngó nghiêng chiếc ổ khóa tròng vào dây xích.

Ngoài sân nhỏ được che bởi một tấm bạt nhưng không đủ che mưa nắng. Chiếc ghế bố được đặt cạnh nắp cống, sau mỗi cơn mưa gián lại bò lên bu đen cả nền sân, bà Nga chỉ biết cố nhấc đôi chân nặng nề đặt lên ghế bố. Những lúc trở trời, cuộn đôi chân đau nhức trong chăn mỏng, lòng người đàn bà khổ hạnh này lại càng thêm tê tái.

Ái Thụy/VietNamNet




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.