Những vụ cướp máy bay kì lạ nhất trong lịch sử

Không tặc sẵn sàng buông súng, trả con tin để đổi lấy vài cốc bia, hay nhảy dù khỏi máy bay và tử vong dưới bùn...

Không tặc sẵn sàng buông súng, trả con tin để đổi lấy vài cốc bia, hay nhảy dù khỏi máy bay và tử vong dưới bùn... là những vụ cướp máy bay khó tin trong lịch sử ngành hàng không.

Tên không tặc đầu hàng để được uống bia

Ngày 21/6/1985, một người đàn ông dùng súng lục uy hiếp chiếc máy bay Boeing 737, chở 116 hành khách và 5 phi hành đoàn, của hãng Braathens Safe bay từ Trondheim-Vaernes Airport đến Oslo, Na Uy. Tên không tặc uy hiếp máy bay và yêu cầu được nói chuyện với Thủ tướng Chính Phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Na Uy.

Khi máy bay hạ cánh, 116 hành khách được thả còn 5 thành viên phi hành đoàn vẫn bị giữ lại làm con tin. Nhưng cuối cùng, sau một giờ đồng hồ, tên không tặc đã thả toàn bộ phi hành đoàn, buông súng để đổi lấy vài cốc bia uống cho đã đời. Vụ cướp máy bay đầu tiên trong lịch sử Na Uy đã không có thương vong.

Tên không tặc cuối cùng đã không cướp máy bay mà thả toàn bộ con tin để đổi lấy vài cốc bia.

Vụ không tặc duy nhất trong lịch sử Mỹ không tìm được thủ phạm

Ngày 24/11/1971, một người đàn ông đến sân bay quốc tế Portland, tự xưng là “Dan Cooper” mua vé đi chuyến bay 305 đến Seattle, Washington. Sau khi khi máy bay cất cánh, Cooper nói với tiếp viên rằng trong vali của ông có bom và yêu cầu đòi 200.000 USD (tương đương với 1 triệu USD bây giờ). 4 chiếc dù, 1 xe tải đầy nhiên liệu chờ sẵn ở sân bay Seattle để tiếp nhiên liệu khi máy bay đến nơi.

Khi máy bay đến Seattle, FBI tuân thủ mọi yêu cầu của tên không tặc. Cooper đã thả hết khách và vài người phi hành đoàn. Sau khi cất cánh, Cooper đã nhảy dù ra khỏi máy bay. Mặc dù cảnh sát đã mở cuộc truy lùng trên diện rộng nhưng vẫn không tìm thấy tung tích của Cooper. Đây được coi là vụ cướp máy bay duy nhất trong lịch sử Mỹ đi vào bế tắc.

Dan Cooper, tên không tặc bí ẩn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tên không tặc nhảy khỏi máy bay vẫn tử vong dưới bùn

Ngày 25/5/2000, chuyến bay số 812 của Philippines Airlines bị một tên không tặc dùng súng và lựu đạn uy hiếp. Tên không tặc đã lấy hết đồ vật có giá trị của hành khách và trốn thoát bằng một chiếc dù tự chế bằng rèm trên máy bay. Trước khi nhảy, tên cướp hoảng sợ bám vào cửa sau máy bay nhưng bị tiếp viên đẩy ra. Ba ngày sau, tên không tặc được tìm thấy đã tử vong trong một bãi bùn bên dưới. Rất có thể tên cướp máy bay đã thoát chết sau cú nhảy nhưng số "nhọ" lại tử vong vì bùn.


Vụ cướp hy hữu trong lịch sử hàng không Philippines kết thúc bằng một cái chết lãng xẹt.

Phi công lộn vòng máy bay để chống cướp

Auburn Calloway, một kỹ sư máy bay 42 tuổi của hãng Federal Express, đã quyết định tự sát cùng một chiếc máy bay để cho gia đình được hưởng bảo hiểm nhân thọ. Ngày 7/4/1994, Calloway lên chiếc máy bay đi San Jose, California với một cây guitar có nhiều búa và súng. Calloway đã lên kế hoạch kỹ lưỡng sẽ vô hiệu hóa máy ghi âm buồng lái trước. Khi máy bay bay lên cao, anh sẽ giết phi hành đoàn bằng búa để giống một vụ tai nạn chứ không phải một vụ cướp.

Tuy nhiên, cơ trưởng của chiếc máy bay không phải dạng vừa. Ông đã cho máy bay lộn vòng 140 độ khiến Calloway mất thăng bằng và các thành viên phi hành đoàn đã khống chế kịp thời tên không tặc. Đến ngày 15/8/1995, Calloway bị kết án tù chung thân vì hành vi giết người và vi phạm an toàn hàng không. Các thành viên phi hành đoàn được trao Huy chương anh hùng, phần thưởng cao quý nhất mà phi công dân sự nhận được.

Phi công đã cho lộn vòng chiếc máy bay để khống chế tên cướp.

Theo Vân Anh / Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.