Vạch sơn làm khó người đi đường

Nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người dân không tự giác chấp hành luật GTĐB ngoài việc hạ tầng không đảm bảo còn do tình trạng đường không có vạch sơn và những bất hợp lý trong việc kẻ vạch sơn phân luồng, tuyến trên đường.

Trong các báo cáo về tình hình trật tự an toàn giao thông của các cơ quan, ban, ngành tại TP HCM, nguyên nhân do "Ý thức chấp hành pháp luật GTĐB của một bộ phận người đi đường còn kém" luôn được nhắc đến trước tiên.

Từ đó, giải pháp tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí là xử phạt để người đi đường chấp hành cũng luôn được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của chúng tôi về tình hình giao thông tại nhiều tuyến đường nội thành thành phố thì nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người dân không tự giác chấp hành ngoài việc hạ tầng không đảm bảo còn do tình trạng đường không có vạch sơn và những bất hợp lý trong việc kẻ vạch sơn phân luồng, tuyến trên đường.

Đường không kẻ vạch sơn: nguy cơ tai nạn gia tăng

Theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, đơn vị quản lý hệ thống đường đô thị của thành phố tại 14 quận, huyện khẳng định: Trách nhiệm tái lập mặt đường, kẻ vạch sơn thuộc về chủ dự án hoặc các nhà thầu thi công… nhưng sau khi "lô cốt" dời đi, việc tái lập mặt đường đã chậm, việc thực hiện kẻ lại vạch sơn ngang dọc đã bị quá trình thi công xóa mờ, cuốn mất tại hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố càng chậm trễ hơn.

Quan sát dọc theo tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một trong những tuyến đường trọng điểm của thành phố, tại đoạn từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến giao lộ với đường Võ Thị Sáu, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi mặt đường đã được mở khá rộng, trải bê tông nhựa áp phan xong từ lâu… nhưng ngay cả vạch sơn chia đôi lòng đường thành đường 2 chiều cũng không có chứ chưa nói gì đến vạch sơn ngang tại các giao lộ trên tuyến.

Mặc dù đoạn đường này đã được cắm biển báo chạy chậm để hạn chế tốc độ, song do không có vạch sơn; không có dải phân cách cứng nên người điều khiển ôtô, xe máy 2 chiều xuôi ngược cứ thoải mái kéo ga lấn qua, lấn lại bất chấp nguy cơ phương tiện "đụng đầu" nhau.

Thậm chí, tuyến đường rộng, đẹp nhất thành phố là đại lộ Nguyễn Văn Linh (đoạn giáp khu công nghiệp Tân Thuận) đã được đưa vào khai thác từ lâu, song cũng chẳng hề có vạch sơn khiến xe container, xe hơi, xe máy cứ thoải mái trộn dòng, càng khiến nguy cơ gây TNGT gia tăng.

Cũng trên tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa này, ở đoạn từ nút giao với đường Điện Biên Phủ đến giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai, sau khi tháo dỡ "lô cốt", tái lập mặt đường, cả tháng nay chủ đầu tư bỏ mặc việc sơn phân làn. Đường một chiều nhưng không được kẻ lại vạch sơn phân làn riêng cho ôtô và xe máy, vào các giờ cao điểm hàng ngày, xe 2 bánh cứ thoải mái lấn trái, chặn đầu xe ôtô.

Tạo điều kiện cho người đi đường vi phạm?

Tại tuyến đường Võ Thị Sáu, ở đoạn có kẻ vạch sơn từ giao lộ Lê Quý Đôn đến vòng xoay Công Trường Dân Chủ, do thành phố đã cấm xe tải nên giờ cao điểm trên đường này chủ yếu chỉ còn xe gắn máy và các loại xe hơi, xe tải nhỏ lưu thông. Mật độ xe gắn máy trên tuyến này luôn dày đặc nhưng mặt đường rộng 12m hiện tại được kẻ vạch sơn chia làm 3 làn bằng nhau. Hai làn xe ôtô vạch sơn đứt đoạn, cho phép các loại xe ôtô trộn dòng những lúc đường đông.

Trong khi làn đường dành cho xe gắn máy đã không đủ so với lưu lượng phương tiện lưu thông lại được kẻ vạch sơn liền, cấm xe gắn máy lấn qua làn đường dành cho xe 4 bánh. Do 2 làn đường dành cho xe ôtô còn trống, những lúc đường đông hoặc khi xe buýt tấp vào đón trả khách trên phần đường dành cho xe gắn máy, người đi xe máy cứ mặc sức tràn qua vạch sơn kẻ thẳng để đi vào làn đường dành cho xe ôtô.

Cũng do không có vạch sơn giới hạn dừng xe tại các giao lộ; sơn mũi tên chỉ hướng rẽ ở các tuyến vạch sơn đã bị quá trình đào đường xóa mất, tình trạng người đi đường dừng xe hết sức lộn xộn, thiếu trật tự mỗi khi dừng đèn đỏ cũng đang diễn ra thường xuyên.

Nhiều lần chúng tôi đã chứng kiến cảnh phương tiện dừng xe chờ đèn tín hiệu hoặc quẹo vào đường khác gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng tại các giao lộ, khiến người đi đường bức xúc…

Hiện tượng này xảy ra ở ngay trước mặt lực lượng CSGT nhưng chỉ bị nhắc nhở chứ CSGT không biết căn cứ vào đâu để xử phạt khi đường không có vạch sơn.

"Người dân không chấp nhận hệ thống giao thông đã chắp vá lại còn chẳng có vạch sơn khiến nguy hiểm cứ luôn rình rập trên đường từ việc làm thiếu trách nhiệm của ngành GTVT"- ông Ba, một cán bộ hưu trí ở quận Phú Nhuận khẳng định.

Theo Đức Thắng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.