Ôsin đủng đỉnh chơi xuân, gia chủ dở khóc dở cười

Sau mùng 6 Tết, nhiều cơ quan, đoàn thể bắt đầu quay lại guồng làm việc. Vậy nhưng với lao động tự do, lao động giúp việc nhà thì cảnh mãi xuân vẫn còn kéo dài tới hết rằm tháng giêng.

Sau mùng 6 Tết, nhiều cơ quan, đoàn thể bắt đầu quay lại guồng làm việc. Vậy nhưng với lao động tự do, lao động giúp việc nhà thì cảnh mãi xuân vẫn còn kéo dài tới hết rằm tháng giêng.
 
Gia chủ khốn đốn

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên (Hà Nội) thuê người trông con, mức lương là 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài khoản tiền lương, tiền mua quần áo, tới khi tết đến, anh chị còn thưởng cho người giúp việc 2 triệu đồng cùng nhiều quà bánh về quê biếu họ hàng. Trước khi osin về quê, chị Liên đã cẩn thận giao hẹn với osin ra làm trước mùng 6 tết, vậy nhưng đến hẹn mà vẫn chưa thấy người đâu.

Chị Liên phàn nàn: “Năm nào cũng vậy, cứ vào sau tết là vợ chồng tôi khốn đốn. Dù đã năm lần bảy lượt gọi điện cho người giúp việc lên đi làm nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đâu. Bà giúp việc nói phải qua 15 tháng Giêng mới ra được vì mẹ già đang ốm quá”.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Cùng chung tình cảnh, nhiều gia đình gặp cảnh "dở khóc, dở cười" vì đã tới hẹn mà người giúp việc vẫn “bặt vô âm tín”.
 
Chị Đinh Phương Anh tâm sự: “Hai vợ chồng tôi phải đi làm từ mùng 6, đến giờ giúp việc vẫn chưa ra, ông bà nội ngoại thì đều ở quê nên đành phải mang con đi gửi mỗi nhà một lúc. Ngày họp mặt đầu năm, vợ chồng còn phải thay phiên nhau đến cơ quan để “điểm danh” rồi lại về ngay với con”.

Cá biệt, có trường hợp vì vắng osin mà gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. “Công việc thì ai cũng bận, osin chưa lên nên hai vợ chồng đành phải chia đôi công việc. Tôi cho con ăn, anh nấu nướng, lau dọn nhà… Nói vậy, nhưng chồng tôi lúc nào cũng lẩm bẩm, rồi tìm cách thoái thác. Cũng chỉ có thế mà bao lần hai vợ chồng cãi nhau rồi đấy” – chị Hà (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) than thở.

Osin ngày càng “chảnh”

Mặc dù đã dùng đủ mọi chiêu trò lôi kéo osin, nhưng nhiều gia đình cũng đành "bó tay" vì osin giờ “chảnh” quá. Nhiều osin hoặc là cố nán lại quê để tận hưởng không khí tết, hoặc lấy đó làm dịp để đòi tăng lương, đưa yêu sách với chủ.

Bà Lê Thị Khuyên (Phủ Lý, Hà Nam) tâm sự: “Dù đã hẹn với gia đình là mùng 6 Tết lên đi làm nhưng khi gọi ra thì cô giúp việc lại xin nghỉ thêm 1 tuần, đồng thời yêu cầu tăng lương lên 4 triệu đồng/tháng thì mới làm tiếp. Cô ấy còn bảo nếu đồng ý thì làm tiếp, không đồng ý thì gia đình tự đi tìm người khác”.

May mắn hơn bà Khuyên, osin của gia đình chị Thanh ở đường Láng đã ra làm dù không được đúng hẹn. “Để nịnh osin, mình cho cô ấy nghỉ tết từ hôm 26 và hẹn mùng 6 Tết ra làm. Ngoài ra, vợ chồng mình còn phải đưa đón, quà cáp rồi thưởng tết rất hậu hĩnh vì sợ cô ấy về ăn tết rồi nghỉ luôn”.

"Mặc dù cô giúp việc mùng 8 mới ra nhưng thôi như vậy cũng còn hơn là không ra nữa. Chỉ khi nhìn thấy mặt lao động thì cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm", chị Thanh cho hay.
 
Cũng được biết, trong 10 ngày tết mà gia đình chị Thanh đã phải chi thêm 8 triệu đồng để thuê người giúp việc thời vụ, lúc về lại phải mừng tuổi thêm 500.000 đồng. “Dù đắt đỏ một tý nhưng có người làm việc nhà còn may, vắng người giúp việc thì không biết phải xoay sở thế nào” – chị Thanh phân trần.

Hỏi chuyện một osin quê Thái Bình, cô này cho hay: “Đi làm vất vả, cả năm mới được nghỉ một lần nên cũng muốn nghỉ dài dài chút. Nếu chủ không đồng ý thì sau Tết mình tìm nhà khác thôi, công việc giờ không thiếu”.
 
Cũng chính bởi tâm lý rất “chảnh” này nên nhiều gia chủ dù có van nài, thậm chí tăng lương, tăng chế độ phúc lợi thì các osin vẫn không mấy thiết tha...

Theo Nguyệt Tạ (Dân Việt)


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.