Bạo lực "không dấu vết"

Hôn nhân không chỉ là hành trình yêu thương mà còn là sự kết hợp của trách nhiệm, tôn trọng và chia sẻ, song không phải lúc nào quan hệ vợ chồng cũng hòa thuận

Bạo lực tinh thần trong hôn nhân, một hình thức bạo lực ít được chú ý hơn so với bạo lực thể chất, có thể âm thầm phá hủy mối quan hệ và gây ra những tổn thương sâu sắc không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đó là những hành vi như kiểm soát, lăng mạ, phớt lờ, cô lập hoặc làm suy giảm lòng tự trọng của đối phương. Dù không để lại vết thương trên cơ thể nhưng những vết sẹo tâm hồn mà nó gây ra có thể tồn tại suốt đời.

Tổn thương sâu sắc

Chị H. (38 tuổi; ngụ quận 6, TP HCM) là giáo viên mầm non, còn chồng là kỹ sư xây dựng, thu nhập cao hơn vợ nhiều lần. Cũng chính vì vậy, mà chị luôn cảm thấy trong mắt anh, chị không có chút giá trị nào, là người không giúp anh "sang nhờ vợ". 

Những ý kiến của chị luôn bị anh bỏ ngoài tai. Anh thường xuyên so sánh chị với những phụ nữ khác, nói chị "không đủ xinh đẹp, không đủ thông minh". Những lời nói này như lưỡi dao vô hình, dần dần làm chị mất đi sự tự tin và niềm vui trong cuộc sống. Mỗi cuộc trò chuyện giữa hai người thường kết thúc bằng sự im lặng hoặc những lời chỉ trích. 

"Tôi từng nghĩ mình chỉ cần nhẫn nhịn nhưng điều này không khiến mọi thứ tốt hơn, trái lại chỉ khiến tôi cảm thấy mình không còn giá trị" - chị H. kể.

Đồng cảnh ngộ, chị M. (45 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ gia đình chị là hình mẫu lý tưởng trong mắt bạn bè. Nhưng phía sau sự hoàn hảo đó là áp lực khổng lồ. Anh D. - chồng chị - luôn yêu cầu vợ phải giữ nhà cửa sạch sẽ, con phải đạt thành tích học tập cao, bữa cơm luôn phải "đúng chuẩn, đúng giờ"... 

Chị phải sống trong sự lo lắng, bất an khi không đáp ứng được kỳ vọng của chồng bởi chắc chắn một điều, anh không ngại chỉ trích, chê bai chị trước mặt các con. Dường như anh không hiểu rằng không ai có thể hoàn hảo và gia đình không phải là nơi để áp đặt tiêu chuẩn mà là nơi để chia sẻ và yêu thương.

Bạo lực không dấu vết-1

Minh họa AI: VY THƯ

Trong khi đó, anh K. (40 tuổi, nhân viên ngân hàng tại TP Hà Nội) bị vợ kiểm soát mọi hoạt động - từ việc chi tiêu tài chính đến các mối quan hệ xã hội. Chị luôn yêu cầu anh phải thông báo chi tiết về lịch trình hằng ngày, nghi ngờ khi anh về muộn, tự tiện kiểm tra tin nhắn điện thoại của anh... 

Điều này khiến anh cảm thấy bị áp lực và mất tự do, không còn cảm giác được tôn trọng trong quan hệ vợ chồng. 

"Nhiều lần tôi góp ý với cô ấy hôn nhân là mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng. Nếu nghi ngờ, kiểm soát thái quá thì càng thể hiện cô ấy không tin tưởng bản thân, tạo sự ngột ngạt, căng thẳng. Vậy mà cô ấy không tiếp thu. Đi làm cả ngày đã mệt, về nhà gặp vợ như thế chỉ muốn đi uống cho say với bạn bè rồi mới về…" - anh K. giãi bày.

Tôn trọng sở thích của nhau

Vợ chồng anh T. (ngụ quận 7, TP HCM) từng có thời gian dài thường xuyên cãi vã, thậm chí sử dụng những lời lẽ xúc phạm nhau trước mặt con.

Nhiều năm sống trong môi trường căng thẳng, con trai anh trở nên ít nói, ngại giao tiếp, cũng không ít lần có thái độ cộc cằn, nói năng thô lỗ.

"Chúng tôi đã không nhận ra chính cách cư xử của mình đã làm tổn thương con. Cho đến khi cô giáo chủ nhiệm mời lên làm việc vì con không làm việc nhóm tốt, thường gây gổ với bạn. Rõ ràng, hành vi của vợ chồng tôi đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển, tâm lý của con; đồng thời phản ánh sự bất ổn trong mối quan hệ gia đình" - anh T. thú nhận.

Hơn 50 năm kết hôn, cùng chia ngọt sẻ bùi và cũng từng có thời gian căng thẳng, áp lực vì bị vợ kiểm soát chặt, ông Trần Hoài Anh (78 tuổi) phân tích bạo lực tinh thần là một hình thức bạo lực nghiêm trọng, không kém gì bạo lực thể chất. 

"Nên nhớ sự im lặng, chỉ trích hoặc kiểm soát không bao giờ là giải pháp. Chỉ khi mỗi người biết trân trọng, lắng nghe và cùng nhau xây dựng mối quan hệ, hôn nhân mới thật bền chặt, gia đình mới hạnh phúc" - ông Hoài Anh đúc kết.

Cũng theo ông Hoài Anh, nhiều người muốn khẳng định quyền lực bằng cách kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân - từ tài chính, giao tiếp xã hội đến cảm xúc. Cũng có người không biết cách bày tỏ cảm xúc hoặc giải quyết mâu thuẫn, một số cặp vợ chồng chọn cách im lặng hoặc dùng lời nói tiêu cực để đối phó. Cũng có người bị áp lực lớn từ công việc, địa vị xã hội dẫn đến bất mãn, bạo lực tinh thần với người bạn đời.

"Nhiều người cho rằng im lặng là cách tránh xung đột nhưng thực tế, im lặng kéo dài có thể là một hình thức bạo lực tinh thần nguy hiểm. Nó tạo ra sự xa cách, khiến mối quan hệ trở nên lạnh nhạt và dễ dẫn đến tan vỡ. 

Hãy học cách lắng nghe tích cực và bày tỏ cảm xúc một cách trung thực, không phán xét. Giao tiếp trung thực và cởi mở là chìa khóa để giải quyết mọi mâu thuẫn, hiểu lầm. 

Đặc biệt, hôn nhân không có nghĩa là mất đi sự tự do cá nhân. Đừng kiểm soát, nghi ngờ vô cớ hoặc làm tổn thương lòng tự trọng của bạn đời. Biết tôn trọng sở thích và thời gian riêng của đối phương sẽ giúp mối quan hệ thêm bền vững" - ông Anh chia sẻ thêm.

Theo Người lao động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/bao-luc-khong-dau-vet-196241228202113493.htm?fbclid=IwY2xjawHizwlleHRuA2FlbQIxMAABHRtIyG8nhYhDJdD93-kLb9JzPBC0c8Hevho_b9j_pycI3Znu3s_gNUfxcQ_aem_yTBxDrAy40HeiKcCBCj2_Q

bạo lực gia đình

Hôn Nhân


Phát hiện sớm bệnh viêm tủy răng ở trẻ nhỏ
Viêm tủy răng là một trong những bệnh lý nha khoa thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trong độ tuổi từ 3 đến 12 tuổi. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như áp xe răng, mất răng sớm hoặc thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.