Ngành “công nghiệp” đẻ thuê tại Ấn Độ

Ấn Độ đang trở thành trung tâm đẻ thuê của thế giới do công nghệ y tế tiên tiến, chí phí thấp và vấn đề pháp lý không phức tạp.

Ấn Độ đang trở thành trung tâm đẻ thuê của thế giới do công nghệ y tế tiên tiến, chí phí thấp và vấn đề pháp lý không phức tạp.

Chị Vasanti, một phụ nữ đẻ thuê ở Ấn Độ


Chị Vasanti, một phụ nữ đẻ thuê ở Ấn Độ

Chị Vasanti, 28 tuổi, mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người Nhật với mức thù lao khoảng 8.000 USD. Với số tiền trên, Vasanti có thể xây nhà mới và cho 2 đứa con của mình học ở một ngôi trường tốt, điều mà chị chưa bao giờ dám nghĩ đến. Vasanti chia sẻ với đài BBC: “Để con cái có được những thứ mà tôi từng mơ ước mang lại cho chúng, tôi có thể làm tất cả, thậm chí làm người đẻ thuê. Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc vì điều đó”.

Thu nhập cao

Vasanti được cấy phôi thai của vợ chồng người Nhật vào buồng trứng. Chị đến sống cùng với 100 người mang thai hộ khác tại trung tâm đẻ thuê ở thành phố nhỏ Anand, bang Gujarat trong 9 tháng.

Mỗi phòng tại trung tâm có đến 10 thai phụ và họ được cung cấp những bữa ăn giàu dưỡng chất cùng với những lời khuyên nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, trung tâm cũng đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt rằng người mang thai hộ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ biến chứng nào xảy ra. Họ sẽ nhận được 10.000 USD nếu mang song thai nhưng chỉ nhận được 600 USD khi bị sẩy thai trong 3 tháng đầu. Cha mẹ của đứa bé sẽ chi khoảng 28.000 USD cho một ca sinh thành công.

Các bà mẹ đẻ thuê đều nhận được khoản thù lao xứng đáng cho công việc khó khăn này. Chính họ cũng hiểu được rằng không thể có lợi lộc gì nếu không chịu được đau đớn.

Trong thời gian ở trung tâm đẻ thuê, những phụ nữ này còn được học các kỹ năng nghề nghiệp như thêu dệt để có thể tự kiếm sống sau khi rời khỏi đây. Khoản tiền mà những người đẻ thuê nhận được khá cao so với tiêu chuẩn sống ở địa phương.

Thù lao mà Vasanti được trả vượt xa thu nhập 40 USD mỗi tháng mà chồng chị kiếm được. Một số người đẻ thuê thậm chí còn quay trở lại trung tâm sau khi “vượt cạn” lần đầu. Tuy nhiên, quy định của trung tâm chỉ cho phép mỗi người mang thai 3 lần.

Dư luận trái chiều

Bác sĩ Nayna Patel, người điều hành trung tâm đẻ thuê nói trên, cho biết rất nhiều người lên án những gì họ đang làm. “Tôi đã, đang và vẫn sẽ đối mặt với những lời chỉ trích. Bởi theo ý kiến nhiều người, đây là một vấn đề gây tranh cãi. Họ cáo buộc rằng đó là hoạt động kinh doanh, buôn bán trẻ sơ sinh, trung tâm là một “nhà máy sản xuất em bé” và dùng rất nhiều lời lẽ xúc phạm nặng nề” - bác sĩ Patel nói.

Theo bà Patel, Ấn Độ đang trở thành trung tâm đẻ thuê của thế giới do công nghệ y tế tiên tiến, chi phí thấp và vấn đề pháp lý không phức tạp. Tại nước này, những người đẻ thuê sẽ không có bất cứ quyền hay trách nhiệm nào đối với đứa trẻ. Trong khi đó, tại phương Tây, phụ nữ nào sinh ra đứa bé đều được xem là mẹ và phải ghi tên mình trên giấy khai sinh.

Khoảng 1/3 người nghèo nhất thế giới đang sống ở Ấn Độ. Những người chỉ trích cho rằng chính vì nạn nghèo đói mà một số phụ nữ nước này sẵn sàng làm người đẻ thuê. Vasanti và chồng chị là Ashok đang chuẩn bị xây một ngôi nhà mới. Ashok cho hay: “Nhà mà chúng tôi đang ở là nhà thuê, nếu xây một căn của riêng sẽ tốt hơn nhiều”.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Căn nhà mới của Vasanti sẽ được xây ở nơi khác do chị lo ngại hàng xóm sẽ có lời lẽ không hay nếu biết chuyện đẻ thuê. Ngoài ra, chị không thể che giấu nỗi buồn khi nhớ về đứa bé trai mới sinh. Chị chỉ được nhìn thấy mặt bé trong chốc lát trước khi nhân viên trung tâm mang đứa trẻ đi. Giờ đây, chị đã quay về nhà sống bên cạnh chồng và 2 con nhỏ.

Theo: Nld.com.vn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.