Hành trình tự cứu mình khỏi trầm cảm sau sinh của một người mẹ

"Tôi luôn mơ ước được ôm con trèo lên nóc tầng 4 nhảy xuống đất, rồi hoan hỉ tưởng tượng ra hình ảnh 2 thi thể bất động nằm dưới đất", mẹ Việt chia sẻ về những ám ảnh khủng khiếp khi bị trầm cảm sau sinh.

"Tôi luôn mơ ước được ôm con trèo lên nóc tầng 4 nhảy xuống đất, rồi hoan hỉ tưởng tượng ra hình ảnh 2 thi thể bất động nằm dưới đất", mẹ Việt chia sẻ về những ám ảnh khủng khiếp khi bị trầm cảm sau sinh.

Khởi đầu suôn sẻ và tốt đẹp....

Tôi 35 tuổi, có 1 bé trai 8 tuổi và 1 bé trai 30 tháng, chuyện xảy ra cách đây gần 3 năm, khi sinh bé thứ 2, lúc 32 tuổi.

Tôi vốn là một người lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ và sống tích cực. Đã tốt nghiệp đại học và có việc làm.

9 tháng mang bầu khỏe mạnh, tự tay chuẩn bị hết cho việc sinh nở một mình ở Hà nội, vì đã đưa con trai lớn sang Nga với bố, quay về Hà Nội để sinh bé thứ 2 do chưa chuẩn bị xong thủ tục sống hợp pháp tại Nga. Tôi sẽ sinh bằng phương pháp mổ đẻ, vì lần đầu cũng phải sinh nở bằng phương pháp đó, nên hoàn toàn chủ động.

Ngày đi đẻ, tôi mặc maxi vai trần, đi dép kẹp, tô son và xịt nước hoa dắt xe máy ra chở mẹ đẻ và bịch đồ đến Bệnh viện Bạch Mai chờ đẻ. Ở đấy, tôi gặp một nữ bệnh nhân trẻ trên xe lăn ở hành lang khoa sản, mặt cô ấy không một biểu cảm, ánh mắt đờ đẫn. Khi lân la hỏi thì tôi được biết cô ấy đẻ xong thì phát bệnh tâm thần, ở viện đã được gần 2 tháng.

Cuộc sinh nở thuận lợi, vì là lần thứ 2 nên việc chăm sóc con không gặp trở ngại khó khăn gì. Tôi cho con bú sữa mẹ. Những ngày đầu chưa có sữa thì tôi kích sữa bằng máy hút, 2 ngày đầu con ăn tạm sữa công thức, đến ngày thứ 3 thì con có sữa. Chồng vắng nhà, nhưng tôi được mẹ đẻ đến giúp, nên không vất vả, em bé ngoan. Tôi không kiêng khem gì trong việc ăn uống, sinh hoạt do dặn dò và cách hướng dẫn chăm sóc sản phụ và em bé của bố chồng – nguyên là bác sĩ quân y từ lần sinh bé đầu. Ông dặn “giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ để tránh gây bệnh cho bé, ăn uống phong phú để đủ chất cho mẹ nhanh phục hồi sức khỏe và em bé được cân bằng dinh dưỡng, miễn phải nấu nướng, chế biến đảm bảo vệ sinh”.

Con 7 ngày tuổi, 2 mẹ con đã ra sân chơi, đi dạo, em bé ngủ ngoài trời hàng ngày. (Tôi muốn nói kĩ về việc em bé ngủ ngoài trời hàng ngày vì điều này có ảnh hưởng của cách chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Nga: sản phụ sinh thường ở viện 7 ngày, được ra viện là mẹ đã để bé vào xe nôi cho ra sân chơi, công viên đi dạo và ngủ tối thiểu 1-2 tiếng một ngày bất kể mùa đông hay mùa hè, mưa hay nắng, miễn là nhiêt độ ấm hơn -15 độ C).

... Đến những diễn biến khôn lường

Chuyện bắt đầu sau khi sinh bé được khoảng một tháng. Tôi bắt đầu thấy khó chịu khi con khóc, đặc biệt bực bội và tức giận khi cho con bú (đầu nóng bừng bừng, giận ngùn ngụt, và cường độ càng tăng cao khi con ngậm vào ti mẹ và mút) khác hẳn với cảm giác yêu thương, gắn bó, xúc động, hạnh phúc khi sinh bé đầu.

Tôi bắt đầu để ý, và ngạc nhiên khi ngẫm lại mình không có cảm giác gắn bó với con, không có sự vui vẻ, hạnh phúc khi ngắm nhìn con mà thấy con vô cùng lạ lẫm, vẫn cứ ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình lại có một đứa bé như thế này trong nhà? Tại sao lại tạo ra được nó? Tất nhiên tôi vẫn chăm sóc con chu đáo, nhưng không có cảm xúc yêu thương của tình mẫu tử nào như thông thường cả, mà làm như một cái máy, giờ bú thì cho con bú, tắm thì cho tắm, tã bẩn thì thay… cảm giác xa lạ dần trở thành sự ghét bỏ con.
Hành trình tự cứu mình khỏi trầm cảm sau sinh của một mẹ Việt
May mắn cho tôi, khi tự mình có tạm đủ thông tin về những vấn đề có thể phát sinh sau khi sinh nở để đủ vững vàng, đủ tinh thần và kiến thức để vượt qua trầm cảm sau sinh sinh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khi có một mình với con, tôi đặt con trên giường nhìn trân trối, có khi tôi cứ ngồi đấy, lặng im ngắm con khóc, rồi ham muốn làm đau con trỗi dậy.

Tôi hào hứng tưởng tượng ra cảnh mình hăm hở cầm kéo chọc vào nó, hay cắn cấu nó, hay tát nó, vỗ nó hay thậm chí là khát khao cầm con ném vào tường.  Tôi bắt đầu hiểu ra mình có vấn đề về tâm lí, và cũng nhận ra rằng mình có dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Song song với việc nhận ra vấn đề, thì cảm xúc của tôi cũng tỉ lệ thuận với sự nhận biết đó mà khó đoán hơn. Tôi luôn mơ ước đến việc ôm con trèo lên nóc tầng 4 nhảy xuống đất, rồi hoan hỉ tưởng tượng ra hình ảnh 2 thi thể bất động nằm dưới đất. Hoặc hăm hở tưởng tượng đầy vui thú cảnh ôm con lao vào đầu xe ô tô rồi lại tưởng tượng cảnh 2 mẹ con dưới mặt đường.

Nhìn từ ngoài vào, tôi không hề có biểu hiện gì lạ, tôi ăn uống đủ, ngủ đủ, cười nói vui vẻ, có bạn bè, chủ động trong cách chăm sóc con và làm rất tốt việc đó. Tôi bắt đầu quan tâm đến tinh thần mình khi thấy cảm xúc của mình với con không thay đổi tốt hơn.

Tôi tâm sự với mẹ, nói rằng con đang không bình thường, con bị trầm cảm sau sinh rồi, vì con hay tưởng tượng ra cảnh này cảnh kia, và rất ghét em bé. Mẹ tôi mắng: “Mày chỉ vớ vẩn, cứ tưởng tượng lung tung”!

Tôi bắt đầu biết mình phải chiến đấu một mình. Tôi xác định mức độ bệnh của mình, chưa nặng - bởi mình vẫn kiểm soát được suy nghĩ và hành động. Bằng những thông tin tự tích lũy được về những vấn đề sau sinh từ những sách đã đọc, những bài báo, những nghiên cứu đã xem từ trước, tôi tự nhủ: “Mình không sợ hãi, sẽ đối mặt để chiến đấu”. Và tôi chiến đấu!

Bắt đầu bằng suy nghĩ: “Mình bị bệnh, bệnh trầm cảm sau sinh, chỉ là bệnh tâm lí thuộc dạng sinh lý, và nó sẽ hết nếu mình biết cách vượt qua, và mình sẽ làm được, mình yêu con, mình không muốn làm đau con, mình không muốn hại con, mình không ghét con, mình sẽ yêu con như bình thường khi mình hết bệnh!” Và cứ thế mỗi khi khao khát làm đau con hay làm hại đến con trỗi dậy, là bên kia bán cầu não đọc thần chú: “Mình bị bệnh, bệnh trầm cảm sau sinh, chỉ là bệnh tâm lí thuộc dạng sinh lý, và nó sẽ hết nếu mình biết cách vượt qua, và mình sẽ làm được, mình yêu con, mình không muốn làm hại con, mình sẽ yêu con như bình thường khi mình hết bệnh”. Kể cả những khi trân trối nhìn con khóc với tâm trạng đầy căm hờn chợt bừng tỉnh thì lại vỗ về nói chuyện với con: “Mẹ xin lỗi con, mẹ không được khỏe, mẹ ở đây, mẹ vẫn luôn yêu con, con yên tâm nhé, rồi mẹ sẽ khỏe!”

Song song với việc tự kỉ ám thị để áp chế những khao khát, cảm xúc đen tối trong đầu, thì tôi sắp xếp lịch sinh hoạt. Hẹn hò với bạn bè nhiều hơn. Những hôm bà ngoại ở lại giúp thì tôi gửi con bà trông đi chơi một mình với bạn, đi ngồi café buôn chuyện,  rủ nhau đi ăn những món ưa thích, đi dạo loanh quanh, thậm chí đi chợ đêm, ăn lẩu riêu cua vỉa hè, ăn ốc, ăn xoài xanh dầm nước mắm ớt… Khi bà về, nhà chỉ còn 2 mẹ con thì mẹ địu con đi cùng, mang theo tã, quần áo, vật dụng thay thế có khi chơi cả ngày ngoài đường chiều tối mới về tắm giặt.  Giáp Tết, khi con được hơn 3 tháng tuổi, 2 mẹ con về quê với ông bà ngoại và ở đó tháng rưỡi.

Và cũng cứ bài tự kỉ ám thị đó, mẹ con tôi vượt qua gần 4 tháng đen tối. Tôi trở lại bình thường.  Sự trở lại bình thường nhẹ nhàng, êm ái, gần như tự bản thân không nhận ra chỉ cho đến khi tự thấy mình nhớ con quá, yêu con quá, gắn bó con quá!

Gia đình, người thân của tôi không ai hay biết quá trình đó.


Xét lại nguyên nhân gây ra hội chứng trầm cảm sau sinh của tôi, tôi tự tổng kết ra vài vấn đề khiến tôi không an tâm, không vui trong khoảng thời gian sinh nở và chăm con:

- Tôi đi đẻ một mình, chồng và con lớn (mới hơn 4 tuổi) ở tận Nga. Lúc lên bàn mổ chợt có ý nghĩ lo lắng rằng nếu có mệnh hệ gì thì làm sao mọi người về thăm mình kịp? Và ngay ngày hôm trước khi đi đẻ, vợ chồng gây chuyện với nhau.

- Quá lo lắng cho con trai lớn khi bé xa mẹ trong lúc vừa sang Nga, không biết tiếng và vào học mẫu giáo gặp rất nhiều vấn đề về giao tiếp, ngày nào cũng bị bạn bắt nạt, đánh. Và có tới tận 25 ngày bị ốm không được đi học (ở nhà trẻ Nga bé ốm ho, sổ mũi là không được đến trường) phải ở nhà một mình. Bố đi làm từ 8h30 sáng đến 5h chiều mới về, khóa trái cửa cho con ở trong nhà, bữa trưa của con là cơm bố rang từ sáng hoặc bánh pizza mua sẵn khi nào đói thì tự bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lên ăn. Trong thời gian bố đi làm thì con và mẹ bật webcam nói chuyện, đọc chuyện, chat với nhau và trông nhau.

- Không chia sẻ được với ai khi tâm lí bắt đầu bất ổn định, một là rất khó để mở miệng chia sẻ (chồng ở xa thì có những vấn đề rất khó chia sẻ, giải thích, tâm sự và đặc biệt không được giúp đỡ từ chồng). Nhưng quan trọng hơn cả là không ai biết đến và quan tâm đến việc có thể xảy ra tình trạng tâm lý này của sản phụ nên có nói ra cũng không ai tin và coi trọng để giúp đỡ điều chỉnh. Như khi tôi nói với mẹ thì bà trả lời: “Mày toàn nghĩ vớ va vớ vẩn, tưởng tượng lung tung, nhàn cư vi bất thiện!”

Tôi may mắn khi vượt qua thời gian đó. May mắn hơn cho tôi, khi tự mình có tạm đủ thông tin về những vấn đề có thể phát sinh sau khi sinh nở để đủ vững vàng, đủ tinh thần và kiến thức để vượt qua.

Mặc dù tôi cũng cực kì may mắn khi chỉ bị trầm cảm sau sinh ở thể rất nhẹ nên mới tự mình vượt qua được. Nhưng tôi vẫn nghĩ, giá như mình là một người khác, không được trang bị một tí ti gì về kiến thức mang thai, sinh nở và chăm sóc em bé, chăm sóc sức khỏe sau sinh, thì chắc chắn khó mà dễ dàng vượt qua đến thế!

Cũng rất may mắn cho tôi, là khi tôi chọn được cho mình phương pháp chăm sóc bản thân, chăm sóc em bé, rồi đến nuôi dạy con thì tôi được tự do quyết định và làm theo ý mình không bị cấm cản, hay chỉ đạo từ gia đình nội, ngoại nên bớt được gánh nặng tâm lí, áp lực và stress ở vấn đề này. Tôi hiểu rất rõ khó khăn của các sản phụ, các bà mẹ trẻ khi ở chung với ông bà nội, ông bà ngoại về việc chăm sóc, nuôi dạy con cái thậm chí sức khỏe và tinh thần khi mang thai.

Hi vọng câu chuyện của tôi sẽ giúp ích được mọi người. Thực lòng, tôi rất khao khát việc hướng dẫn, chăm sóc tiền sản tốt hơn, các kiến thức về các vấn đề sinh nở, chăm sóc bà mẹ sau sinh, trẻ sơ sinh tốt hơn để bớt đi gánh nặng cho các bà mẹ trẻ, giúp chị em đối mặt được với những vấn đề khó khăn có thể phát sinh sau khi sinh nở.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.