Giúp các ông bố không mắc sai lầm khi kỷ luật con

Bố thường đóng vai trò là người cứng rắn và đặt ra kỷ luật cho trẻ, nhưng việc này không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một môn khoa học.

Nếu bố quá khắt khe khi kỷ luật con thì sẽ khiến trẻ ngỗ ngược, quá mềm mỏng sẽ nuông chiều trẻ, trong khi ép buộc một cách khuôn mẫu sẽ cản trở sự phát triển cá tính. Dù mỗi người bố có cách dạy riêng, nhưng một vài “chiến thuật” dạy kỷ luật cho trẻ có thể giúp bé học cách sống lễ độ và ôn hòa.

Đặt giới hạn

Để trẻ có thể học được kỷ luật, điều đầu tiên mà bố phải làm là đặt ra các giới hạn cho bé. Trẻ phải biết như thế nào là quá đáng và như thế nào là không nên, để cư xử bên trong giới hạn đó. Chơi bao lâu thì đủ, ăn bao nhiêu là quá nhiều... là các giới hạn phổ biến mà bố mẹ thường đặt ra. Trong việc này, người bố phải đặt ra giới hạn song song cùng các hậu quả nếu trẻ vượt qua giới hạn đó. Quan trọng nhất, bố phải liên tục bám theo các giới hạn và hình thức kỷ luật mà mình đặt ra.

Phải luôn nhắc cho trẻ biết hậu quả của việc bé vi phạm là gì, và việc phạt sẽ luôn được áp dụng bất kể trường hợp nào. Dĩ nhiên, đôi khi bố vẫn có thể trở nên mềm mỏng và cho trẻ vài ngoại lệ, nhưng phải truyền tải được thông điệp của giới hạn. Một lần đi chơi về trễ không bị phạt không có nghĩa là lần sau trẻ có thể đi chơi về trễ như vậy.

Riêng ở phần “hình phạt”, “chiến thuật” mà bố mẹ hay sử dụng thường là lấy đi những đặc quyền của trẻ như món ăn vặt, thời gian chơi... Nhưng đôi khi trẻ vi phạm giới hạn của mình một cách có chủ ý, hay đang có thái độ chống đối, hỗn hào..., đó là lúc bố cần phải trở nên nghiêm khắc và sử dụng “thẻ đỏ”.

Bắt trẻ phải ở trong phòng, hoặc ở một mình, không được phép làm gì khác ngoài việc tự kiểm điểm bản thân và suy nghĩ về việc sai trái mà mình đã làm. Cách phạt này có thể kéo dài vài phút, vài tiếng đồng hồ, thậm chí là vài ngày bị cấm túc, tùy theo mức độ vi phạm và thái độ ăn năn của trẻ. Hãy nhớ rằng, sự cứng rắn của bố trong kỷ luật là cần thiết.


Ảnh minh họa: Internet

Khuyên nhủ

Việc đặt ra giới hạn và mức kỷ luật là cần thiết, nhưng trẻ cần được giải thích rõ ràng lý do tại sao. Đây được xem là một thử thách lớn cho nhiều người bố, vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và cẩn thận, thậm chí cần đến sự hỗ trợ của người mẹ. Thông thường, khi một mệnh lệnh được đưa ra kèm với lời giải thích một cách hợp lý, sẽ được trẻ chấp nhận dễ dàng hơn.

Nhưng, các ông bố thường dễ mắc phải nhiều sai lầm trong việc này, phổ biến nhất là dọa nạt trẻ bằng các câu chuyện không có thực. Cách thức này có thể áp dụng trong một thời điểm nhất định, nhưng sẽ gây phản ứng xấu khi trẻ biết được sự thật. Việc áp đặt kỷ luật không kèm theo giải thích cũng là một sai lầm nguy hiểm, vì nó có thể làm trẻ có phản ứng nổi loạn.

Ngoài ra, trẻ cũng nên được khen thưởng và khuyến khích khi tuân thủ kỷ luật. Ở khía cạnh này, người bố phải tinh ý. Đôi khi trẻ thực hiện đúng điều được khuyên bảo hằng ngày với suy nghĩ không mong đợi được khen thưởng, chính những lúc đó, một lời khen đơn giản từ bố sẽ có tác dụng rất lớn. Khen ngợi trẻ còn có tác dụng lớn hơn khi được bày tỏ trước người thân, bạn bè của trẻ. Ngược lại, việc khiển trách nên được thực hiện riêng tư.

Mức độ và cách ứng dụng kỷ luật dựa hoàn toàn vào các phản ứng của trẻ. Vì thế công việc này gần như là một tiến trình thử nghiệm và điều chỉnh.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.