Trào lưu review dọa "đánh sập" quán ăn, nhà hàng: TikToker ngáo quyền lực?

Trào lưu YouTuber, TikToker review ẩm thực thời gian gần đây dường như trở thành "nỗi ám ảnh kinh hoàng" với các quán ăn, nhà hàng.

Là tín đồ nghiện TikTok, Ngọc Linh (28 tuổi, quận Cầu Giấy) thích xem các video review (đánh giá, nhận xét) sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng này, đặc biệt là ẩm thực. Cô lưu nhiều địa chỉ quán ăn, dự tính sẽ lần lượt trải nghiệm.

Trong chuyến du lịch Đà Lạt cuối năm ngoái, Linh đến một nhà hàng nổi tiếng theo gợi ý của một TikToker, nhưng nhận về trải nghiệm "không mấy vui vẻ".

"Tôi bị đau bụng ngay sau bữa ăn đó", Linh nói. Sự cố này khiến cô buộc hủy các lịch trình tiếp theo, về Hà Nội sớm hơn dự định. 

Một lần khác, nhóm của Linh đến một quán nước ở Hà Nội, sau đoạn video "viral" trên mạng xã hội. Họ gọi hai cốc nước, mức giá 100.000 đồng/cốc, nhưng chất lượng và dịch vụ… "không như review". Nhóm bỏ về giữa chừng, nói từ nay không còn tin vào các bài viết, video đánh giá ẩm thực trên các nền tảng.

Trào lưu review dọa đánh sập quán ăn, nhà hàng: TikToker ngáo quyền lực?-1

Nhóm của Linh gọi hai cốc nước, giá 100.000 đồng/cốc, nhưng trải nghiệm từ chất lượng đến dịch vụ đều... khác xa review (Ảnh: NVCC).

Chị Nguyễn Nga (32 tuổi, quận Hà Đông) tham gia hội nhóm review ẩm thực gần 850.000 thành viên trên Facebook. Hồi tháng 2, chị đọc được một bài review nhà hàng "hấp dẫn, giá cả phải chăng", nên rủ gia đình cùng trải nghiệm.

Sau khi gọi món combo theo đúng gợi ý của bài viết, chị Nga ngỡ ngàng khi nhân viên đem ra một mẹt thịt xếp dồn và một nồi canh chỉ đủ một người ăn, "khác hoàn toàn với tưởng tượng". Chị hỏi lại nhân viên về suất ăn, nhưng được thông báo là đã đủ món.

"Đi ăn thực tế mới thấy thất vọng về bài review. Đồ ăn bình thường, mẹt thịt quá ít, tổng thanh toán gần một triệu đồng nhưng vẫn đói", chị Nga ấm ức, nghi ngờ "người viết bài không có kiến thức chuyên môn, mà được nhà hàng trả tiền để tâng bốc chất lượng".

Trào lưu review dọa đánh sập quán ăn, nhà hàng: TikToker ngáo quyền lực?-2

Food review trở thành một xu hướng tất yếu trên thế giới (Ảnh minh họa).

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, việc người sáng tạo nội dung review ẩm thực, nhà hàng, quán ăn,… là một xu hướng tất yếu trên thế giới, thuộc ngành Influencer Marketing - truyền thông tiếp thị thông qua người có sức ảnh hưởng.

Trong thời đại 4.0, mạng xã hội phát triển đã "sản sinh" hai nhóm chuyên review, gồm KOL (Key Opinion Leader - người dẫn dắt dư luận chủ chốt) và KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng chủ chốt).

KOL là những chuyên gia có kiến thức chuyên môn trong những lĩnh vực khác nhau, tham gia vào quá trình tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

KOC là những người chuyên review sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực,… để kích thích người tiêu dùng trải nghiệm, mua sắm. Nhóm này hiện nhầm lẫn giữa ba khái niệm: Review (đánh giá), Feedback (phản hồi) và Bóc phốt.

Theo chuyên gia, review là mô tả một cách trung thực và chân thật trải nghiệm trong quá trình tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ. Review-er sau đó chia sẻ trải nghiệm của mình lên trang cá nhân, để những người theo dõi có thể đọc được.

Khi một sản phẩm, dịch vụ có vấn đề, người sử dụng phản hồi với người bán - quá trình này được gọi là feedback. Nhưng nếu bạn không phản hồi ngay với người bán, thay vào đó "làm quá lên", "chê sản phẩm với tâm thế kêu gọi tẩy chay", "tạo tác động xấu đến sản phẩm", thì được gọi là bóc phốt.

"Giới hạn của ba khái niệm này rất mong manh, đặc biệt với những review-er không có chuyên môn, chỉ chạy theo phong trào", ông Long nhận định.


Võ Hà Linh tuyên bố dừng review quán ăn (Nguồn: Fanpage Võ Hà Linh).

Chuyên gia cho hay, nhiều người đánh giá sản phẩm nhưng không hiểu "Influencer Marketing là gì?", "KOC là gì?", "nhầm lẫn 3 khái niệm" dẫn đến việc review dựa trên cảm xúc cá nhân, mưu toan, hả hê bóc phốt, đứng trên sự nổi tiếng của bản thân để dìm người khác. Đó là biểu hiện của sự "ngáo quyền lực" - "trải nghiệm để mong muốn có quyền lực".

Đơn cử, mạng xã hội từng chứng kiến một số TikToker "ngáo quyền lực" như Nờ Ô Nô. Các video review đồ ăn của người này thường "không giống ai", sử dụng những lời lẽ, hành vi thô tục và phản cảm.

Nờ Ô Nô từng là "nỗi ám ảnh kinh hoàng" của nhiều nhà hàng, quán ăn, trước khi bị khóa kênh do miệt thị người nghèo.

Ngoài ra, TikToker Cô gái có râu cũng gây xôn xao khi đưa ra những lời nhận xét tiêu cực về quán chè C.H. Loạt video căng thẳng giữa nam TikToker và quán chè tạo nên một cơn sốt, song vấp phải tranh cãi gay gắt từ cộng đồng mạng.

Gần đây, YouTuber Võ Hà Linh đã đăng tải một đoạn video lên trang Fanpage 1,7 triệu người theo dõi, tuyên bố dừng hẳn việc review quán ăn, sau những lùm xùm thời gian qua.

Nhiều người cho rằng Hà Linh không có chuyên môn, đánh giá món ăn quá chủ quan. Ví dụ như lần ăn thử món súp hải sản, cô liên tục khuấy rồi chê loãng, bịt mũi chê gỏi ba khía tanh, nói món rau xào mỡ hay món rau nhút quá chua,...

"Tôi nhận ra việc review quán ăn là không đúng, bởi ngon hay dở tùy vào khẩu vị mỗi người, mỗi vùng miền, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của quán. Trong video này, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới các quán ăn mà tôi từng đánh giá không tốt", Hà Linh nói.

 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/doi-song/trao-luu-review-doa-danh-sap-quan-an-nha-hang-tiktoker-ngao-quyen-luc-20230412194411191.htm?fbclid=IwAR2Y-aC0UfeIHwKq_WTGaNVH6gldZRdRCPjuaVwzLh5otd1sJyv-gdXhr0s

TikToker


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.