Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ

Những ngày lũ dữ nước dâng, người dân vùng rốn lũ Quảng Bình đoàn kết, tương trợ nhau vượt qua khó khăn. Giữa thiên tai, tình làng nghĩa xóm trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Những ngôi nhà cao tầng sẵn sàng mở cửa đón hàng xóm, làng giềng vùng thấp trũng đến lánh nạn, san sẻ bát cơm, gói mì tôm giúp nhau khi đói. Nay lũ đã rút, người dân giúp nhau khắc phục thiệt hại.

Trời mưa tầm tã từ ngày 27/10, đến tối, nước bắt đầu dâng lên, lũ dữ tràn vào khắp làng mạc ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nước lũ nhanh chóng tràn vào ngôi nhà cấp 4 của bà Phan Thị Thảo nằm ven sông Kiến Giang ở thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy. Năm nay nước lũ lên nhanh, bà Thảo tất tả lo kê đồ lên cao, vừa canh chừng mực nước dâng.

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-1

Mưa lũ gây ngập lụt nghiêm trọng tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Nửa đêm, căn nhà của bà Thảo ngập sâu trong nước, bà cố gắng xoay xở, chuyền dần từng vật dụng lên gác, được cái gì hay cái đó. Nhưng nước lên nhanh, bà cũng bất lực để lại một số đồ dùng ngâm nước bởi không thể di chuyển lên được. Để đảm bảo an toàn trong lũ lụt, mấy ngày lũ dữ nước dâng, bà Thảo đã đến ở nhờ tại căn nhà 2 tầng của hàng xóm, chờ nước rút mới trở về dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả. Bà Phan Thị Thảo tâm sự, những ngày lũ lớn, bà con hàng xóm đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua thiên tai. “Tôi ở phía ngoài ruộng ven sông, nhà ngập 1,5m, gặp đoạn nước lũ lên nhà không có ai hết toàn người yếu thế, may mắn nhờ con cái ở gia đình hàng xóm chạy ra chở vào tránh lũ, vào tránh lũ 3 ngày rồi, chỉ kịp mang vài bộ áo quần. Ăn uống thì vô ở nhờ nhà hàng xóm rồi họ cưu mang, cùng nấu cơm ăn chung với nhau, may mà có hàng xóm giúp đỡ, tương trợ”.

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-2

Những người già tại thôn Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy đến tránh lũ tại một căn nhà cao tầng trên địa bàn

Những ngày lũ lớn, gia đình ông Đinh Hòa, ở thôn Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy đã mở cửa đón người dân bị ngập lụt đến tránh trú, chuẩn bị chỗ nghỉ, đồ ăn, nước uống đầy đủ. Rút kinh nghiệm sau những trận lũ trước, đợt này, nhiều hộ dân đã chủ động hơn trong việc ứng phó. Bà con dự trữ lương thực, thực phẩm cần thiết phòng lũ kéo dài, thậm chí với tinh thần "tương thân, tương ái", bà con sẵn sàng san sẻ cho nhau những gói mì tôm, bát cơm ngày lũ. Lũ rút chậm, cả vùng trũng Lệ Thủy mênh mông trong nước, ông Đinh Hòa dùng thuyền của gia đình để vượt lũ, chạy đến khu vực ngã ba Cam Liên- Quốc lộ 1A để nhận hàng cứu trợ, tiếp tế, đi mua dầu thắp đèn, nước uống để đưa về phân phát cho bà con hàng xóm. “Bà con nhà nào có thuyền thì lên chở nhu yếu phẩm về tiếp tế cho người dân vùng lũ ở bên kia sông, giúp đỡ bà con. Trong cơn khó khăn nhất mọi người đều hỗ trợ cho nhau về nước uống, mì tôm, sữa, nhà nào có thuyền đều đưa ra để đi chở hàng về phân phát cho bà con”.

 

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-3

Nhiều nhà cao tầng sẵn sàng mở cửa đón bà con làng xóm vào tránh trú mưa lũ

Những ngày lũ dữ, nước dâng, bà con vùng trũng Lệ Thủy sát cánh bên nhau, cùng góp gạo thổi cơm chung. Để nấu được bữa cơm nóng những ngày lũ không phải dễ dàng khi bốn bề đều ngập, củi lửa đều ướt cả. Có gia đình chỉ kịp sơ tán người mà không thể mang theo tài sản hay lương thực thực phẩm gì. Những nhà cao tầng đón hàng xóm đến tránh lũ đã sẵn sàng bếp ga, lương thực, mọi người chung tay góp gạo nấu cơm rồi san sẻ cho nhau “một miếng khi đói”. Ngày lũ, bà con đến ở cùng nhau, tương trợ lẫn nhau, trò chuyện râm ran, tình làng nghĩa xóm thêm phần gắn kết.

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-4

1 người dân ăn tạm gói mì tôm sống trong lúc nước lũ dâng cao

Ông Nguyễn Văn Vui, ở thôn Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy nói rằng, nhà tôi cao hơn nên mỗi khi có lũ, vợ chồng tôi lại gọi người dân trong xóm đến ở, chỉ mong sao mọi người được bình an. “Lúc lũ to, sóng lớn, bà con chủ yếu giúp nhau. Chính quyền địa phương cũng phổ biến công tác phòng chống lũ lụt, chúng tôi cũng tìm những nhà khó khăn vất vả để hỗ trợ di dời, tương trợ lẫn nhau”.

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-5

Chiếc ghe đi biển của ngư dân Ngư Thủy ngược dòng nước lũ đến vùng trũng cứu người

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-6

Bộ đội về cơ sở giúp di dời người dân đến nơi an toàn

Năm 2020, lũ ngập nóc nhà, nhiều người phải dỡ ngói chui ra, sống chết trong tích tắc nên bây giờ bà con rất cảnh giác. Mưa lớn, nước lên là phải đi nhờ nhà cao tầng để tránh trú. Lúc nước dâng vào nửa đêm, cái gì cũng thiếu, mất điện, trời đất thì tối om, di chuyển rất nguy hiểm. Rất may được các lực lượng hỗ trợ nên những gia đình có người già, trẻ nhỏ mới đến được nơi lánh nạn.

 

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-7

Những ngôi nhà 2 tầng là nơi giúp bà con tránh lũ an toàn

Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, nhiều hộ gia đình nhà cấp 4, vùng trũng thấp đã chủ động sơ tán đến nhà người thân ở vùng cao hơn hoặc ở nhờ nhà cao tầng, trụ sở ủy ban, trường học, nhà tránh lũ cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn. Nhờ sự chủ động của người dân nên chính quyền địa phương cũng đỡ vất vả. Bà con cũng dự trữ lương thực, thực phẩm cần thiết phòng lũ kéo dài. Theo ông Nguyễn Văn Phong, đối với một số khu vực thiếu nước sạch, thực phẩm, chính quyền di chuyển bằng thuyền, ca nô để tiếp tế nhanh nhất đến người dân. “Việc phòng chống thiên tai của địa phương chặt chẽ, tăng cường các lực lượng hỗ trợ bà con, di dời các hộ dân ở nơi thấp đến nơi an toàn. Một số nhà thiếu lương thực nước uống nên xã đã huy động lực lượng nhanh nhất có thể để đến nhận hàng cứu trợ đưa về hỗ trợ cho bà con trong mưa lụt”.

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-8

Đưa nhu yếu phẩm đến hỗ trợ bà con tại điểm sơ tán tập trung

Mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình đã làm ngập lụt gần 34.500 nhà dân. 2 địa phương thiệt hại nặng nề là huyện Lệ Thủy với 19.700 nhà bị ngập, huyện Quảng Ninh với gần 12.400 nhà ngập, 9.290 hộ dân phải đi sơ tán. Hiện nay nước lũ đã rút, nhiều hộ dân đi tránh trú đã trở về dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả. Với kinh nghiệm của người dân vùng lũ, nước rút đến đâu, bà con sẽ cọ rửa đến đó, tránh tình trạng bùn đất đọng lại.

 

Tình người trong những ngày góp gạo thổi cơm chung, giúp nhau vượt qua lũ dữ-9

Nhiều đoàn thiện nguyện có mặt từ rất sớm để kịp hỗ trợ người dân vùng lũ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 4/11, tỉnh Quảng Bình có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng. Do vậy người dân vùng trũng tỉnh này vừa tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, vừa chủ động các biện pháp ứng phó với đợt mưa lớn sắp tới, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ chồng lũ. Để ứng phó mưa lớn, lũ trong 10 ngày tới, UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động điều tiết hồ chứa thủy lợi. Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đang thống kê thiệt hại đợt mưa lũ vừa qua, lên phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại: “Hiện nay tỉnh đang triển khai quỹ dự trữ phòng chống thiên tai của tỉnh để hỗ trợ các địa phương vùng chia cắt ngập lụt sâu, hỗ trợ khẩn cấp cho bà con. Tỉnh cũng khẩn trương thống kê các đối tượng thiệt hại để có chủ trương trích ngân sách hỗ trợ cho các hộ dân trong diện ngập lụt”.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/xa-hoi/tinh-nguoi-trong-nhung-ngay-gop-gao-thoi-com-chung-giup-nhau-vuot-qua-lu-du-post1132778.vov

mưa lũ

Quảng Bình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.