Phòng sởi: mẹ có thể cho con tiêm mũi nhắc lại dù chưa đến lịch

Trẻ chưa hoặc đã tiêm vaccine sởi, thậm chí vaccine sởi phối hợp mũi thứ nhất đều phải tiêm vét trong đợt này.

Trẻ chưa hoặc đã tiêm vaccine sởi, thậm chí vaccine sởi phối hợp mũi thứ nhất đều phải tiêm vét trong đợt này.

“Bé nhà tôi năm nay hai tuổi, đã chích mũi vaccine phối hợp ngừa sởi - quai bị - rubella (MMR) khi bé tròn một tuổi. Nay trạm y tế phường có gửi thư mời tôi đưa bé lên chích vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Vậy tôi có cần đưa bé đi chích nữa không ạ?” - chị Phạm Thị Tình (phường 15, quận 10) gọi điện thoại tới BV Nhi đồng 2 nhờ tư vấn. Bác sĩ trả lời con chị không cần chích thêm hai mũi sởi đơn theo chương trình TCMR nữa, mà lần chích tiếp theo của con chị là ba năm sau mũi chích đầu tiên. Chị Tình cảm thấy yên tâm vì thắc mắc của mình đã được giải đáp thỏa đáng.

Đã chích rồi vẫn bị nhắc chích nữa

Tuy nhiên, từ khi có “chiến dịch” chích ngừa, chích bù để nhanh chóng dẹp yên được dịch sởi, nhiều bà mẹ có con chích ngừa vaccine MMR vẫn cảm thấy không yên tâm, thậm chí khó hiểu khi hướng dẫn chích ngừa của bệnh viện có vẻ như không khớp với hướng dẫn tại một số trạm y tế.

Đơn cử, anh Dương Hiệp có con ba tuổi và đã từng cho bé chích mũi MMR khi bé được đầy năm theo hướng dẫn của BV Từ Dũ. Tuy vậy, trường mầm non nơi con anh đang học gửi giấy mời đưa bé đi chích vaccine sởi theo chương trình TCMR tại phường An Khánh, quận 2. “Khi tôi thắc mắc với cô giáo là con tôi đã chích đủ các mũi sởi rồi mà vẫn có giấy mời yêu cầu chích sởi nữa thì cô giáo bảo đây là chương trình quốc gia. Phường yêu cầu các bé phải chích thêm, chích bù để tránh bị sót, tránh dịch lây lan” - anh Hiệp kể. Nghe cũng có lý, anh Hiệp liền đưa con đi chích vaccine theo giấy mời với suy nghĩ cho chắc ăn!

Phòng sởi: mẹ có thể cho con tiêm mũi nhắc lại dù chưa đến lịch 1
Trẻ đang được tiêm ngừa vaccine bệnh sởi tại Trạm Y tế phường 11, Gò Vấp (TP.HCM). (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Tương tự, con chị Thu Hương được hai tuổi rưỡi và đã từng chích mũi MMR lúc chín tháng tuổi tại BV Từ Dũ. Theo lịch, đến năm 2015 bé mới phải chích mũi thứ hai. “Sau khi dịch sởi bùng phát, nhà trường nơi con tôi học yêu cầu phụ huynh liệt kê xem bé nào đã chích sởi, bé nào chưa để có hướng xử lý. Tôi đã kê rằng con tôi chích sởi rồi. Thế nhưng một tuần sau tôi vẫn nhận được giấy đề nghị đưa con đi chích ngừa sởi bắt đầu từ mũi 1 theo chương trình TCMR. Thậm chí mấy ngày nay nhân viên trạm y tế liên phường Bình An - Bình Khánh đều điện thoại nhắc tôi đưa bé đến chích ngừa” - chị Hương cho hay.

Chị đã cố giải thích con mình chích rồi nhưng trạm y tế lại cho rằng con chị mới chích có một mũi, giờ dịch sởi đang phát triển nên cần phải chích nữa mới an toàn. “Để chắc chắn, tôi hỏi lại bác sĩ khoa Chích ngừa tại BV Từ Dũ. Các bác sĩ đều có chung câu trả lời bé không cần chích thêm trong thời gian này nữa, mà cứ theo lịch đã ghi sẵn. Tôi nói với phường như vậy nhưng phường cứ khăng khăng, thậm chí còn “hù”: “Quyền lợi của bé, nếu chị không cho bé chích, có bề gì chị tự chịu trách nhiệm” - chị Hương nói.

Phường và bệnh viện đều đúng!

Ngày 17-3, liên quan đến thắc mắc của một số bạn đọc về tiêm ngừa vaccine bệnh sởi cho trẻ, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết theo lịch tiêm ngừa của  chương trình TCMR, trẻ đủ chín tháng tuổi sẽ được tiêm mũi vaccine sởi thứ nhất. Trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc mũi thứ hai.

BS Dũng cho biết tháng 2-2014, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ chín tháng tuổi đến ba tuổi cho 24 quận, huyện. Bên cạnh đó, ngày 17-3, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng vừa ban hành công văn triển khai tiêm vét sởi tại TP.HCM. Theo đó, trẻ từ chín tháng tuổi đến 36 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi thì phải tiêm mũi thứ nhất. “Riêng trẻ từ 18 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi đã tiêm mũi thứ nhất vaccine sởi (hoặc sởi - rubella, hoặc sởi - quai bị - rubella) thì tiêm mũi thứ hai trong đợt này. Lưu ý mũi thứ nhất cách mũi thứ hai (tiêm vét) phải trên một tháng. Do vậy, các trạm y tế phường, xã đề nghị phụ huynh đưa con đến trạm để tiêm vaccine sởi mũi hai là đúng. Thời gian tiêm vét vaccine sởi bắt đầu từ ngày 7-3 đến 29-4” - BS Dũng nói.

BS Dũng cho biết thêm cũng theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trẻ tiêm mũi thứ nhất trong đợt này sẽ tiếp tục tiêm mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi theo lịch tiêm chủng và những trẻ còn lại sẽ được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi - rubella từ quý IV-2014 đến 2015 (phải đảm bảo thời gian tối thiểu giữa mũi thứ nhất và mũi thứ hai ít nhất là một tháng).

Tư vấn của các bệnh viện về các loại vaccine dịch vụ (vaccine ba trong một: sởi - quai bị - rubella) theo hướng dẫn của nhà sản xuất là không sai, phù hợp với tình hình không có dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, do tình hình hiện nay đang xảy ra dịch bệnh sởi nên cần thực hiện theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. “Do đó, hôm nay Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM sẽ có công văn triển khai hướng dẫn nêu trên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện tiêm vét vaccine sởi trong đợt này gửi đến các bệnh viện, phòng khám đa khoa, trung tâm y tế dự phòng quận-huyện, trạm y tế phường-xã để giải thích, tư vấn cùng nội dung cho phụ huynh hiểu và cùng hợp tác với ngành y tế trong phòng, chống bệnh sởi” - BS Dũng cho biết thêm.


 Không ảnh hưởng sức khỏe của trẻ

Đang mùa dịch, TP khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi chích trong đợt này cho bé đủ hai mũi miễn dịch. Trong trường hợp trẻ đã chích mũi thứ nhất, phụ huynh muốn để trẻ ba năm sau chích mũi thứ hai (theo lịch) là quyền của phụ huynh, tuy nhiên nếu trẻ có miễn dịch yếu thì trẻ sẽ dễ bị lây bệnh trong mùa dịch.

Việc chích “đúp” hai mũi cách nhau hơn một tháng, một khi đã được cơ quan y tế khuyến cáo thì sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ.

BS NGUYỄN TRÍ DŨNG, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Theo Pháp luật TPHCM


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.