Sặc thạch rau câu ở trẻ nhỏ: lời cảnh báo chưa có hồi kết

Thạch rau câu là thức ăn mềm, trơn, trẻ nhỏ khi ăn nhanh rất dễ bị nuốt chửng, sặc. Mặc dù rất nhiều lời cảnh báo được đưa ra nhưng hàng ngày vẫn có trẻ em phải nhập viện vì ăn thạch.

Thạch rau câu là thức ăn mềm, trơn, trẻ nhỏ khi ăn nhanh rất dễ bị nuốt chửng, sặc. Mặc dù rất nhiều lời cảnh báo được đưa ra nhưng hàng ngày vẫn có trẻ em phải nhập viện vì ăn thạch.

Sặc thạch rau câu, bé 2 tuổi nguy kịch

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Ngày 10/1, bé Lê Nguyễn Nguyệt Cát (2 tuổi, ngụ tổ 2, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Sặc thạch rau câu ở trẻ nhỏ: lời cảnh báo chưa có hồi kết 1

Thạch rau câu có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì dễ mắc ở cổ họng các bé. Ảnh: TTXVN.

Sau thăm khám, bệnh viện phát hiện bé bị sặc thạch rau câu (thạch rau câu quá to, bít hết đường thở của bệnh nhi). Não của bé bị phù do bị ngưng tim quá lâu. Trong thời gian điều trị, ngoài việc giúp bé thoát khỏi trạng thái hôn mê sâu, các bác sĩ còn tiến hành điều trị phù não. Đến thời điểm này, chứng phù não của bé Nguyệt Cát đã không còn.

Sau 10 ngày phải thở bằng máy và rơi vào tình trạng hôn mê sâu, sáng 19/1, tay, chân của bé Nguyệt Cát đã cử động được. Các bác sĩ cũng bắt đầu tập cho bệnh nhi tự thở mà không cần sự hỗ trợ của máy.

Bé trai 5 tuổi hóc thạch suýt mất mạng

Chiều 8/5/2014, một bé trai 5 tuổi được đưa đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) cấp cứu do có một miếng thạch to còn nguyên hình dáng, nằm chặn cổ họng.

Các bác sĩ cho biết, bé trai 5 tuổi này được người nhà và cô giáo đưa từ trường mầm non đến BV Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng tim rời rạc, không thở. Tiến hành bóp bóng cấp cứu cho bệnh nhi thì khí không vào phổi, không thấy lồng ngực di động. Khi đặt nội khí quản, bác sĩ phát hiện một miếng thạch nằm chắn ngang cổ họng bé và đã lấy được miếng thạch ra. Miếng thạch gần như còn nguyên vẹn hình dáng trụ của chiếc thạch. Rất có thể khi ăn thạch, do không để ý, bé đã nuốt chửng cả miếng thạch gây hóc, khó thở.

Theo lời kể của cô giáo, cả ngày 8/5, trẻ đến lớp trong tình trạng sức khỏe không có gì đặc biệt, ăn ngủ như bình thường. Đến khi gần tan học, bé có ăn một miếng thạch. Sau khi ăn, bé bị nôn trớ liên tục, rồi người tái nhợt. Ngay lập tức, cô giáo gọi bố bé (đã đến đón con chờ dưới sảnh) đưa bé đến BV Bạch Mai cấp cứu (trong khoảng 10 phút).

Sặc thạch rau câu, bé gái 13 tháng tuổi tử vong

Bệnh nhi K.T.T.N., 13 tháng tuổi, trú ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn được đưa đến bệnh viện ngày 4/2/2014 trong tình trạng tím tái thân thể, ngưng thở, ngưng tim vì sặc thạch rau câu. 

Sặc thạch rau câu ở trẻ nhỏ: lời cảnh báo chưa có hồi kết 2

Ảnh minh họa.

Bằng các thao tác cấp cứu hồi sức kích thích tim, đặt nội khí quản khai thông đường thở, nửa giờ sau tim bệnh nhi đập trở lại. Thế nhưng đến ngày 5/2, bệnh nhi tiếp tục lâm vào tình trạng bất ổn sức khỏe, đồng tử bị giãn, ngưng tim, mất phản xạ. Các y bác sĩ khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã nỗ lực cấp cứu nhưng bất thành. Gia đình sau đó đã xin đưa bệnh nhi về để lo hậu sự.

Một số người thân trong gia đình cháu K.T.T.N. cho biết, trước đó cháu bé bị sặc khi ăn thạch rau câu, ngạt đường thở, da tím tái dần. Sau khi đưa đến Trạm y tế phường Trần Quang Diệu, bệnh nhi đã được chuyển tiếp đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã quá muộn. 

Sặc thạch rau câu, bé trai 4 tuổi tử vong

Sáng 17/7/2013, bé Nguyễn Cao Khang (4 tuổi), con trai một cặp vợ chồng công nhân nghèo ở trọ tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, sau khi ăn thạch rau câu bị sặc đã dẫn đến tử vong.

Sáng hôm xảy ra sự việc, chị Trần Thị Sáng (27 tuổi, quê Nghệ An), mẹ của bé Khang, đi chợ mua thạch rau câu về cho con ăn. Trong lúc ăn thì bé Khang có biểu hiện khó thở, người tím tái rồi lăn xuống nền nhà phòng trọ nằm bất động. Ít phút sau thì bé Khang ngừng thở và tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện.

Cùng ngày, Công an thị xã Thuận An đã tiến hành xác minh và lấy lời khai để làm rõ vụ việc về cái chết đột ngột của bé Nguyễn Cao Khang. Theo kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, bé Khang có tiền sử bệnh lý về đường hô hấp và từng nhiều lần khó thở trong lúc ăn uống. Nguyên nhân dẫn đến tử vong của bé là do ăn thạch rau câu có thể bị sặc làm tắc đường hô hấp.

Cứu sống bé 14 tháng tuổi bị sặc thạch rau câu vào phổi

Ngày 4/10/2012, Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận ca cấp cứu, bệnh nhân là cháu Lương Hữu Nghĩa, 14 tháng tuổi được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang về trong tình trạng tim ngừng đập, ngừng thở (hôn mê). Nguyên nhân là do ăn thạch rau câu và bị ho, sặc dị vật vào phổi.

Sặc thạch rau câu ở trẻ nhỏ: lời cảnh báo chưa có hồi kết 3

Bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) kiểm tra sức khỏe cháu Lương Hữu Nghĩa (14 tháng tuổi) trước khi quyết định cho cháu xuất viện.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, cháu Nghĩa được chuyển sang Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất xấu: ngừng thở, tim đã ngừng đập, toàn thân đã tím đen, lượng ôxy trong máu chỉ có 30-40% (trong khi bình thường lượng ôxy trong máu là 80-90%). Các bác sĩ đã phải bóp tim ngoài lồng ngực và bóp bóng thở.

Sau 15 phút cấp cứu, tim cháu Nghĩa đã đập trở lại. Tuy nhiên, do những dị vật li ti của thạch vẫn nằm trong phổi nên gây tắc phổi (tràn khí do dị vật). Sau khi tiến hành cấp cứu và hội chẩn, cháu Nghĩa đã được điều trị bằng biện pháp cho thở máy để tạo ôxy lên não, rồi hút dị vật, 30 phút thực hiện một lần, bằng phương pháp này liên tục sau gần hai ngày các bác sĩ đã hút được hết các dị vật bên trong phổi, cơ thể cháu Nghĩa đã khá lên.

Sau hơn 10 ngày điều trị (17/10), cháu đã được ra viện.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.