Nổ rộ chiêu trò giả shipper gọi điện thanh toán tiền hàng

Thời gian gần đây, hiện tượng các đối tượng giả shipper gọi điện yêu cầu chuyển tiền để nhận hàng xảy ra khá nhiều. Điều đáng nói, sau khi chuyển tiền thì các đối tượng ngắt liên lạc và hàng cũng không có.

Mất tiền vì chủ quan

Chị T.T.D. (làm ở một cơ quan trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An) cho biết, thường xuyên đặt mua hàng trên mạng. Ngày 10/9, chị D. nhận được số điện thoại tự xưng là shipper hỏi "chị có ở nhà không để đến giao hàng". Như thường lệ, chị D. đề nghị shipper gửi đơn hàng ở bảo vệ và nhắn số tài khoản ngân hàng kèm giá trị đơn hàng để thanh toán bằng cách chuyển khoản.

Nổ rộ chiêu trò giả shipper gọi điện thanh toán tiền hàng-1

Một cửa hàng quần áo bị giả mạo để lừa đảo khách hàng.

Sau khi nhận được hóa đơn mua hàng 250.000 ngàn đồng, chị D. nghĩ là con gái đặt mua hàng nên chuyển khoản số tiền này. "Khi hết giờ làm, tôi xuống chỗ bảo vệ kiểm tra không có gói hàng. Gọi điện vào số shipper không liên lạc được. Người bảo vệ cũng nói không có ai đưa hàng hóa gì cả", chị D. kể.

Con gái chị D. cho biết không đặt hàng gì cả. Lúc này chị D. mới biết mình bị lừa. Theo chị D. ở cơ quan một số chị em đã bị tình trạng này. Nhưng vì chủ quan không kiểm tra kỹ nên đành ngậm ngùi.

Cũng như chị D., chị N.T.L. sống tại một chung cư ở Nghệ An trở thành nạn nhân của chiêu thức lừa đảo này khi bị mất số tiền 750.000 đồng cho đơn hàng giả mạo.

Khi nhận được cuộc gọi ship hàng, chị N.T.L. yêu cầu chụp ảnh đơn hàng để biết bản thân đã đặt món hàng gì. Nhưng đối tượng viện cớ đã di chuyển, không còn ở sảnh chung cư. Khi xuống gặp lễ tân, chị L. mới biết không hề có đơn hàng được giao và tiền thì đã chuyển khoản cho "shipper giả".

Tinh vi hơn còn có các đối tượng lập zalo giả mạo các cá nhân hay cửa hàng quen thuộc của khách hàng đó, rồi kết bạn zalo để báo đơn, yêu cầu khách hàng chuyển khoản.

Cảnh giác với đường link lạ

Không chỉ chiêu lừa tiền khách hàng, các shipper giả còn gửi các đường link với muôn vàn lý do để nạn nhân mắc bẫy.

Theo đó, anh N.V.B. (trú TP Vinh) nhận được cuộc gọi giới thiệu là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn hàng trị giá 150.000 đồng. Do thời điểm này anh T. không có ở nhà nên hẹn thời điểm giao hàng khác. Thế nhưng shipper liên tục thúc giục nhận hàng với lý do nếu không giao hôm nay sẽ không kịp chỉ tiêu.

Nổ rộ chiêu trò giả shipper gọi điện thanh toán tiền hàng-2

Đối tượng giả mạo “Công ty vận chuyển” để dụ dỗ khách hàng nhấp vào đường link có “mã độc”.

Do trước đó có đặt đơn hàng giá trị tương đương qua mạng nên anh T. không nghi ngờ, liền chuyển khoản thanh toán theo yêu cầu. Sau khi chuyển tiền thành công, anh tiếp tục nhận được tin nhắn từ shipper cho biết đã gửi nhầm số tài khoản, yêu cầu anh kết bạn và nói rằng số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên "giao hàng tiết kiệm".

Nếu chuyển vào tài khoản đó, trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động trừ 3.500.000 đồng từ tài khoản ngân hàng của anh T. Trường hợp anh không có tiền sẽ bị đưa vào nợ xấu. Đồng thời, người tự nhận là shipper này cũng gửi kèm một đường link, giới thiệu là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để anh T. liên hệ hủy đăng ký hội viên.

Sau đó, đối tượng giả danh shipper liên tục gọi điện thúc giục anh T. nhấp vào đường link trên để nhắn tin hủy đăng ký và dọa tài khoản anh T. sẽ bị trừ tiền. Lúc này, do đang ở ngoài và cũng lo sợ bị trừ tiền nên anh T. truy cập vào đường link và nhắn tin theo hướng dẫn. Ngay lập tức, bộ phận có tên "giao hàng tiết kiệm" gọi điện chỉ dẫn anh T. hủy hội viên bằng cách chuyển đổi tài khoản ngân hàng cá nhân thành tài khoản doanh nghiệp.

Cách thực hiện là đăng nhập app ngân hàng từ đường link do đối tượng cung cấp, nhập mã xác thực (gồm dãy số 6 ký tự) vào phần số tiền chuyển, giữ nút chuyển tiền trong 3 giây, sau đó ấn chuyển tiền.

Trên thực tế, hành động này đồng nghĩa với việc chuyển tiền bình thường. Anh T. bán tín bán nghi nhưng vẫn cố ấn nút giữ chuyển tiền. Kết quả không chuyển thành tài khoản doanh nghiệp mà tiền vẫn mất.

Qua kiểm tra trang Facebook tên "giao hàng tiết kiệm" được thiết kế như trang chính chủ của hãng vận chuyển này, nhưng chỉ có khoảng 3.000 lượt theo dõi nên T. nhận thấy có điều bất thường. Ngay lập tức anh dừng lại mọi thao tác, liên hệ tổng đài công ty vận chuyển để xác minh số điện thoại và phát hiện mình bị lừa.

Theo cơ quan công an, đây là hình thức lừa đảo mới, các đối tượng thông qua việc tham gia các buổi bán hàng trực tuyến (livestreams) trên các nền tảng mạng xã hội để thu thập thông tin khách hàng và các sản phẩm được đặt mua từ các bình luận công khai của khách hàng. Thậm chí bọn chúng mua thông tin khách hàng qua các kênh khác. Khi đã có được thông tin, các đối tượng sẽ giả danh là người giao hàng thuộc các công ty vận chuyển có tiếng để gọi tới khách hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà.

Các đối tượng nói đã gửi hàng cho người quen, hàng xóm và yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, chúng sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như nhắn nhầm tài khoản thanh toán để hù dọa trừ tiền, sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link có chứa "mã độc" để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng; đồng thời chiếm đoạt luôn số tiền nạn nhân đã thanh toán trước đó rồi cắt đứt liên lạc.Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Nghệ An) khuyến cáo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh "mắc bẫy" kẻ gian. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.

 Theo GĐXH

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.suckhoedoisong.vn/no-ro-chieu-tro-gia-shipper-goi-dien-thanh-toan-tien-hang-172241001130944348.htm

lừa đảo

shipper


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.