'Cậy' nổi tiếng lộng ngôn trên mạng xã hội: Đừng tự vơ mình là nghệ sĩ

Loạt bài về sự lộng ngôn trên mạng xã hội của người nổi tiếng đang tạo được sự quan tâm từ độc giả báo điện tử VietNamNet. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm bình luận được gửi về toà soạn với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

"Ảo tưởng sức mạnh" nên lộng ngôn "thả phanh"?

Đây là nhận định của không ít độc giả khi chia sẻ bình luận trên VietNamNet sau loạt bài diễn đàn Vì sao người nổi tiếng lộng ngôn trên mạng xã hội?Nghệ sĩ học nói, học viết... rồi hãy học 'hát'! và Trác Thúy Miêu nên xin lỗi trước khi bị xử phạt được đăng liên tiếp những ngày qua.

Độc giả V. Nam cho rằng người nổi tiếng tự cho mình quyền hành xử khác người cũng bởi sự dễ dãi từ công chúng: "Nói chung là sự dễ dãi của công chúng, của khán giá mới ra nông nỗi này. Lăng-xê quá nhiều gương mặt không có gì là xuất sắc, những người cả tiếng Việt không nói rõ cũng làm MC, hát hò thì như đấm vào lỗ tai cũng là ca sĩ".

Trong khi đó, độc giả Đoàn Hà chia sẻ một góc nhìn rất đáng suy ngẫm về sự lộng ngôn và cách hành xử của người nổi tiếng: "Vì họ có tiền, không bị ràng buộc bởi chuẩn mực xã hội và được tung hô như những người hùng. Nhưng thử hỏi họ đã có những đóng góp gì cho sự phát triển của xã hội? Đừng nghĩ trong thời gian vừa qua họ đứng ra quyên góp tiền của mọi người để ủng hộ nơi này nơi kia là họ có tấm lòng. Ghi nhận những tấm lòng hảo tâm nhưng cũng rất nhiều kẻ lợi dụng lòng tốt của mọi người để đánh bóng tên tuổi. Mong mọi người tỉnh táo để nhận diện những kẻ cơ hội, mưu cầu lợi ích cho cá nhân".

Bạn Hải Minh thì cho rằng văn hoá sống thấp, khó giữ sự nổi tiếng: "Người hát, người diễn đông người nghe, người xem là vì họ có thị trường. Có những người hát dở ẹt, diễn nhố nhăng nhưng được nhiều người ưa thích, nổi tiếng vì lượng khán, thính giả có thị hiếu thấp kém đông đảo. Vùng trũng văn hoá thì phần đông thích nghệ sĩ nhố nhăng, loè loẹt. Vùng văn hoá cao thì thích nghệ sĩ có giá trị. Dân trí nào thì có nghệ sĩ nấy. Bao giờ dân trí được nâng lên, đồng đều thì tự nhiên mấy chuyện nghệ sĩ ăn nói bậy bạ sẽ tự động giảm đi. Văn hoá sống thấp người ta coi thường, có thèm nghe, thèm coi đâu mà nổi tiếng".

Học nói, học viết... rồi hãy học "hát"!

Không giấu diếm nổi sự thất vọng trong từng suy nghĩ, độc giả Đoàn Hà chán ngán: "Một kẻ có học họ có thừa nhận thức thế nào là đúng, thế nào là sai. Cái họ thiếu là cách ứng xử có văn hóa. Tôi thất vọng vì những con người như thế này".

Còn độc giả Vũ Văn Xứng lại cho rằng nữ MC đang gây xôn xao dư luận cần xem lại cách làm người của công chúng: "Những ngôi sao tự xưng thường cho mình cái quyền phán quyết người khác một cách độc địa. Tôi nghĩ Trác Thuý Miêu không phải là con người như vậy nhưng qua những hành vi gần đây và phát ngôn về đoàn tình nguyện Đại học Y tế Hải Dương thì có lẽ trước khi trở thành người của công chúng và ngôi sao cần phải học thêm cách làm ngôi sao và cách làm người của công chúng".

Cậy nổi tiếng lộng ngôn trên mạng xã hội: Đừng tự vơ mình là nghệ sĩ-1
Trác Thúy Miêu khoan bàn có phải nghệ sĩ hay không thì vẫn là người nổi tiếng, thường xuất hiện trên truyền hình và có sức ảnh hưởng nhất định.

Trong bài viết Trác Thuý Miêu nên xin lỗi trước khi bị xử phạt của độc giả Như Tuyết có đoạn "Ở nước ngoài, nhiều ngôi sao đang trên đà nổi tiếng đã tuột dốc không phanh, đánh mất sự nghiệp do những phát ngôn không đáng có" và sau đó rất ra nhiều ví dụ về các trường hợp bị khán giả phản ứng nặng nề tại showbiz thế giới.

Bạn Trần Bí nhận định, ngoài năng khiếu, tất cả đều cần học nói, học viết chỉn chu: "Nghệ sĩ học nói, học viết... rồi hãy học "hát", hay! Ngoài lĩnh vực này cũng cần mở rộng ra lĩnh vực thể dục thể thao, khi đào tạo các em cần cho các em học ít nhất THPT kể cả những em xuất chúng có năng khiếu lấy vào thi đấu ngay cũng rất cần giáo dục các em nên người".

Xử phạt... tránh "bổn cũ soạn lại" nhiều tập?

Bach Duong là một trong những độc giả mạnh mẽ cho rằng nên có chế tài xử phạt để tránh những phát ngô bữa bãi, thiếu văn hoá từ các cá nhân được phong "người của công chúng": "Một cá thể bình thường trong xã hội khi phát ngôn cũng cần phải suy nghĩ, cha ông thường răn "Uốn lưỡi 3 lần trước lúc nói". Những người của công chúng khi nói cần suy nghĩ uốn lưỡi 5 lần. Những phát ngôn trước hết phải cân nhắc ở góc độ văn hóa. Nên có hình thức xử phạt nghiêm minh, để trong xã hội không có những phát ngôn bừa bãi, thiếu văn hóa".

Trong khi đó, bạn Văn Mạnh lại khẳng định các cơ quan quản lý văn hóa không thể né tránh trách nhiệm: "Để những ca sĩ rởm như vậy là lỗi của quản lý văn hoá. Đồng tình với tác giả và nhấn mạnh việc chế tài. Khi mọi giải pháp khác ít tác dụng thì chế tài cực kỳ quan trọng. "Mọi sự tự giác đều bắt nguồn từ không tự giác", hãy xây dựng các quy định, chế tài thật mạnh, thậm chí cả cấm vĩnh viễn hoạt động nghệ thuật. Còn phạt 5 triệu, 10 triệu hay 100 triệu không là gì so với ảnh hưởng đến công chúng và môi trường văn hóa!".

Theo độc giả Vien Nguyen Van, các nhà quản lý ngành văn hoá cần phải có chế tài sớm: "Nghệ sĩ hay người hoạt động văn hóa có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của lớp trẻ. Chính vì vậy, các nhà quản lý ngành văn hoá cần phải có chế tài và quy định sao cho xã hội gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá riêng của dân tộc Việt Nam là điều rất cần lúc này".

Cậy nổi tiếng lộng ngôn trên mạng xã hội: Đừng tự vơ mình là nghệ sĩ-2
Lê Dương Bảo Lâm nổi tiếng từ cuộc thi truyền hình rồi lấy danh tiếng để bán hàng online. Anh "thiên biến vạn hóa" trong mỗi livestream.

Tán đồng quan điểm này, bạn Nguyễn Hoàng chia sẻ về chuyện ai cũng có thể khoác lên mình danh xưng nghệ sĩ khi không biết tài năng cao rộng tới đâu: "Đã tới lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành quy định rõ việc ai là người đủ điều kiện được khoác lên mình danh xưng "nghệ sĩ" để tránh việc lạm dụng, tự vơ vào mình danh xưng này một cách vô tội vạ như hiện nay. Trong khi, bản thân người đó chưa hoặc có rất ít sự đóng góp cho ngành nghệ thuật nước nhà.

Phải chấm dứt ngay tình trạng một cô chuyên cởi đồ khoe thân, hình ảnh luôn gắn với các bộ đồ lót, ái tình thì "ông - con" cũng nghiễm nhiên là nghệ sĩ; thánh chửi tục, nói xàm xí trên mạng xã hội hàng ngày cũng là nghệ sĩ; không khó bắt gặp các cô, cậu choai choai nhăng nhít trên một vài gameshow, đóng vài ba tiểu phẩm hài phải tự thọc lét vẫn cười không nổi, hát bài hát người nghe chẳng thể nào hiểu nổi lời bài hát nói gì... cùng vô vàn trường hợp cá biệt khác. Tất cả ngang nhiên khoác lên mình danh xưng nghệ sĩ".

Bạn Hữu Diên Đỗ cũng cho rằng nên sàng lọc giới nghệ sĩ: "Các "nghệ sĩ" họ đã bị danh xưng mỹ miều được tụng ca coi là thật nên đôi khi nói 'tục' cho ra dáng. Đấy không phải là nghệ sĩ chân chính mà chỉ là nghệ sĩ rởm mà thôi. Cái gì cũng cần phải sàng, lọc. Ngọc, ngà còn phải mài dũa nữa là con người. Lâu nay ta quên công cụ đấu tranh giáo dục con người ngày xưa rồi!".

Người hâm mộ và công chúng luôn mong muốn hình ảnh người nghệ sĩ mình yêu mến hoàn hảo và đẹp đẽ nhất. Nhưng để tình yêu ấy không thay đổi, chính người nghệ sĩ - người nổi tiếng cũng phải biết sống trọn vẹn với người hâm mộ.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/the-gioi-sao/khong-the-tuy-tien-gan-mac-nghe-si-de-long-ngon-tren-mang-xa-hoi-757164.html?fbclid=IwAR1stDSaE6BVR_2ChySjwCaGzt1M78ZMm5GFQ_TEATiuE36L7hjfR42yTow

Trác Thúy Miêu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.