Bưởi hồ lô, dưa tài lộc có nên bày trên bàn thờ?

Trên thị trường và các trang mạng xã hội hiện rao bán rất nhiều loại hoa quả hình dáng lạ, dị thường như bưởi hồ lô, bưởi tay phật, dưa hình vuông, hình người.

Trên thị trường và các trang mạng xã hội hiện rao bán rất nhiều loại hoa quả hình dáng lạ, dị thường như bưởi hồ lô, bưởi tay phật, dưa hình vuông, hình người.

Nhiều người dân đua nhau mua vì chúng được gắn mã tài lộc. Liệu việc bỏ tiền triệu mua quả có hình thù dị thường về thờ cúng trong dịp Tết có thực sự tốt cho gia chủ?

Từ 2,5-3 triệu đồng/cặp dưa, bưởi

Những ngày cận Tết Bính Thân, các loại trái cây có hình dáng lạ, được gò ép dị thường như bưởi bàn tay Phật, bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng… cho mâm lễ ngày Tết được rao bán khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Dù đã xuất hiện từ vài năm trước, nhưng năm nay các loại quả này được người bán “tiếp thị” với những lời mỹ miều: “Mỗi cá nhân khi sở hữu bưởi tài - đồng tiền; lộc - thỏi vàng trong gia đình, trưng bày trên bàn thờ tổ tiên là có cả một niềm tin vững chắc, một cơ hội mang đến hạnh phúc, sung túc cho cả nhà. Mang bưởi tài - đồng tiền; lộc - thỏi vàng tặng người thân, bạn bè sẽ là món quà thể hiện tình thân, sự yêu mến, trân trọng, lời cầu chúc một năm mới an lành, nhiều tiền tài, may mắn”.

Bằng cách gắn mác tài lộc, những loại quả này được bán giá khá cao so với những loại quả thường. Mỗi cặp bưởi hồ lô chữ tài lộc màu vàng, nổi, trên trái bưởi có hình thỏi vàng, đồng tiền... có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/cặp. Bưởi tay Phật, bưởi lễ cát tường, bưởi hồ lô… in nổi chữ Tài Lộc hoặc khắc các chữ “Phúc, Lộc, Thọ, An, Bình” cũng có giá trên dưới 1 triệu đồng.


Những quả bưởi hồ lô được quảng cáo là mang nhiều tiền tài, may mắn cho người sử dụng. Ảnh: T.L
Những quả bưởi hồ lô được quảng cáo là mang nhiều tiền tài, may mắn cho người sử dụng. Ảnh: T.L

Cùng với bưởi, dưa hấu cũng được tạo nhiều hình dáng như dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu vuông, dưa hấu xe hơi, dưa hấu có bản đồ Việt Nam cùng 2 quần đảo của nước ta. Dưa hấu thỏi vàng tượng trưng cho phú quý, giàu sang, thịnh vượng và sung túc, tùy từng loại với giá từ 2 triệu đến 4,5 triệu đồng/cặp. Dưa hấu vuông Tài - Lộc (trọng lượng trên 1,6kg/quả) giá bán lẻ khoảng 3 triệu đồng/cặp, loại trên 2kg/quả khoảng 3,5 triệu/cặp…

“Không phải cúng nhiều đồ tài lộc sẽ mang lại tài lộc”

Nói về xu hướng chuộng những loại quả độc, lạ chưng Tết, PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, với công nghệ trồng, ghép cây tiên tiến, ngày nay không ít những loại quả có hình dáng độc và lạ được bày bán trên thị trường. Điều đó phần nào phản ánh xu thế phát triển chung. Cùng với đó, thị hiếu của người tiêu dùng cũng thay đổi. Thay vì mua những loại quả thường, mọi người đua nhau mua những loại quả lạ như bưởi hồ lô, bưởi thỏi vàng, dưa hấu thỏi vàng, khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ... có gắn mác tài lộc về bày mâm ngũ quả ngày Tết những mong tổ tiên, ông bà chứng cho tấm lòng mà ban nhiều "lộc" cho con cháu.

Thế nhưng, việc cúng các loại hoa quả độc, lạ trong ngày Tết không thực sự cần thiết mà còn gây tốn kém bởi giá của chúng không hề rẻ. Những loại quả này lên đến tiền triệu, thậm chí là hàng chục triệu. Tâm lý này hình thành thói a dua, suy nghĩ tiêu cực khi những người không có khả năng mua để cúng lễ như người khác sẽ có tâm lý thua thiệt.

Không phải cúng những vật được cho là mang tài lộc, may mắn sẽ được thần linh hay ông bà tổ tiên phù hộ, mang lại tài lộc như nhiều người vẫn nghĩ mà việc gắn mác cho những loại quả này những ý nghĩa mỹ miều chỉ là chiêu quảng cáo để “hút” khách hàng của người bán. Đa phần những người mua quả dị thường chưng Tết với giá hàng triệu đồng thường theo xu hướng: Mua theo thói chơi khác người, phung phí tiền của; hai là mua quả theo sự mê tín, những quả đem lại an lành tài lộc cho năm nay phù hợp với gia chủ sẽ được tìm mua với mong muốn đem lại an lành, tài lộc.

PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, điều đáng bàn ở đây là tâm lý sính hình thức đã len lỏi cả vào khía cạnh tâm linh. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thể hiện qua bàn thờ trong nhà hiện nay đang bị lạm dụng và làm sai lệch ý nghĩa vốn có của nó. Nhiều người dâng lên bàn thờ những của ngon vật lạ biến không gian thờ cúng thành nơi trưng bày cho sự giàu có xa hoa. Tấm lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên không phải thể hiện qua những đồ thờ cúng mà nó thể hiện qua một gian thờ được sắp đặt đúng cách và phù hợp với văn hóa người Việt.

Vật phẩm cúng lễ không cần phải đắt tiền, xa hoa. Quan trọng là nghi lễ cúng nên đơn giản, thanh tịnh, đầy đủ và thành tâm. Tùy theo khả năng của mình và nên chọn những gì tươi tốt, thanh sạch nhất để dâng cúng.

Đồng quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc cúng lễ thực hiện theo niềm tin và tín ngưỡng của mỗi nhà. Một bộ phận người dân có tâm lý cúng càng nhiều, càng đắt, càng độc sẽ càng nhận được sự phù trợ của tổ tiên, thần linh. Bởi vậy, ngày Tết ai cũng muốn bày biện dâng lên Phật, chư vị và gia tiên các đồ lễ độc, đẹp, đắt.

Việc thờ cúng quan trọng là tấm lòng chứ không phải là giá trị tiền của món đồ cúng đó. Ông cha ta đã có câu "lễ bạc lòng thành" vì vậy, quan trọng nhất vẫn là mọi người thành tâm trong cúng lễ chứ không nhất thiết phải sắm sửa những thứ quà độc, lạ. Dù có dâng cúng những loại quả vài triệu đồng nhưng tấm lòng không chân thành thì việc thờ cúng ấy không mang lại giá trị.

Theo GĐXH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.