Coder hay lập trình viên là nghề gì mà thu nhập cao đến mức nộp thuế tiền chục tỷ?

Nghề nghiệp tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông nhưng trên thực tế đã có nhiều chị em phụ nữ Việt Nam gắn bó và thành công với nó rồi đấy!

Hôm nay, cư dân mạng xôn xao trước thông tin một cô gái sinh năm 1992 tại Cầu Giấy, Hà Nội có thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm cho Google Play và App Store . Theo thông tin từ VTV, cô gái này đã phải nộp số tiền thuế lên tới 23 tỷ đồng.

Coder hay lập trình viên là nghề gì mà thu nhập cao đến mức nộp thuế tiền chục tỷ?-1Thông tin đang gây xôn xao MXH

Quả thực để kiếm khoản tiền khổng lồ như vậy trong một năm là điều mà nằm mơ cũng khó thấy được! Hơn nữa, trong quan niệm của nhiều người, nghề viết phần mềm (hay còn gọi là Coder) là thế giới của phái mạnh. Việc một người phụ nữ gắn bó với nghề đã hiếm chứ chưa nói gì tới thu nhập khủng.

Vậy với phái đẹp đang theo đuổi công việc Coder, họ nghĩ sao về nghề nghiệp của mình cũng như mức lương có thật sự khủng như thông tin gây xôn xao kể trên? Hãy cùng vén màn bí mật xoay quanh nghề nghiệp đặc biệt này nhé!

Nghề Code: không dễ nắm bắt và vất vả, lương 4 - 5 chục triệu là bình thường, còn tiền tỷ phải... gặp thời

Thúy - một cô nàng 23 tuổi mới ra trường chuyên ngành CNTT của Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Về cơ bản thì viết code là lập trình phần mềm trong nhiều mảng như mobile, web, data, AI (trí tuệ nhân tạo)... Mình đang theo riêng mảng mobile. Mỗi phần mềm sẽ có các features (tính năng), rồi chia nhỏ thành các task (nhiệm vụ).

Các công ty công nghệ có thể tuyển nhân viên về viết code hoặc thuê ngoài (outsource), tùy vào từng hình thức mà công việc cũng sẽ khác nhau.

Để học được viết code quả thực cần quá trình dài hơi và rất vất vả, nhất là với con gái. Nhưng không phải là không theo được. Đặc biệt là mình đã tự rèn luyện kiến thức từ sớm, học thuật toán cơ bản, sử dụng 1 vài ngôn ngữ: C, Java, C++. Sau này rồi mới xem định hướng của mình là theo mảng nào (mobile, web, data, AI...). Mình được đào tạo bài bản ở trường nhưng với chị em nào không học qua mà muốn theo đuổi nghề thì đăng ký các khóa bên ngoài cũng được.

Coder hay lập trình viên là nghề gì mà thu nhập cao đến mức nộp thuế tiền chục tỷ?-2Ảnh minh họa

Về mức lương thì nhìn chung là ổn, xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Tất nhiên để đạt được mức thu nhập 330 tỷ đồng kể trên thì ngoài năng lực, cố gắng miệt mài thì còn cần gặp thời nữa, tức là tìm được công ty tốt cũng như nhận dự án khớp với trình độ của mình.

Thực tập sinh viết code thì lương dao động dưới 6 triệu đồng/tháng, fresher (mới ra trường) thì lương từ 8-12 triệu đồng/tháng. Hội Junior (làm 2-3 năm) sẽ có lương tầm 15-20 triệu/tháng. Khi đạt được tới Senior (trên 3 năm kinh nghiệm trở lên) thì lương càng tịnh tiến hơn rất nhiều. Lúc này, bạn đã đủ khả năng để nhận job ngoài, ký các hợp đồng giá cao hơn nên thu nhập tất nhiên sẽ khủng. Kiếm 40 - 60 triệu/tháng là chuyện bình thường.

Làm Coder tất nhiên cần đam mê. Lương cao thật nhưng xã hội phát triển nên nghề này cũng dần bão hòa rồi."

Trên MXH Tik Tok, có rất nhiều chị em phụ nữ cũng chia sẻ về công việc lập trình viên mà mình đang theo đuổi. Hàng trăm clip được mọi người đăng tải cũng là chủ đề thu hút sự chú ý lớn. Đây chính là bằng chứng rõ nét của việc có một số lượng chị em không nhỏ dấn thân vào nghề Coder.

Ngoài Coder thì còn những công việc nào cùng chuyên ngành, nhẹ nhàng hơn mà thu nhập vẫn tốt?

Vẫn biết Coder là một "mảnh đất màu mỡ" cho bất cứ ai muốn thử sức với thuật toán song chính bởi khối lượng công việc khó nhằn mà nhiều chị em phụ nữ phải buông bỏ. Một phần vì thể trạng không cho phép, phần khác vì phụ nữ thường sẽ phải chú tâm đến nhiều vấn đề khác như hôn nhân, gia đình, sinh con đẻ cái...

Tất nhiên, không làm Coder thì chị em vẫn có thể lựa chọn nhiều mảng nghề nghiệp tương tự mà công việc nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như Tester - nhân viên kiểm thử phần mềm để tìm ra các lỗi, sai sót, lỗ hổng khiến chất lượng phần mềm bị ảnh hưởng.

Vân Anh - một Tester với gần 7 năm kinh nghiệm, cô tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp chia sẻ về nghề này:

"Nhiều chị em sau khi thử sức với Coder thấy áp lực, khó khăn quá thì chuyển sang Tester vì cho rằng nghề này nhẹ nhàng hơn. Điều này là chính xác nhé. Tùy vào các dự án mà một Tester sẽ phải làm nhiều hay ít. Cũng giống như Coder thì lương của Tester ổn định, thuộc mức tốt trên thị trường.

Coder hay lập trình viên là nghề gì mà thu nhập cao đến mức nộp thuế tiền chục tỷ?-3Ảnh minh họa

Nếu được đào tạo qua trường lớp thì tốt, còn không thì chẳng vấn đề gì cả. Nói đúng hơn học Tester bên ngoài sẽ mở ra cơ hội lớn.

Bạn nữ kiếm 330 tỷ nói trên hẳn là tỷ phú viết phần mềm rồi, hiếm có khó tìm lắm! Bình thường mới ra trường thì lương cứng dao động 6-7 triệu và thêm hoa hồng. Sau đó tùy năm kinh nghiệm, nhận dự án ngoài mà tổng thu nhập cao lên.

Mình thấy làm Coder thiên về tư duy logic, thuật toán. Còn làm Tester cần đặc biệt tỉ mỉ, cẩn thận để rà soát không bị sai sót. Những chị em phụ nữ mà có đức tính kể trên thì gắn bó được với nghề. Thêm một điểm nữa là vì khối lượng công việc Tester nhẹ hơn nên chúng ta có thời gian để cân bằng việc công ty lẫn việc gia đình."

Nói chung, nghề Coder hay Tester là thách thức lớn với chị em phụ nữ nhưng cũng là một cơ hội giàu tiềm năng để chúng ta thử sức. Một khi đã có kiến thức và chuyên môn, cộng thêm đam mê, hướng đi đúng đắn, chắc chắn mức lương của bạn sẽ chẳng kém cạnh gì so với đàn ông! Và biết đâu, một ngày nào đó, bạn cũng sẽ được đóng mức thuế khủng như cô nàng sinh năm 1992 kể trên?

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/coder-hay-lap-trinh-vien-la-nghe-gi-ma-thu-nhap-cao-den-muc-nop-thue-tien-chuc-ty-162212501144700326.htm

lập trình viên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.