Hãi hùng với những cuộc "đổ bộ" của bầu đoàn nhà chồng

Có nhà mà có lúc không dám về, thực sự ai rơi vào hoàn cảnh như nhà Yến mới hiểu nỗi bi ai của việc đó là như thế nào!

Có nhà mà có lúc không dám về, thực sự ai rơi vào hoàn cảnh như nhà Yến mới hiểu nỗi bi ai của việc đó là như thế nào!

Vợ chồng Hiệp - Yến mới tậu được ăn chung cư nho nhỏ cách đây không lâu. Thực sự cũng khó khăn chồng chất chứ chẳng dễ dàng gì. Hai vợ chồng lương chẳng lấy làm cao, lại có 1 con nhỏ, cuộc sống ở thành phố thì đắt đỏ, tiết kiệm rồi vay mượn thêm nữa mới tậu được, để có chỗ ở ổn định, không phải lo lắng nhà nhà cửa cửa nữa. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, thì Yến lại phải đối mặt với một vấn đề khác, khiến cô phiền não và chán chường không kém việc đi thuê nhà!
 
Thông tin vợ chồng cô đã mua được nhà nhanh chóng lan truyền về dưới quê chồng với tốc độ chóng mặt. Mọi người gọi điện lên chúc mừng tới tấp, và thật trùng hợp, là ai cũng kèm theo lời nhắn nhủ: “Thế này ít nữa có việc gì lên thành phố thì cho cô/ bác ở nhờ nhé!”. Yến cũng chẳng nghĩ nhiều, cho mọi người ở nhờ cũng chẳng có vấn đề gì to tát. Anh em người nhà để làm gì chứ, không phải là để nhờ vả những lúc như vậy sao.
 
Ảnh minh họa
 
Từ đó, họ hàng dưới quê Hiệp có con em đi thi Đại học đều tới nhà Yến ở cả. Mỗi đợt như thế, cũng ở tầm dăm ngày là ít, vợ chồng cô hi sinh thời gian ra để phục vụ, cơm bưng nước rót, thậm chí Yến toàn giặt quần áo cho mấy em với cháu ấy. Cá biệt có người bận không đưa được con em mình đi còn gửi gắm tất cả cho vợ chồng cô đưa đón. Nhưng mà tuyệt nhiên chả thấy nói đến đưa vợ chồng cô tiền ăn uống, sinh hoạt. Yến cũng không để bụng, cô nghĩ, có mấy khi đâu mà, kể cả họ có đưa cô cũng không lấy.
 
Có đợt cao điểm, căn nhà có dăm chục m2 nhà cô phải chứa đến gần chục người khách, bao gồm cả thí sinh và người nhà đưa đi thi. Yến vừa đi làm, vừa bận con nhỏ, vừa phục vụ khách khứa, với thời gian tính bằng tuần, khiến Yên bơ phờ, mệt mỏi vô cùng. Mà 1,2 người thì còn đỡ, đằng này số người đông như vậy, nói không tốn kém thì là nói dối.
 
Ấy vậy cũng chẳng ai đưa tiền cơm nước cho cô, có đưa cũng lấy lệ, cô còn chưa kịp từ chối thì đã cười giả lả “nói thế chứ vợ chồng chúng mày thiếu gì mấy đồng lẻ này nhỉ”, rồi cất luôn tiền đi. Cũng chẳng ai có ý thức giúp cô dọn nhà, nấu cơm. Mấy em đi thi thì còn nhỏ, lại bị phụ huynh bắt học đã đành, còn mấy người lớn đi kèm thì coi mình là bề trên, nên không có nghĩa vụ phải hộ hành. Yến thật sự khóc không ra nước mắt.
 
Đi thi, rồi đi chữa bệnh, họ hàng đằng nhà Hiệp xa gần hình như nghĩ rằng đương nhiên là họ sẽ vào ở nhà Yến. Cũng chả cần hỏi xin ý kiến vợ chồng cô, cứ lên thành phố là xách hành lí vào nhà cô luôn. Mọi người truyền tay nhau địa chỉ nhà cô, rồi dặn dò nhau: “Lên thành phố cứ vào nhà chúng nó mà ở!”. Yến mua đồ về để trong tủ lạnh, họ hồn nhiên lấy nấu nướng rồi mang vào bệnh viện cho người nhà mình. Đồ dùng của vợ chồng cô cũng bị trưng dụng. Yến không hiểu, mọi người là vô tư quá hay là rắp tâm lợi dụng vợ chồng cô nữa? Có người nằm viện cả tháng, cũng là từng ấy thời gian người nhà họ ăn ở dầm dề ở nhà cô. Có người thì biết ý ra, mang được mấy cân gạo, cũng gọi là góp tiền ăn!
 
Yến biết mọi người dưới quê nhà Hiệp cũng chẳng giàu có gì cho cam, nhưng vợ chồng cô thì giàu có chắc! Nợ nần còn chưa trả hết, còn nuôi con, còn đủ thứ chi tiêu trên đời. Ai cũng có cái khổ cả, nếu như họ biết ý hơn thì Yến cũng cố gắng hi sinh sự riêng tư thoải mái, chịu vất vả phục vụ mọi người để họ đỡ phải thuê nhà bên ngoài tốn kém, gọi là giúp đỡ nhau. Nhưng cứ với cái tâm lí muốn bòn rút, lợi dụng vợ chồng cô thế này, ai mà không khó chịu, hãi hùng cho được!
 
Ấy thế nhưng Yến cũng chưa nghĩ ra được cách gì để giải quyết tình hình. Nếu cương quyết bắt họ đóng góp tiền ăn uống, sinh hoạt, miễn phí tiền ở thì sợ rằng sòng phẳng quá lại mất tình cảm. Một khi họ đã không tự giác, cô lại mở miệng yêu cầu, tất họ sẽ không thoải mái, rồi thì lời ong tiếng ve lại đồn về tận quê Hiệp cho mà xem. Người ở quê lại rất để ý đến sự đánh giá của mọi người, bố mẹ chồng cô làm sao để yên cho vợ chồng cô đây. Mà cự tuyệt không cho ai đến nhà cũng không được, cái này còn gây ra sóng gió kinh khủng hơn nhiều.
 
Hiệp cũng nhiều lần nói với bố mẹ để ông bà nói khéo với mọi người hạn chế giúp, nhưng ông bà gạt đi ngay: “Mấy khi mọi người nhờ vả đâu, đừng có khó khăn quá như thế. Chúng mày định để bố mẹ mày ở quê không còn biết nhìn mặt ai nữa hả?”. Đúng là đối với 1 người thì là chẳng mấy khi, nhưng không có người này lại là người khác, thành ra tháng nào nhà cô rảnh rang không có khách đến thì đúng là sảng khoái hết cả người. Oái oăm, có người rỗi việc muốn lên thành phố chơi, cũng vào nhà cô ăn ở như đúng rồi, bắt cô phục vụ đủ điều để họ tung tẩy đi thăm thú thành phố!
 
Vợ chồng Yến nghĩ nát óc cũng chẳng biết làm thế nào. Hay là khi nào có người muốn lên ở nhà, vợ chồng con cái nhà cô đành đi sơ tán, cho mọi người tự ở tự ăn ở đấy, để họ biết họ làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhà cô như thế nào? Có những lúc tan làm, cứ nghĩ đến về nhà nào là chật chội, ồn ã, rồi 1 mình chiến đấu với không biết bao nhiêu việc để phục vụ nhà chồng mà cô ớn đến tận cổ. Có nhà mà có lúc không dám về, thực sự ai rơi vào hoàn cảnh như nhà Yến mới hiểu nỗi bi ai của việc đó là như thế nào!

Theo Trí Thức Trẻ


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.