Ra mắt

Sau một đêm mất ngủ, ngày mới đến với tôi trĩu nặng nỗi lo âu: Hôm nay là ngày dự tuyển. Lời động viên của mẹ Lừng dành riêng cho tôi cứ văng vẳng trong đầu rằng tôi trông cao ráo, hiền lành, dễ thương, nên dễ trúng tuyển lắm.

Trước giờ G

Hơn năm giờ sáng, tôi nghe tiếng thầy mẹ thức giấc, nói chuyện ngoài kia. Nhấp nhổm định dậy mấy lần để ghi điểm với thầy mẹ rằng tôi là cô gái chăm ngoan, nhưng tiết trời buốt lạnh; với lại đêm qua mất ngủ, mắt cứ cay sè nên không sao dậy được.

Khoảng sáu giờ sáng, hai cô bạn dậy trước. Tôi vẫn cố nằm nướng, chợt tiếng Lan gọi: “Chị ơi, dậy quét sân”. Tôi bật dậy, không kịp đánh răng rửa mặt, mắt nhắm mắt mở chạy vội ra sân, cầm chổi cắm cúi quét thật sạch, rồi xách mấy lần rác đi đổ.

Mẹ Lừng đứng trong nhà nhìn tôi cười tươi: “Đấy, cô dâu mới ngoan và hòa đồng với chị em thế là tốt đấy. Con quét sân, lau nhà xong, rồi vào ăn sáng, tắm rửa, trang điểm cho xinh mà dự tuyển chồng con nhé”.

Được mẹ khen và quan tâm dặn dò chu đáo, tôi bẽn lẽn với ý nghĩ: Có được bao nhiêu mẹ chồng tâm lý với nàng dâu như mẹ Lừng?

Các cô dâu ở đây, buổi sáng tự chia việc nhà cho nhau làm. Tôi được giao quét sân, lau nhà. Em Lan lau sàn, chị Hoa giặt đống quần áo to ụ của đại gia đình.

Làm xong mọi việc, tôi vội lao ngay vào bàn trang điểm. Sau một đêm mất ngủ, soi gương thấy phờ phạc quá. Để tươi tắn hơn, theo lời khuyên của chị Hoa, tôi quyết định mua sâm về uống hai gói liền. Chưa đến chín giờ sáng, tôi đã trang điểm xong. Chưa khi nào tôi trang điểm kỹ thế, thấy mình lạ hẳn đi. Mẹ Lừng khen: “Trông con bé dễ thương, hiền lành, mà cũng khá cao ráo, thế này thì dễ trúng tuyển lắm”.

Tôi ngượng nghịu kể lể tại gia cảnh nghèo túng, tôi muốn lấy chồng Hàn Quốc để có tiền về giúp mẹ, với lại thấy chị gái lấy chồng Việt Nam hay bị đánh đập, nên tôi sợ... Nghe vậy, mẹ Lừng vỗ về: “Thế thì con tìm đúng cửa rồi. Sang đó, sướng lắm con ạ”.

Hồi hộp

Tuy nhiên, tôi cũng lo thắt ruột, vì lỡ trúng tuyển thật, không biết sẽ xoay thế nào vì các công đoạn sau đó rất gấp gáp. Càng nghĩ, càng hoảng, không biết xử lý thế nào, tôi bật khóc nức nở, nhưng phải giải thích rằng gia đình, đặc biệt là mẹ, phản đối việc tôi lấy chồng Hàn Quốc, rằng tôi trốn nhà để đi tuyển... Nghe vậy, mẹ Lừng nhảy dựng lên kêu trời, rồi bắt tôi gọi điện về nhà để bà ấy thuyết phục gia đình nhằm tránh rắc rối về sau.

Đến nước này, tôi đành phải gọi điện cho một đồng nghiệp nhờ đóng giả là cậu, năn nỉ nhờ cậu thuyết phục gia đình đồng ý cho tôi lấy chồng Hàn Quốc. Nói chuyện với cậu tôi qua điện thoại, mẹ Lừng giọng chắc nịch tự giới thiệu mình là mối uy tín nhất, đã đưa được 1.500 cô gái sang Hàn Quốc làm dâu nên nếu tôi trúng tuyển hôm nay giống như trúng số độc đắc, trăm cô mới được một cô, phải có phúc lắm mới được...

Mẹ Lừng cũng không quên dặn cậu tôi nếu trưa nay tôi trúng tuyển, cậu chuẩn bị một cái xe 14 chỗ để đưa ngay gia đình nhà gái về Hải Phòng ngay ngày mai tổ chức đám cưới. Sau đó, mẹ sẽ bố trí cho chàng rể lên thăm quê vợ...

Sau một hồi bị thuyết phục, cuối cùng, cậu tôi cũng đồng ý cho tôi dự tuyển chồng và hứa sẽ khuyên mẹ tôi. Tuy nhiên, cậu tôi yêu cầu mẹ Lừng cho phép tôi chụp ảnh để chứng tỏ đã đi dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc và hơn nữa phải biết mặt chàng rể tương lai.

Khi bị cậu hỏi dồn về chuyện nếu trúng tuyển sẽ được đào tạo thế nào, mẹ nói đại sẽ được huấn luyện tận Hà Nội, nhưng tốt nhất là cứ ở nhà mẹ khoảng một tháng là ổn. Cậu cũng xin mẹ Lừng cho tôi về thăm mẹ đẻ đang ốm, rồi mai cậu chở xuống ngay để tiếp tục dự tuyển nếu chưa được chọn hôm nay.

Cúp điện thoại, mẹ Lừng nhìn tôi cười: “Đấy, con cứ lo, mẹ mà tư vấn thì xuôi mọi chuyện”. Tôi thở phào vì đã có đường lui và tự nhiên cũng thấy hồi hộp xem liệu mình có “đắt chồng”?

Rể Hàn

Gần 11 giờ trưa, một chiếc ôtô bảy chỗ đỗ xịch ngoài cổng, chợt có tiếng ai đó hô lớn: “Rể về”! Lập tức, tất cả chúng tôi đang ngồi ở phòng khách bị dồn vào phòng trong. Chị mối Tân và chồng chị là anh Kang, người Hàn Quốc, chuyên dẫn mối bên Hàn Quốc, bước xuống xe, mang theo cả mấy thùng quà. Mọi người cười nói, tay bắt mặt mừng rộn cả ngõ xóm. Chú rể vẫn được giấu trong xe.

Cũng từ lúc đó, xe máy chở hai, chở ba các cô gái tuyển chồng tới tấp đến nhà mẹ Lừng. Những cô gái rất trẻ, hầu hết sinh năm 89, 90, 91, thậm chí cả 92, có những cô cao trên mét sáu. Họ tranh thủ trang điểm thêm cho nhau. Nhìn những cô gái bên cạnh xinh tươi, trẻ trung, cười nói rộn ràng với chúng bạn, tôi thấy chạnh lòng.

Vừa đến nhà mẹ Lừng, Đào Thị L. (sinh năm 1991) xông thẳng vào giường nằm phịch xuống. L. vừa mới dự một cuộc tuyển chồng ở xã Minh Đức (Thủy Nguyên) về, không kịp ăn trưa nên đói, mệt quá. L. cho biết, bên đó có 7 rể về tuyển vợ, nhưng không được cô dâu nào. Trông mặt em vẫn còn non nớt, vậy mà đã có kinh nghiệm gần chục lần đi tuyển chồng thế này.

Để bước vào cuộc tuyển như hôm nay, các cô dâu phải viết một số thông tin bản thân vào một tờ giấy theo mẫu in sẵn, sau đó được anh Kang chụp cho ba kiểu ảnh và quay một đoạn video ngắn tự giới thiệu về bản thân để anh Kang mang sang Hàn Quốc giới thiệu trước. Tôi tìm mọi cách trốn tránh, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận bị quay phim chụp ảnh vì sợ bị phát hiện.

Gần 11 rưỡi trưa, tất cả trở nên nhốn nháo vì cuộc tuyển bắt đầu. Địa điểm là tầng 2 nhà mẹ Lừng. Hơn 20 cô gái chen chúc, xô lấn nhau ồn ào ở cầu thang để được nhìn mặt chú rể tương lai trước khi vào tuyển. Ai nhanh chân được vào tuyển trước. Cứ bốn người vào tuyển một lần, ai qua vòng một, sang phòng bên cạnh chờ tuyển vòng hai.

Qua mấy lượt, thấy tôi vẫn đứng dưới cầu thang, mẹ Lừng sốt ruột giục và cầm tay kéo tôi vào phòng tuyển. Tôi và ba cô gái nữa ngồi ở ghế bên phải, đối diện là hai anh rể Hàn Quốc (một anh già, một anh khá trẻ) ngồi im. Chị mối Tân ngồi đầu bàn có nhiệm vụ đặt câu hỏi phỏng vấn.

Sau khi anh Kang nói mấy câu tiếng Hàn, hai rể bắt đầu nhìn chúng tôi. Tim tôi chợt đập mạnh, ngượng ngùng, da mặt như bị mất cảm giác và đôi mắt trở nên thừa thãi không biết nhìn đi đâu. Mẹ Lừng đứng ngoài nói với vào: “Cười lên nào, các con là một vườn hoa khoe sắc, cười tươi lên đi”. Được khích lệ và nhớ nhiệm vụ của mình, lấy hết bình tĩnh, tôi nhìn thẳng vào người đàn ông ngoại quốc ngồi đối diện và nhoẻn miệng cố tạo nụ cười thật tươi.

Đỗ vòng một, trượt vòng hai

Tất cả chúng tôi đều được mối Tân đặt ba câu hỏi giống nhau, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, trình độ học vấn. Tôi trả lời tôi 26 tuổi, bán hàng tạp hóa, học dở cấp ba. Anh rể đối diện cứ nhìn tôi cười cười, khiến cho da mặt tôi càng mất cảm giác hơn.

Chưa đầy năm phút sau, chị Tân công bố tôi lọt vào vòng trong. Không hiểu sao tôi lại vui đến độ có thể cười tươi mà không cần cố (nụ cười đơn thuần thiếu nữ, chứ không phải của một phóng viên đang đóng kịch?). Thế là tôi qua vòng một, mà chưa biết một chút thông tin gì về chàng trai xứ Hàn có thể trở thành chồng tương lai của mình.

Vòng hai, chúng tôi lại tiếp tục ngồi đối diện. Lúc này, chị Tân mới đọc lý lịch của hai rể. Anh già hơn sinh năm 1964, có ba con, đã ly dị vợ, ba đứa con đều sống với vợ. Anh trẻ hơn sinh năm 1970, tốt nghiệp đại học, nhân viên công ty, lương tháng hai nghìn đô, sống trong chung cư, không ở cùng bố mẹ, chưa kết hôn lần nào. Giới thiệu xong, chị Tân hỏi chúng tôi có ai đồng ý hai anh không, tất cả đều nhất loạt đồng ý anh trẻ (không hiểu sao tôi cũng trong số này!).

Nhưng lần này không như lần trước, tôi ngồi chưng hửng vì không được rể nhìn và cười như trước. Chưa đầy năm phút, anh lắc đầu. Cả bốn chúng tôi bị trượt. Phía bên ngoài, một số cô gái dù không được lọt vào vòng 2 vẫn chen vào ngồi cho rể ngắm để hy vọng anh thay đổi. Các cô gái trẻ dường như kết cái mác tốt nghiệp đại học, nhưng tất cả đều bị loại. Buổi tuyển không thành công, các cô gái đi về trong sự tiếc nuối. Anh rể ở lại chờ đến chiều tuyển đợt khác.

Kết thúc buổi tuyển, mối Tân mới tiết lộ sở dĩ, hai rể không ưng ai là vì họ muốn tìm một cô gái có trình độ đại học. Tôi thầm nghĩ, điều đó hơi ảo tưởng ở một miền quê mà hầu hết các cô gái 17, 18 tuổi chỉ muốn lớn cho nhanh để đi lấy chồng Hàn.

* Tên một số nhân vật trong bài đã được đổi

Theo Lưu Trinh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.