Mẹ đẻ gửi cho túm vải cuối mùa mà chồng khinh ra mặt, vợ trẻ lạnh lùng đáp một câu khiến anh sượng mặt

Hôm ấy, Hiền nhận được thùng vải quê mẹ đẻ gửi lên, Thắng lại tỏ ra khinh khỉnh, bảo: "Có mỗi tí vải mà cũng gửi. Tiền thì chẳng thấy cho đồng nào".

Hôm ấy, Hiền nhận được thùng vải quê mẹ đẻ gửi lên, Thắng lại tỏ ra khinh khỉnh, bảo: "Có mỗi tí vải mà cũng gửi. Tiền thì chẳng thấy cho đồng nào".

Mấy ngày nay, hễ lên mạng là Hiền lại thấy bạn bè ở quê khoe vải cuối mùa mà thèm lắm. Thế nhưng, ở trên Hà Nội Hiền thấy toàn loại vải hạt to, ăn thì nhạt, hương vị không được đậm đà như vải quê. Một tối nọ, Hiền gọi điện cho mẹ đẻ xong than rằng muốn ăn, mẹ cô lập tức bảo:

- Năm nay bố con đi làm bảo vệ cho xưởng may rồi nên chẳng có thời gian phun thuốc dạo đầu mùa, vải không đậu quả. Nhà mấy bác hàng xóm cũng không có. Thôi, để mẹ ra chợ tìm mua vải ngon rồi gửi xe lên cho con nhé. Con xem hôm nào, giờ nào tiện xe để mẹ gửi nào.

Hiền thích lắm, cô biết ngay mẹ sẽ làm vậy mà. Quê cô vốn trồng nhiều vải, thế nên năm nào Hiền cũng ăn no ăn chán vải từ đầu cho tới cuối vụ. Tới tận bây giờ, khi cô đi lấy chồng trên Hà Nội, mẹ đẻ biết con gái thích ăn nên vẫn toàn đóng hàng thùng gửi lên, chẳng bao giờ để Hiền phải thiếu thốn.

Chiều hôm ấy, Hiền hí hửng xin về sớm 30 phút để đi nhận thùng hàng mẹ gửi. Nhưng trái ngược với niềm vui của cô, buổi tối Thắng về, anh lại đá thúng, đụng nia.

- Có mỗi tí vải mà cũng gửi. Tiền thì chẳng thấy cho đồng nào. Con gái, con rể mua nhà gần 2 tỷ mà bố mẹ vợ thờ ơ như không, giờ có nhà rồi nghĩ lấy mấy quả vải này ra nịnh nọt đấy?

Hiền điếng người trước câu nói của Thắng...

Thực ra, thái độ này của Thắng bắt đầu từ hơn nửa năm trước. Lúc đó, 2 vợ chồng rục rịch gom tiền đặt cọc mua nhà. Bên nhà chồng tuyên bố sẽ cho 200 triệu, ngoài ra, ông bà còn đứng ra vay giúp 100 triệu nữa. Nhưng bởi bố mẹ Thắng đều là công chức, hiện giờ lại đang buôn bán nên cũng có chút của ăn của để. Bố mẹ Hiền thì khác, họ làm nông. Giờ bố có tuổi rồi xin đi làm bảo vệ cho nhàn, lương có bao nhiêu đâu lại còn phải nuôi cô em đang học đại học. 

Lần ấy về quê, Thắng rất khôn khéo khi đề cập tới chuyện mua nhà, anh còn hí hửng bảo bên vợ: "Bố mẹ bên con chuẩn bị giúp 300 triệu rồi nên chúng con cũng nhẹ gánh phần nào bố mẹ ạ."

Nghe Thắng nói, bố mẹ Hiền bối rối, hứa sẽ giúp 100 triệu. Nhưng sau cùng, ông bà chỉ đưa cho được có 60 triệu, ngại ngùng bảo: "Bố mẹ cũng cố gắng xoay rồi nhưng chỉ có được nhiêu đây..."

Từ lúc đó, Thắng tỏ rõ thái độ khinh khỉnh. Anh bảo với bố mẹ vợ"Bao nhiêu năm bố mẹ tích cóp được bằng này tiền thôi á?"

Hiền giận quá, đá chân Thắng, anh mới cười mỉa, rồi cầm tiền, bảo: "Vâng, con cảm ơn bố mẹ nhé. Chúng con nhất định sẽ trả lại cho bố mẹ dưỡng già."

Rồi Thắng luôn nhắc đi nhắc lại chuyện này để dằn vặt, trách móc Hiền. Thậm chí, có lần bố mẹ vợ từ quê lên Hà Nội khám bệnh, anh chẳng thèm đưa rước. Khi ông bà đi vào nhà, anh còn ngồi ở ghế salon gào lên:

- Em lấy cái khăn ra cửa cho bố mẹ lau chân trước đi, bẩn hết cả sàn anh vừa lau rồi kia kìa.

Mẹ đẻ gửi cho túm vải cuối mùa mà chồng khinh ra mặt, vợ trẻ lạnh lùng đáp một câu khiến anh sượng mặt-1

(Ảnh minh họa)

Hiền giận lắm nhưng vẫn nhịn. Cô lại tìm cách ngọt nhạt để an ủi bố mẹ. Ông bà chỉ cười và nói không sao, nhưng Hiền biết bố mẹ buồn nhiều lắm. Sau lần đó, bố mẹ cô tuyệt đối không lên chơi nữa. Còn Thắng, anh cũng không về bên ngoại thăm hỏi hay ăn cỗ bàn gì nữa.

Suốt ngần ấy thời gian, Hiền vẫn luôn tìm cách khuyên nhủ, khiến Thắng suy nghĩ nhưng dường như vô tác dụng. Thậm chí, cô chỉ khiến anh càng tỏ thái độ ghét ra mặt thêm:

- Em đừng nói gì nữa, người ta nói không sai, có hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau. Cái nhà này 60 triệu của họ chẳng thấm tháp gì. Chẳng đủ tiền sắm tủ lạnh, điều hòa ý chứ. Thế nên anh không cần phải tôn trọng những người bỏ rơi mình lúc khó khăn.

- Anh đừng có vô lý. Bố mẹ em làm nông thì đâu có tiền. 60 triệu với nhà anh chẳng là gì nhưng với bố mẹ em đó là số tiền tích cóp bao năm cho em gái đi học đấy.

- Tóm lại, em đừng nói anh phải làm gì. Anh chỉ về bên ngoại dịp Tết thôi, em cũng bảo bố mẹ lên chơi 1 năm 1 lần thôi.

Bất lực với thái độ của Thắng, Hiền không biết phải làm sao. Ly hôn không được mà tiếp tục thì tình cảm cũng dần nguội lạnh. Cuối cùng, cô lao vào kiếm tiền để bản thân trở nên bận rộn hơn. Hiền và Thắng cứ tiếp tục cuộc sống như thế suốt nhiều tháng trời. Mãi cho tới vụ thùng vải quê mới đây, Hiền mới quyết định bật lại.

Sau khi nghe Thắng nói 1 câu đầy khinh miệt bố mẹ mình, Hiền nhẹ nhàng đáp:

- Trước khi coi thường người khác anh hãy nhìn lại bản thân mình đi. Hơn 3 năm trời kết hôn, lương mỗi tháng của anh là bao? Nếu như không vì có gia đình điều kiện hỗ trợ, anh luôn luôn thua kém em. Em chưa bao giờ mở lời chê trách, coi thường anh vì em muốn gìn giữ cuộc hôn nhân này. Nhưng anh lại tỏ thái độ với những người sinh thành và nuôi dưỡng em thì không thể chấp nhận được nữa. 

Họ có kém cỏi nhưng họ vẫn nuôi dạy được người con gái kiếm tiền giỏi hơn anh đấy. Thế nên đây là lần cuối em nói về vấn đề này, còn từ nay về sau anh đối với bố mẹ em sao, em sẽ đối xử với anh như vậy.

Nghe những lời Hiền nói, Thắng cúi mặt im lặng. Có lẽ, anh cũng hiểu rằng mình đã có thái độ không đúng mực với bố mẹ vợ.

 

THEO HELINO 


mẹ đẻ

nhà chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.