Bi hài chuyện đặt tên cho con

Đặt tên cho con luôn là vấn đề khiến không ít ông bố bà mẹ đau đầu.

Đặt tên cho con luôn là vấn đề khiến không ít ông bố bà mẹ đau đầu.

Từ xa xưa các cụ nhà ta đã quan niệm cái tên có vai trò quyết định đến số phận đời người. Và để cho con được dễ nuôi, sống khỏe, ông bà thường chọn những cái tên xấu xí nhất. Tuy nhiên, quan điểm ngày nay đã khác rất nhiều, tên con bây giờ phải kêu như chuông hoặc phải sang trọng lắm mới được dùng để đặt cho các “cậu ấm cô chiêu”. Đố ai có thể tìm được cái tên với vần đệm “Văn”, “Thị” như ngày xưa nữa. Vì vậy mà xung quanh chuyện đặt tên cho con cũng có rất nhiều pha dở khóc dở cười.

Vợ chồng cãi nhau vì tên con

Ngay từ hồi mới có bầu, hai vợ chồng Hạnh đã thống nhất với nhau nếu là con trai sẽ do chồng đặt tên còn con gái thì vợ đặt. Ngày đi siêu âm biết con là con gái , vợ hí hửng lắm vì sẽ được quyền quyết định đặt tên con theo giao kèo trước đó. Tuy nhiên cái tên vợ đặt, chồng lại không ưng ý tí nào vì tên hơi giống con trai. Vợ cũng nể nên tham khảo ý kiến của chồng thì chồng nói luôn sẽ đặt tên con là Lan. Hỏi sao chồng đặt thế thì anh im lặng không nói gì mà chỉ cười.

Đặt tên cho con luôn là vấn đề khiến không ít ông bố bà mẹ đau đầu

Lục lại trí nhớ của mình, Hạnh mới nhớ ra đó là tên người yêu cũ của anh. Không nói không rằng cô lên lầu gấp quần áo rồi bắt xe về nhà mẹ đẻ mà không nghe chồng giải thích một lời. Cuối cùng, chồng phải nhờ bố mẹ vợ khuyên nhủ mãi mới nói chuyện được với vợ và anh đã chịu thua vợ, nhường vợ quyền đặt tên cho con. Dù thế, suốt mấy tháng sau, Hạnh vẫn không vui vẻ gì với chồng vì mỗi lần nghĩ đến cái chuyện đặt tên cho con là cô lại bực và luôn có ý nghĩ chồng vẫn nhớ về người xưa. Chỉ đến khi bé Bon ra đời, thấy chồng hết lòng lo lắng, chăm sóc hai mẹ con, cô mới dần quên đi câu chuyện ngày trước và hai vợ chồng mới vui vẻ hoàn toàn được.

Thông gia tranh nhau đặt tên cho cháu

Khác với vợ chồng Hạnh, chuyện đặt tên cho con của Hà gian nan hơn nhiều vì còn liên quan đến các cụ hai họ.

Từ khi cô có bầu, hai vợ chồng cứ tối tối là lại bàn đến chuyện đặt tên cho con, nào là tên ở nhà sẽ gọi là gì, nào là tên trong giấy khai sinh – sẽ phải là một cái tên hay ho nào đó mà cả hai vợ chồng đều thích. Tuy nhiên, chuyện đâu đơn giản như vợ chồng cô nghĩ. Khi biết Hà sẽ sinh con trai và ông bà bên nội sẽ có thằng cháu đích tôn, ông bà nghiễm nhiên dành quyền đặt tên cháu nội về cho mình vì thằng cháu này là mối quan tâm của cả họ chứ đâu của riêng vợ chồng Hà nữa. Thế là ngay từ khi thằng cu mới được 5 tháng tuổi thai, ông nội đã ngày ngày đọc sách báo để tìm cho thằng cháu Rồng một cái tên thật oách. Cuối cùng ông cũng chọn được một cái tên mà theo ông sẽ rất hợp với mệnh Trường lưu thủy của đứa trẻ.

Nhà ngoại dù cũng rất vui mừng vì sắp có cháu và cũng muốn được 'cái oai' đặt tên cho cháu nhưng đành lép vế sau họ nội vì dù gì “hết nội mới đến ngoại” nhưng cái tên ông nội đặt cho thằng cu chưa chào đời ấy mà chiếu vào gia phả nhà ngoại thì lại trùng với tên cụ cố cách đây mới 3 đời. Thế là lần này họ ngoại đòi giành quyền đặt tên vì đã nhường cho họ nội lần trước nhưng do đặt tên không phù hợp.

Chuyện có thế mà hai nhà cứ dùng giằng nhau mãi. Vợ chồng Hà phải khéo léo lắm mới thu xếp mọi chuyện êm đẹp và cái tên của thằng cu sau này chính là cái tên được bác sĩ đỡ đẻ đặt cho. Do Hà gặp phải một ca đẻ khó nên cả hai bên gia đình mang ơn bác sĩ ấy nhiều lắm vì đã giúp 'mẹ tròn con vuông'. Và cũng vì thế không cụ nào thắc mắc với cái tên của bé nữa. 

Đừng quá coi trọng cái tên

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, cái tên không chỉ đơn thuần để phân biệt người này với người khác mà nó còn là “tài sản” của mỗi người. Việc đặt tên con tùy thuộc vào quan niệm của từng người, từng gia đình và từng dòng họ... Theo truyền thống của người Việt, việc đặt tên nên tham khảo ý kiến những người lớn tuổi trong gia đình, bởi những người này nắm được hệ thống tên của những người trong dòng họ, tránh “phạm húy”. Khi đặt tên con cũng nên tránh đặt trùng với tên của những người có tuổi trong gia đình, họ tộc để bày tỏ sự kính trọng đối với thế hệ đi trước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý rằng, cái tên không quyết định số phận của một con người. Có chăng nó cũng chỉ là “thương hiệu” của một con người mà thôi. Và thương hiệu đó là phương danh hay ô danh phụ thuộc phần lớn vào quá trình chăm sóc, giáo dục em bé, quan tâm đến gia đình, bản thân, để trau dồi tri thức, lớn lên trở thành người có ích cho xã hội. Cái tên ấy có trở thành niềm tự hào của cha mẹ, ông bà và có khi là của cả cộng đồng hay không còn phụ thuộc vào quá trình sống, làm việc và cống hiến của cá nhân đó với xã hội – đó mới là điều thực sự quan trọng.

Theo Eva



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.