Thương tâm người Việt sống lay lắt trên Biển Hồ, Campuchia

Cả đời trên sông nước, không có giấy tờ tùy thân... sống lay lắt nhờ sự giúp đỡ của nhà hảo tâm. Đó là cuộc sống của những người Việt trên Biển Hồ, Campuchia.

Cả đời trên sông nước, không có giấy tờ tùy thân... sống lay lắt nhờ sự giúp đỡ của nhà hảo tâm. Đó là cuộc sống của những người Việt trên Biển Hồ, Campuchia.
 

Chúng tôi bắt gặp hình ảnh một bà mẹ vì cố chèo theo lấy quả bóng cho con làm
 chiếc ghe chao đảo suýt lật nhào... (ảnh Đ.L)  

“Thấy quả bóng bay ở trên sông, đứa trẻ khóc ngằn ngặt, người mẹ cố chèo thuyền theo làm cái ghe cũ chao đảo bị nước tràn vào suýt lật nhào…”. Hình ảnh những đứa trẻ nheo nhóc nhìn thấy đồ chơi như bắt được vàng đã ám ảnh chúng tôi khi một lần đặt chân đến Biển Hồ-khu người Việt sinh sống ở Campuchia.
 
Sống nhờ sự bố thí
 
Đến Biển Hồ phải mất hơn 30 phút chạy thuyền máy mới ra đến khu người Việt ở. Minh, hướng dẫn đoàn bảo còn may là đoàn đi hôm nước lớn không có bèo lục bình nếu không phải chờ đến ngày hôm sau mới có thể đi.
 
Đoàn chúng tôi vừa dừng thì đã có tới vài chục chiếc ghe vây quanh, người già trẻ con nhốn nháo chìa tay xin tiền du khách. Và biết có đoàn từ thiện ghé thăm phát quà nhiều bà mẹ trẻ bụng bầu bế con trên tay cũng cố chèo lên thuyền vì sợ không đến lượt: “Ở đây trẻ con không có đồ chơi, không có chỗ để chơi nên dù chỉ còn ít ngày nữa sinh cháu thứ 3 em cũng cố tới để xin cái lục lạc cho con”, người mẹ trẻ 18 tuổi cho hay.
 

Mỗi lần có đoàn khách đến thăm, bà con nơi đây kéo đến xin xỏ (ảnh Đ.L)

 
Dắt theo đứa con nhỏ hơn 5 tuổi, đôi mắt không còn thấy ánh sáng, ông Tạo bảo: “Mỗi lần có nhà hảo tâm đến là cả xóm mừng lắm vì được nhận quà. Vợ tôi bị tai biến nằm một chỗ nên đứa con nhỏ phải tự chăm sóc bản thân. Cuộc sống của 3 người nhờ vào sự giúp đỡ của những nhà từ thiện, khách du lịch và bà con nơi đây đùm bọc nhau”.
 
Cùng chuyến đi, thầy Sư Tạng Minh, một người thường xuyên làm từ thiện trên Biển Hồ chia sẻ: “Cuộc sống của người dân nơi đây cơ cực lắm, họ sống lay lắt ở đây và trông chờ miếng ăn hàng ngày. 10 năm nay mỗi tháng tôi có tổ chức tour từ thiện ra nước ngoài, mỗi lần đi tôi đều ghé qua Biển Hồ để đem gạo, quần áo… sang đây cho bà con mình. Nhưng giúp họ thế này không bằng cho họ cái cần câu để họ tự sinh sống. Tôi đang đi xin các nhà tài trợ giúp họ có miếng đất để được lên bờ mưu sinh”.
 
Cả đời trên sông nước
 
Những người sinh sống trên Biển Hồ phần lớn quê miền Tây ở các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang… Đời cha ông chạy dọc theo sông Cửu Long ngược lên Biển Hồ đánh cá mưu sinh rồi sinh con đẻ cái sống dật dờ đến nay. Cũng có người tham gia đội quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia năm 1981 rồi ở luôn đến giờ.
 

Không có chỗ để chơi, hàng ngày những đứa trẻ ở Biển Hồ
 thường nô đùa trên sông (ảnh Đ.L)  

Đã 80 tuổi nhưng bà Tuyên chỉ biết mình sinh ra và lớn lên tại Campuchia, đời cha ông gốc Việt quê ở đâu không còn nhớ nữa. Chiếc thuyền ọp ẹp rộng chừng 20m2 là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong gia đình bà. Nhiều hôm mưa gió, sóng lớn cả gia đình phải nhảy xuống sông để giữ cho thuyền không bị nước cuốn trôi. 12 người phải sinh hoạt chật chội, bất tiện nước ăn uống hàng ngày hòa cùng với chất thải của hàng nghìn hộ dân xả trực tiếp xuống biển. “Đấy cũng là nguyên nhân mà trong 10 đứa con của tôi chỉ 2 đứa còn sống”, bà Tuyên ngẹn ngào nói.
 
Ông Đỗ Văn Thuận, 69 tuổi, quê ở Đồng Tháp qua Campuchia năm 1981 khi tham gia vào đội tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia những năm chống lại đội quân Khmer Đỏ lúc bấy giờ. “Sau khi bị thương tại chiến trường tôi đã ở lại Campuchia sinh sống. Cả gia đình sống bằng nghề bắt cá nhưng chỉ dám bắt cá trộm vì bên Campuchia đang cấm, nếu cảnh sát bắt được họ sẽ phạt tiền và nhốt tù. Nhiều lần muốn lên bờ đổi nghề nhưng không có giấy tờ tùy thân không ở đâu họ nhận. Xin cho con đi học cũng khó, mãi đến năm 19 tuổi con gái tôi mới vào học lớp 1”.
 
Đến chết cũng không có đất chôn
 
Càng đi sâu vào bên trong những căn nhà ọp ẹp chỉ như chiếc phao nổi giữa không gian mênh mông của Biển Hồ. Theo hướng dẫn viên, ở đầu Biển Hồ có cả người Campuchia và người Việt sống và cuộc sống của họ có khá hơn một chút vì họ bán hàng phục vụ cho bà con người Việt. Nhưng vào sâu trong làng Bà Tô có khoảng 1.000 hộ người Việt sống lay lắt ở đây.
 
Nhiều gia đình ở đây, đời cha đời con không biết chữ, không giấy tờ tùy thân. Đến tiền mua đất để chôn lúc chết còn chả có thì đâu dám nghĩ tới đóng tiền để làm thủ tục cấp giấy tờ: “Nếu muốn được cấp giấy chứng nhận để xin việc hoặc cho con đi học thì mỗi người phải đóng phí 70USD/người. Gia đình tôi cả 10 người thì bao giờ mới có đủ tiền để đóng”, ông Võ Văn Thôn buồn rầu nói.
 

Cuộc sống khốn khổ của “Việt Kiều” ở Biển Hồ, Campuchia (ảnh Đ.L)  

Theo ông Thôn, vài năm trước, làng Bà Tô thường treo xác người chết trên cây, trời nắng trời mưa xác phân hủy nhỏ nước xuống đất làm ô nhiễm môi trường, người Cam thấy vậy họ cấm thì bà con ở đây chôn người đã mất ở ven bờ Biển Hồ nhưng chờ hôm nước rút. Phải nơi bị sói mòn nhiều gia đình không thấy xác người thân nữa.
 
Trầm ngâm nhìn ra Biển Hồ xa xăm, ông Thôn bảo: “Nếu muốn có mồ mả đẹp ở trên bờ thì phải đóng 200 USD/xuất đất. Số tiền này chúng tôi làm cả đời cũng chẳng dành dụm được. Sống lênh đênh trên sông nước thì chết cũng chảy trôi theo nước mà thôi”.
 
Theo Đỗ Loan (Baogiaothong.vn)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.