Lần đầu làm cha: Không quá khó

Bản năng làm cha luôn có sẵn ở mọi ông chồng, nhưng chỉ có 50% sẽ trở thành ông bố tốt trong tương lai.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, hầu hết nam giới đều có thiên hướng nuôi con rất mạnh nhưng chỉ 50% trong số này sẽ trở thành 1 người cha tốt. Nguyên nhân là do các anh chồng thường không tự tin trong vai trò mới và cũng khó có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăm con với người đi trước như những bà vợ của họ.

Thật ra, chỉ cần tham khảo một vài bí quyết chuẩn bị cho lần đầu tiên đảm nhận vị trí mới đầy trách nhiệm thiêng liêng này, các ông bố tương lai sẽ thấy rằng để trở thành 1 người cha tốt thật ra không quá khó như đã tưởng.

1. Xác định tâm lý

Lần đầu làm cha: Không quá khó - 1

Đón chào 1 thiên thần nhỏ là niềm hạnh phúc vô bờ và là sợi dây gắn kết tình cảm bền chặt giữa 2 vợ chồng (hình minh họa)

Quyết định có thêm 1 thành viên mới trong gia đình là một quyết định trọng đại, và cả 2 vợ chồng bạn cần phải suy nghĩ chín chắn, bàn bạc cẩn thận về mọi thứ từ quan niệm về giới tính của bé, chuẩn bị tài chính, các phương thức sinh nở sẽ được chọn, cách nuôi dạy con và chia sẻ việc nhà khi bé chào đời v.v…Dù có yêu nhau đến đâu, việc xác định rõ ràng ý muốn có con từ cả hai phía vợ và chồng sẽ tạo sự gắn kết, đồng thuận lớn trong gia đình, vì thế mà quá trình thai nghén và sinh nở của người vợ sẽ nhẹ nhàng hơn, cũng như người cha sẽ chuẩn bị tinh thần tốt hơn trong quãng thời gian dài vất vả sau này.

2. Chuẩn bị đón chào thiên thần nhỏ

Từ khi nhận được tin mừng bầu bí cho đến lúc chào đón bé yêu ra đời là khoảng thời gian chờ đợi khá dài, do đó, đây cũng là lúc thích hợp để bạn chuẩn bị chu đáo nhằm thích nghi dễ dàng hơn với vai trò của một ông bố tốt trong tương lai bằng các hành động thiết thực sau:

- Ổn định lại cảm xúc. Có thể bạn sẽ thấy cảm giác phấn khích và vui sướng vì sắp được làm cha sẽ mau chóng tan biến để nhường chỗ cho sự lo lắng khi vẻ ngoài của vợ bạn vẫn không thay đổi trong 2 tháng đầu bầu bí. Do đó, để chia sẻ cảm giác với vợ bạn trong giai đoạn này là khá khó khăn, khi cả hai có cảm giác quá khác nhau. Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn tự nhiên, vì 2 cá nhân không thể có cùng cảm xúc chỉ vì có chung 1 đứa con. Cảm giác đồng điệu sẽ dần đến với vợ chồng bạn khi nhìn thấy thân hình của vợ mình bắt đầu thay đổi, và sau này khi cảm nhận được thai nhi cử động thì ý nghĩ có con sẽ trở nên rất thật.

Thông thường, dù gia cảnh thế nào, ở thời điểm này người đàn ông cũng sẽ bắt đầu lo về việc kiếm sống và chuẩn bị nguồn tài chính ổn định cho gia đình. Nhưng dù có gánh nặng  thế nào, bạn cũng không nên có những quyết định vội vàng như thay đổi công việc mới hay tìm cách để thăng chức, vì rất khó để biết bạn có khả năng để duy trì thêm trách nhiệm mới nổi hay không một khi bạn sẽ phải quay cuồng với đủ loại stress lúc bé chào đời. Nên nhớ rằng, người bố tốt cần phải quan tâm và làm nhiều việc hơn là chỉ lo cho cho con về vật chất.

Lần đầu làm cha: Không quá khó - 2

Giao tiếp với bé ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ sẽ giúp bạn hình dung dễ dàng hơn về mối quan hệ thiêng liêng của tình phụ tử, đồng thời là cách thai giáo đầy hiệu quả (hình minh họa)

- Làm quen với bé trước khi sinh. Nói chuyện với bé trong bụng mẹ là cách để bạn kết thân và gắn bó với bé cũng như thấu hiểu cảm xúc của vợ mình tốt hơn. Bắt đầu từ khi thai nhi được 6 tháng tuổi, bé đã có thể nghe được âm thanh bên ngoài, và đây cũng là lúc để bạn giao tiếp với bé. Trên thực tế, bé có thể nghe được giọng trầm của bạn rõ hơn giọng nói của mẹ. Bạn có thể xoa nhẹ bụng mẹ bé và cảm nhận bé cử động; nói chuyện, thì thầm với bé, hôn bé và vỗ về bé qua làn da bụng của vợ; lắng nghe tiếng tim đập của bé bằng cách dùng 1 ống bằng giấy bìa cứng cuốn tròn v.v…

- Tìm hiểu và chia sẻ với khó khăn với vợ. Trong suốt 40 tuần thai nghén, vợ bạn sẽ phải trải qua muôn vàn khó khăn và cả khó chịu về thể chất, tâm lý, do đó, hiểu và chia sẻ những vất vả mà người bạn đời đang gánh chịu sẽ làm cho tình cảm của 2 vợ chồng thêm gắn bó. Hãy dành thời gian để tìm hiểu về quá trình thai nghén qua sách báo, Internet; học các lớp tiền sản dành cho ông bố tương lai và cùng theo vợ tham dự các buổi thuyết trình về sinh nở; trò chuyện, tâm sự với vợ càng nhiều càng tốt trong ngày; phụ giúp cô ấy làm việc nhà và các công việc nặng nhọc khác v.v…

3. Hỗ trợ bà xã tận tình khi sinh

Trong những tuần thai cuối, bạn phải đảm bảo mọi liên lạc giữa 2 vợ chồng luôn thông suốt, luôn bật và nghe điện thoại di động khi vợ gọi đến. Có thể bạn sẽ cảm thấy mình không làm được gì nhiều khi vợ sinh, nhưng việc có mặt bên cạnh để vợ bạn vững tâm hơn trong suốt quá trình chuyển dạ cũng là một khích lệ đáng trân trọng dành cho mẹ con cô ấy. Ngoài ra, nên lưu ý các vấn đề sau trong khoảng thời gian dài vợ bạn vượt cạn:

Lần đầu làm cha: Không quá khó - 3

Đảm bảo luôn bên cạnh vợ trong suốt quá trình chuyển dạ là sự khích lệ và là món quà đáng trân trọng nhất mà bạn dành tặng cho cả 2 mẹ con bé (hình minh họa)

- Dự phòng các tình huống. Việc chuyển dạ không như hoạch định sẽ khiến 2 vợ chồng bạn lo lắng, vì vậy hãy dự phòng các tình huống cấp bách để chủ động hơn khi cần thiết. Trước ngày dự sinh, bạn nên bàn với vợ cách ứng phó của cả hai nếu có các tình huống đặc biệt xảy ra, và phải nắm vững ý muốn của vợ trong mọi tình huống. Tuy nhiên nên biết rằng đây chỉ là những dự trù, và vợ bạn có thể thay đổi ý kiến trong những tình huống thực tế, khi đó nên tìm hiểu kỹ và tôn trọng quyết định của cô ấy vì chỉ có bản thân cô ấy mới biết được mình cần gì nhất hay đau đớn ra sao …

- Giúp đỡ thực tế. Có rất nhiều việc mà bạn có thể giúp vợ mình vượt qua các bất ổn và đau đớn như mang túi nước nóng khi vợ bạn bị đau lưng; 1 khăn lau ướt khi vợ bạn quá nóng hoặc 1 ly nước để cô ấy đỡ khô miệng; tìm tư thế thích hợp và nâng đỡ vợ suốt cơn chuyển dạ để cô ấy đỡ đau, thoải mái hơn; khuyến khích tinh thần và luôn vui vẻ, bình tĩnh ngay cả khi vợ bạn không thể giữ yên lặng do quá đau vì tử cung co thắt dữ dội; ủng hộ quyết định dùng hay không dùng thuốc giảm đau của vợ vì chỉ có cô ấy mới biết ngưỡng chịu đau của mình ở mức độ nào v.v…

- Đối phó với những rủi ro bất ngờ. Sinh nở có thể tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ, và trong trường hợp này, bạn phải tránh hốt hoảng, căng thẳng vì cả 2 mẹ con đang rất trông chờ vào bạn. Nếu có bất cứ điều gì được đề nghị từ e-kip hộ sinh, và bạn biết vợ bạn muốn tránh những đề nghị này thì nên giúp cô ấy kéo dài thời gian cân nhắc trước khi quyết định, ví dụ nếu chuyển dạ chậm, bạn nên khuyên vợ thay đổi vị trí trước khi áp dụng các phương pháp giục sinh. Nếu bác sĩ quyết định phải theo dõi chuyển dạ bằng thiết bị kỹ thuật cao thì bạn không cần quan tâm đến chúng mà nên chăm chú theo dõi vợ để nhận biết những biểu hiện bất thường nếu có v.v…

4. Làm quen với vai trò làm cha đầy bỡ ngỡ

Lần đầu làm cha: Không quá khó - 4

Ngay từ khi bé mới chào đời, hãy áp làn da mỏng manh của bé vào bạn để bé cảm nhận được sự ấm áp, che chở từ cha (hình minh họa)

Ôm con bé bỏng trong vòng tay sau 9 tháng dài mong đợi là thời khắc sung sướng và đáng nhớ nhất của 1 người cha, và đây cũng chính là lúc bạn bắt đầu “thực hành” vai trò mới mẻ, đầy thiêng liêng của tình phụ tử. Hãy bế con kề vào mặt bạn cách khoảng từ 15 – 20 cm để bé có thể nhìn và nghe thấy mùi của bạn; hãy áp làn da mỏng manh của bé vào da bạn để bé cảm nhận được sự ấm áp, che chở từ cha v.v… Đồng thời, đây cũng là lúc bạn cần vượt qua sự phấn khích, mệt mỏi lẫn kiệt sức để chuẩn bị đón mẹ con bé về nhà bằng việc chuẩn bị những thứ cần thiết như tiền thanh toán cho bệnh viện, giỏ, bao nylon đựng các thứ không sạch, dọn dẹp nhà cửa và mua sắm thức ăn cũng như các vật dụng cần thiết khác trong nhà v.v…

5. Cùng vợ chăm sóc bé

Đừng cho rằng việc chăm sóc, tắm rửa cho bé không phải là việc của người cha, bởi ngày nay, các ông bố hiện đại đã san sẻ bớt gánh nặng trong những công việc mà trước đây thường thuộc trách nhiệm của người mẹ như tắm cho bé, đi mua sắm vật dụng gia đình hay kể chuyện cho bé trước khi đi ngủ. Đặc biệt, đối với bé sơ sinh, được cha hay mẹ nuôi nấng đều như nhau, và bé rất cần sự vỗ về, ủ ấm, bảo vệ từ 2 người lớn thân thiết nhất trong nhà là bạn và vợ bạn. Nên nhớ rằng, ngoài việc cho con bú, không có việc gì mẹ làm được mà cha không làm được bạn nhé. Chưa kể sự giúp đỡ tận tình của người cha sẽ tạo mối dây tình phụ tử gắn kết khắng khít với bé, cũng như giúp cho tình cảm vợ chồng keo sơn, vững chắc hơn.

Lần đầu làm cha: Không quá khó - 5

Cùng vợ chăm sóc con sẽ giúp cho tình cảm gia đình thêm bền chặt, và nên nhớ rằng ngoài cho bé bú, không việc gì vợ bạn làm được mà bạn thì không (hình minh họa)

Sau khi sinh, vợ bạn sẽ rất mệt mỏi, đã vậy còn phải thực hiện trách nhiệm chăm sóc, cho con bú v.v… do đó bạn nên dành thời gian để động viên tinh thần cô ấy. Cũng cần biết rằng vào khoảng thời gian nào đó trong tuần đầu tiên sau vượt cạn, có thể vợ bạn sẽ trở nên rất “khó tính khó nết” do mất đột ngột các nội tiết tố khi mang thai cũng như quá lo lắng về những trách nhiệm mới của một người mẹ.

Hãy tận dụng thời gian còn lại rất ít sau giờ làm để đảm đương tất cả các công việc mà bạn có thể làm nhằm giúp đỡ cả 2 mẹ con như thay tã cho bé, thay vợ bạn bế bé, trò chuyện với bé, ru bé ngủ, thậm chí tắm và mặc quần áo cho bé …Để tránh vợ bạn bị kiệt sức và trầm cảm sau sinh, nên thay phiên nhau thức để trông bé khi bé quấy khóc vào ban đêm, đồng thời tránh ngủ 1 mình sẽ làm mất đi tình cảm đậm đà giữa vợ chồng và cha con.

Theo Khám phá



Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.