Các mẹ cứ nói xấu, "bóc phốt" osin nữa đi, rồi 1 ngày chúng tôi sẽ đi làm thuê cho Tây

Các mẹ dễ dàng nói xấu, trách mắng, thậm chí "bóc phốt" osin trên mạng, nhưng các mẹ có biết đâu, osin như chúng em cũng lắm nỗi khổ chứ chả sung sướng gì!

Các mẹ dễ dàng nói xấu, trách mắng, thậm chí "bóc phốt" osin trên mạng, nhưng các mẹ có biết đâu, osin như chúng em cũng lắm nỗi khổ chứ chả sung sướng gì!

Em là osin, các mẹ ạ. Vâng, osin "xịn" đấy nhé, chứ không phải kiểu mấy mẹ bỉm sữa không đi làm, ở nhà chăm con rồi bị chồng móc máy, nói xéo đâu. Cứ nhắc đến nghề của chúng em, lạ thật, y như rằng là chan chứa những lời than. Trên khắp các diễn đàn buôn chuyện, rồi trên mặt báo, chẳng khó để nghe các mẹ kể xấu, than khổ vì osin, nào là người kén ăn, người đoảng vụng, người ăn cắp vặt, người mê buôn dưa lê, nói xấu chủ, rồi hở tí đòi tăng lương... chứ chả mấy ai nói về sự khổ cực, những cay đắng trong nghề chúng em. Bức xúc quá, em phải lên đây kể cho các mẹ nghe, để các mẹ biết, osin cũng trăm đường đắng cay, chứ chả phải ngồi không, quanh quẩn với mấy việc lặt vặt trong nhà rồi ăn lương "cao hơn cả dân văn phòng" như các mẹ vẫn nghĩ đâu ạ.

osin
Đời osin cũng nhiều oái oăm chẳng kém các nghề khác, cũng nhiều áp lực và nỗi khổ lắm chứ!

Chuyện thế nào mà em được đưa đẩy vào nghề, cũng chả quan trọng, nhưng chuyện nghề của em nó gian truân lắm các mẹ ạ. Đời osin của em bắt đầu khi em làm việc cho một gia đình có hai ông bà cụ ngoài 70. Việc chính của em là chăm sóc, trông nom hai cụ và nấu cơm, còn nhà cửa thì 2 ngày dọn dẹp 1 lần, con dâu hai cụ sẽ trợ giúp. Nghe cũng có vẻ "nhẹ nhàng", nhưng làm rồi mới biết, chăm người già nhiều vấn đề thế nào. Ông cụ chủ của em rất hiền, sức khỏe yếu, ít khi mắng, chỉ thi thoảng không vừa lòng điều gì thì cáu gắt một tí. Mỗi tội, ông cụ rất sợ... tắm. Con cụ giao hẹn, cứ 2 ngày/lần, em phải đưa cụ ông và cụ bà đi tắm, nhưng mỗi lần đến lượt cụ ông, em lại mỏi mồm thuyết phục, nài nỉ, lôi con trai các cụ ra dọa... mới dìu được cụ vào nhà tắm. Bình thường, cụ hiền lắm, thế mà bị "lùa" đi tắm, cụ quát nhặng lên, hết mắng em "để nước nóng quá, làm ông bị bỏng rồi" lại quát "xoa nhiều xà phòng thế tốn kém", rồi khua chân múa tay loạn lên đòi ra ngoài.

Mà thế đã xong đâu, em còn phải đối phó với cụ bà (hơi bị lẫn) cứ lò dò đi theo sau, nằng nặc bắt em mở tung cửa nhà tắm để "đề phòng mày sàm sỡ chồng tao", trong khi cụ ông ầm ĩ bắt đóng cửa vào. Nghe đâu, cô giúp việc trước em, trong một lần tắm cho cụ bà còn bị bà cấu cho tím cả người vì... ghen. Em thì chưa gặp phải chuyện như thế, nhưng bà cụ cũng ngại tắm y như chồng, toàn lấy cớ: "Mày dỗ bà đi tắm để ăn cắp tiền với vàng của bà phải không?". Rồi tắm xong, bà lại ngồi lẩn mẩn lôi tiền, vàng ra đếm đi đếm lại cả tiếng, thi thoảng lại rú lên: "Ôi mất đâu một tờ xanh của tôi rồi", "Ôi cái nhẫn của tôi đâu nhỉ?" hoặc lên giọng quát: "Con sen (con ở, đó là cách bà gọi em), mày khai thật đi, mày có lấy vàng thì trả cho bà, bà không đuổi việc mày đâu" trong khi em chẳng biết mày ngang mũi dọc tiền vàng của cụ thế nào.

osin

Bi nghi ngờ ăn vụng, trộm tiền là những nỗi oan mà nhiều osin như em phải chịu ít nhất 1 lần trong đời làm nghề.

Những ngày trời nồm, em đến hóa điên với chuyện lau nhà. Bà cụ bị đau khớp, hơi lẫn nhưng rất thích đi lại trong nhà để tập thể dục. Nhà đổ nồm, đi buốt gót chân, bà mắng xơi xơi đủ kiểu. Còn chuyện giặt giũ thì thôi rồi! Nhà có máy sấy mà sấy không xuể với tốc độ... đòi quần áo của hai cụ. Cứ nửa tiếng cụ lại quát: "Con sen đâu, không mang quần áo trả bà à?", nhất quyết không tin là quần áo chưa khô. Em lại phải chạy lên 5 tầng lầu để đem quần áo xuống trình diện, để cụ sờ tận tay rồi lại đem lên phơi, ngày chục lần như thế mới yên.

Đấy mới là những chuyện "đáng kể", còn việc cụ bà suốt ngày nghi ngờ em ăn vụng thức ăn ngon, hoa quả xịn, húp trộm sữa của các cụ, rồi khách nào đến thăm cũng nói xéo: "Kỳ tới tôi phải bảo chúng nó mua cho cái tủ xịn, cất đồ đạc vào đấy, chứ nhà có người lạ, dễ thất thoát lắm" hoặc nói nặng lời về chuyện "nhà nghèo mới phải đi ở đợ", ra soi vào soi vì sợ "nó lại dụ dỗ để xin tiền cụ ông đấy"... thì nhiều như cơm bữa. Biết cụ bà lẫn, em cũng không dám cãi, nuốt ấm ức vào lòng hoặc kể khổ với con dâu, con trai cụ, nhưng rồi lại bị nghi "làm màu" để đòi tăng lương. Em làm ở đấy gần 1 năm thì cụ ông mất, sau đó, em chẳng muốn ở, mà người ta cũng không muốn thuê osin nữa, em đến làm giúp việc cho một nhà khác.

Lần này, em rút kinh nghiệm, đi làm giúp việc cho một đôi vợ chồng có con nhỏ. Em bé mới gần 1 tuổi, đang tuổi học nói, hai vợ chồng người làm ngân hàng, người làm dự án gì đó, nhà ở chung cư, công việc cũng không có gì nặng nhọc, lương tốt, em đã tưởng mình "vớ bở". Nhưng rồi rắc rối cũng đến.

Vợ chồng nhà này ăn uống theo kiểu Tây, toàn bit-tết với khoai tây pu-rê, bánh mì các kiểu, mà em thì không biết nấu mấy thứ đó, thế là bị chê "nhà quê". Hai tháng đầu em làm ở đấy, cô vợ còn rảnh vào cuối tuần và kèm cặp em làm vài món cơ bản mà gia đình đó thích, chuẩn bị thức ăn cả tuần của em bé và để tủ đông, chỉ cần hâm nóng là cho bé ăn. Bữa trưa em tự xử, bữa tối ăn bình thường theo thực đơn cô ấy lên sẵn, cuối tuần ăn các món Tây. Sau này, cô ấy bận túi bụi, nên việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc em bé, nấu nướng đều do em đảm nhiệm.

Và từ đó, ngày nào em cũng nghe điệp khúc: "chị nấu ăn chán quá", "chị phải đa dạng các món vào", "chị đừng cho con em ăn kiểu cháo lợn như mấy bà ở quê thế, kinh lắm!"... đến rát cả tai. Nghe mà ấm ức lắm, các mẹ ạ. Em cũng thuộc dạng chịu khó học hỏi, lên mạng tham khảo thực đơn, công thức, đổi món liên tục, nhưng chủ nhà khó ăn thì mình chẳng biết làm sao mà chiều nổi, khổ lắm cơ!

Đã vậy, em bé nhà ấy đang tuổi học nói, em thích bé, hai bác cháu ríu rít "nói chuyện" suốt ngày. Khi bé gọi được "mẹ", "ba ba"... thì bố mẹ bé thích lắm, nhưng rồi ít lâu sau em lại bị phàn nàn: "Chị đừng nói chuyện với con em nữa, cháu phát âm cứ lơ lớ giọng nhà quê, em không thích đâu!" với cả "Chị ngủ trưa thì đừng ôm ấp con em, phải cho ngủ riêng trong nôi, không thì nó bện hơi". Các mẹ xem, chăm trẻ con, chơi với nó mà không nói chuyện, không dạy nói thì quá bằng bảo em câm đi à; rồi bố mẹ đi làm cả ngày, bé ở với em, quấn em cũng là chuyện dễ hiểu, em có xui bé lờ mẹ đi đâu?

osin

Chăm người già vất vả một đằng, giúp việc chăm trẻ lại lằng nhằng kiểu khác.

Được đâu dăm bảy tháng, nhà ấy đánh tiếng bảo muốn cho con đi học mẫu giáo cho vào nếp, ở nhà bác chiều quá thành hư, em cũng chán, không làm cho họ nữa.

Em đọc báo, nghe đài nhiều, cũng làm osin nhiều, thấy mọi người chê osin ở ta không chuyên nghiệp, không được đào tạo, không coi đó là nghề nghiêm túc, em thấy cũng có lý, nhưng chả đúng hoàn toàn đâu! Ở "bển", bên Tây í (nói Tây nghe cho oai, chứ ngay Malaysia, Singapore thôi), em có mấy đứa bạn cũng làm osin, chúng nó kể chuyện đi làm mặc đồng phục, công việc chuẩn chỉnh theo giờ, được chủ nhà tôn trọng, được trả lương và bảo hiểm y tế theo luật, có kỳ nghỉ phép... nghe mà sướng mê, mà phát ghen với chúng nó. Em mới nghĩ, đúng là nhiều người làm nghề như chúng em chưa được đào tạo gì, chỉ biết các kỹ năng cơ bản, nhiều người không xác định làm lâu dài thật, nhưng ngược lại, chủ nhà cũng có mấy ai văn minh, tôn trọng giúp việc như ở "bển" đâu. Nói ra thì chủ nào cũng bảo đãi ngộ cao, nuông chiều, thậm chí nhịn osin như nhịn cơm sống, nhưng trong thâm tâm, mấy ai thực sự coi những giúp việc như chúng em là người nhà, là quản gia thật sự đâu!

osin

Em đang ôm mộng đi làm osin cho Tây, rồi xa hơn, là làm osin ở nước ngoài.

Em quyết rồi, em không đi làm osin toàn thời gian nữa! Em đã đi học một khóa nấu ăn, chăm sóc gia đình, học cả tiếng Anh nữa, các mẹ ạ. Em vẫn sẽ làm nghề này nhưng vào làm trong công ty, và làm theo giờ thôi, hết việc thì về, chả phải dò ý hay chiều chuộng chủ nhà quá mức. Em cũng đang nhắm đến việc đi làm osin cho Tây, hoặc sang hẳn nước ngoài làm osin ở "bển" như mấy người bạn của em, lương mấy nghìn đô, lại được tôn trọng nữa. Osin, kể ra cũng là một nghề hay, em làm mãi rồi cũng chả muốn đổi, nhưng đổi môi trường thì cũng tốt mà. Biết đâu, ít năm nữa em lại là osin bên Tây, lại có khối chuyện kể cho các mẹ nghe, rồi lại có người chép miệng: "", nhỉ?Kể ra làm osin cũng hay ra phết

(*) Bài viết dưới dạng quan điểm và góc nhìn của người viết

 Theo Trí Thức Trẻ

người giúp việc

osin


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.