Sức khỏe tâm thần của trẻ bị bạo hành: Di chứng quá nặng nề

"Không một lý do gì, không một luận thuyết nào dẫn đến việc bạo hành trẻ được phép chấp nhận trong thời đại ngày nay"

"Không một lý do gì, không một luận thuyết nào dẫn đến việc bạo hành trẻ được phép chấp nhận trong thời đại ngày nay"

Đó là câu mở đầu và cũng là câu được nhắc lại nhiều lần trong suốt cuộc chuyện trò với phóng viên TS của giáo sư Nguyễn Viết Thiêm - Phó chủ tịch Hội Tâm thần Học Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn tâm thần trường Đại học Y Hà Nội.

Gần đây liên tục có những vụ bạo hành trẻ em được phát hiện và đưa ra công luận. Là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, xin giáo sư cho biết những tác hại của hành vi bạo hành đối với tinh thần và sức khỏe trẻ em?

Trước hết, cần khẳng định, bạo hành trẻ em dù dưới bất kỳ hình thức nào, dù với lý do gì và theo luận thuyết nào đều không thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay.

Bạo hành trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của trẻ hoặc nguy hại hơn, khiến trẻ có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Bạo hành cũng làm trẻ không thể phát triển về thể chất một cách bình thường. Trẻ có thể trở nên còi cọc, chậm lớn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nước da tái, môi nhợt nhạt, ánh mắt đờ đẫn bạc nhược hoặc hung dữ… Khi những bệnh nhân được điều trị có hiệu quả, nước da của họ đều trở nên đẹp hơn, ánh mắt trong sáng hơn…

Sức khỏe tâm thần của trẻ bị bạo hành: Di chứng quá nặng nề

GS Nguyễn Viết Thiêm: "Bạo hành trẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ"

Bạo hành cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Sức khỏe tâm thần tốt là sự thoải mái, không lo lắng, là cảm giác được hưởng thụ cuộc sống. Sức khỏe tâm thần tốt cũng biểu hiện qua những hành vi, ứng xử hợp lý. Bệnh về sức khỏe tâm thần không phải chỉ là biểu hiện điên loạn, có những hành vi hoang tưởng, ảo giác…

Khi bị bạo hành, có hai phản ứng ở trẻ thường xảy ra. Nếu biểu hiện ra bên ngoài, trẻ có thể thay đổi tính nết. Đang hiền lành, trẻ bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí đánh đập người khác hoặc độc ác với thú vật. Loại thứ hai là cách phản ứng thu mình lại. Trẻ trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt.

Tuy nhiên, điều đặc biệt lưu ý là việc bạo hành trẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Tất cả những hành động như đánh đập, vùi dập, khủng bố, làm nhục đều khiến đứa trẻ thiếu tự tin, rụt rẻ, luôn trong trạng thái thảng thốt. Bị bạo hành, trẻ dần dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình khi mà trong cuộc sống có biết bao điều cần khẳng định bản thân mỗi người. Thử thách trong cuộc sống là rất nhiều.

Riêng học tập cũng đã là một chuỗi thử thách nặng nề. Nếu suốt ngày bị đánh đập, chửi bới, nhiếc móc, chắc chắn trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn tinh thần. Một đứa trẻ không được yêu thương, làm sao biết yêu thương? Một đứa trẻ chịu sự giáo dục bằng roi vọt dễ có hành vi độc ác khi trưởng thành. Biểu hiện lúc nhỏ của trẻ có thể đơn giản là hung bạo, hay cáu gắt, khó tính, nhưng khi lớn lên, trẻ có thể trở thành một con người cục cằn, lỗ mãng và độc ác. Sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình.

Không mấy khi các nhà tâm thần học nối được, liên kết được quá khứ của người bệnh với hiện tại, nhất là ở Việt Nam, việc quan tâm đến quá khứ dài của người bệnh chưa được thực hiện đúng mức. Tuy nhiên, khi khám bệnh, tiền sử của những người bệnh cũng đều được các bác sĩ hỏi đến. Những sai lệch trong giáo dục thời thơ ấu chắc chắn là ảnh hưởng đến tâm thần cũng như tâm lý trong suốt cuộc đời người bệnh.

Bạo hành cũng ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai của trẻ. Trước hết, những cách giáo dục phản giáo dục, giáo dục sai phương pháp là một tác nhân quan trọng khiến trẻ không thích đến trường, không thích đi học. Khi không thích học, trẻ không thể tiếp thu kiến thức. Điều này rất tai hại. Học kém, bị điểm thấp, bị trách phạt từ gia đình đến nhà trường, trẻ trở nên kém tự tin, dần dẫn đến u lì, mụ mị đầu óc, dễ bị những cám dỗ bên ngoài ảnh hưởng đến như: Kết bè đảng với những đứa trẻ giống mình, bỏ nhà đi lang thang, hút thuốc lá, thậm chí nghiện ma túy. Một điều mà các bậc phụ huynh nên lưu ý: Hút thuốc khi còn ở tuổi vị thành niên cũng là một biểu hiện rối loạn hành vi. Càng bị trách phạt, trẻ càng có nguy cơ rối loạn hành vi nhiều hơn. Chỉ một cái tát của cô giáo đôi khi cũng là một vết thương khó phai mờ trong tâm trí của trẻ, khiến trẻ trở nên tự ti. Cá biệt có trường hợp còn làm thay đổi cả tính cách của một con người.

Một tác hại cũng không thể không nhắc tới, đó là việc bạo hành, làm nhục có thể khiến trẻ trở nên mất lòng tự trọng. Khi liên tục bị đánh đập, hành hạ hoặc bị làm nhục dưới mọi hình thức, trẻ trở nên mất lòng tự trọng, lì lợm, ngang bướng, và không còn coi chuyện vi phạm lỗi là quan trọng. Trẻ sẵn sàng không tôn trọng người khác nơi công cộng, có những hành vi mà người có lòng tự trọng không bao giờ làm. Trẻ cũng trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.

Những hành vi nào được coi là bạo hành đối với trẻ?

Bạo hành trẻ bao gồm nhiều hành vi. Có thể là những hành vi trực tiếp gây tổn hại đến thân thể trẻ như: Đánh đập lên thân thể, bắt quỳ, úp mặt vào tường, nhịn ăn, chửi mắng, miệt thị, khinh rẻ, chê bai. Bạo hành cũng có thể là bắt trẻ chứng kiến sự bạo hành người khác như: Cha mẹ đánh nhau, chửi nhau, người lớn đánh trẻ em, hành hạ súc vật trước mắt trẻ… Tất cả những gì diễn ra trong quãng đời thơ ấu của trẻ, chúng ta tưởng như nó trôi qua nhưng đều để lại những dấu ấn khó phai trong tâm trí trẻ. Khi trưởng thành, những điều này sẽ rất dễ lặp lại. Một người từng bị bạo hành khi còn nhỏ dễ lặp lại sự bạo hành đối với thế hệ sau. Như vậy, trong một chừng mực nào đó, bạo hành có thể tạo ra nhiều thế hệ nạn nhân.

Bạo hành có thể xuất phát từ hành vi của người thiếu đạo đức và độc ác, nhưng phần nhiều, bạo hành xuất phát từ sự sai lầm của nhận thức. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” đã được nhiều người giữ trẻ áp dụng, đôi khi còn được chính những bậc cha mẹ đồng tình trong một giới hạn nào đó. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại, dù với bất cứ lý do gì, với mức độ nào, với luận thuyết nào, bạo hành là hành vi giáo dục sai lầm, là cách giáo dục thất bại.

Để thay đổi nhận thức này, chúng ta cần phải làm gì?

Trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu mọi người biết được tác hại cực kỳ to lớn của nạn bạo hành và những gì có thể coi là bạo hành trẻ thì mọi người sẽ biết phải làm gì để tránh những điều này.

Đối với trẻ, điều quan trọng nhất là được sống trong một môi trường lành mạnh, được yêu thương, được tôn trọng và được coi học hành là một sự hưởng thụ. Hãy để các hành vi bạo hành trẻ, dù ở mức độ nào, cũng bị lên án. Việc đưa những hình ảnh trẻ bị bạo hành tại nhà trẻ tư nhân vừa qua lên T.V quả thật là một điều gây sốc trong dư luận.

Tuy nhiên, điều này cũng góp phần cảnh tỉnh nhiều người, từ các bậc phụ huynh cho đến những nhà quản lý. Những nhà trẻ tư không được cấp phép với những người nuôi dạy trẻ không có trình độ, cũng chưa hề được kiểm tra về nhân cách nhất định phải loại bỏ. Việc gửi các cháu ở đâu thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý. Ở đâu có trẻ em, ở đó phải có nhà trẻ. Bộ Giáo dục đã quan tâm rất nhiều đến chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, nhưng theo tôi, cấp học cần được quan tâm nhất chính là cấp học mầm non. Đây là nơi đầu tiên trẻ học cách sống cuộc sống tập thể, nơi hình thành cho trẻ một nhân cách sống giữa cộng đồng. Nơi đây, trẻ phải nhận được sự yêu thương, chia sẻ để trẻ có thể lớn lên biết chia sẻ, yêu thương và sống vị tha, đầy lòng nhân ái. Và vì vậy, việc tuyển chọn, đào tạo giáo viên mầm non là điều đặc biệt quan trọng.

Trong vụ bạo hành trẻ vừa được phát hiện tại Đồng Nai vừa qua, có một cháu bé được mẹ cho là đã có biểu hiện của sự rối nhiễu hành vi. Xin giáo sư cho một lời khuyên, đối với những trẻ này, điều gia đình cần làm ngay là gì?

Theo tôi, với những trường hợp như thế này, điều cần tránh đầu tiên là ngay lập tức không cho trẻ tiếp tục đến những cơ sở đó. Tuy nhiên, cũng không nên đưa trẻ đến bác sĩ, nhất là đến bệnh viện. Điều này khiến trẻ rơi từ cảm giác sợ hãi này đến cảm giác sợ hãi khác bởi trẻ luôn sợ bác sĩ. Được gia đình yêu thương, che chở, tránh xa môi trường độc hại đã là một liều thuốc quý đối với trẻ. Dần dần, trẻ sẽ trở nên yên tâm và bình tĩnh trở lại. Nếu cảm thấy còn lo lắng hoặc các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ có thể đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý “không mặc đồng phục bác sĩ” để có được những lời khuyên cho từng trường hợp cụ thể.

Xin cảm ơn giáo sư!

Theo VnMedia



Cách nấu súp gà ngô bổ dưỡng, đơn giản tại nhà
Súp gà ngô là món ăn yêu thích của nhiều gia đình. Nguyên liệu và cách nấu súp gà ngô cũng không quá phức tạp. Cùng VietNamNet tìm hiểu cách nấu súp gà ngô bổ dưỡng, đơn giản tại nhà nhé.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.