Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Mạng thì ảo mà nỗi đau thì thật

Tóc ngắn và đeo kính, thong dong thả bộ trên những con phố nhỏ giăng giăng người xe của Hà Nội, trông nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát nhàn tản như mọi công chức về hưu đang vui cảnh điền viên, thái bình.

Đằng sau cái vẻ thư thái xênh xang ấy, cuộc sống của người đàn bà một thời xinh đẹp, một thời đa đoan lại luôn ồn ã những công việc, xấc bấc xang bang với đủ mọi lo toan ngược xuôi tháo vát…

Không cho mình ngơi nghỉ, chị Ngát sấp ngửa lao vào những dự án phim, đối mặt với những kịch bản đong đầy ký ức và cũng buộc mình phải chịu áp lực cả trong những thị phi điều tiếng đôi khi từ quá khứ xa xăm vọng về…

1. Phim "Nhìn ra biển cả" đang vào giai đoạn nước rút. Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam mà nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đương kim Giám đốc vừa phát thông báo tuyển diễn viên vào vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Một nam sinh tuổi từ 18 đến 22, đẹp trai thanh thoát, mắt sáng trán cao, thần thái giống Bác Hồ ngày trẻ là điều đoàn phim mòn mỏi ngóng chờ. Cuộc sống ngày một khấm khá, diễn viên các đoàn nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc, 20 tuổi đã dấu hiệu bụng bia, dáng đi bệ vệ, đâm ra tìm được người trẻ mà gầy gầy mảnh khảnh cũng chẳng phải dễ dàng gì. Nhưng khó cách mấy đoàn phim vẫn quyết phải đợi cho kỳ thấy mới thôi.

Làm phim về Bác Hồ là nguyện ước cả đời của Nguyễn Thị Hồng Ngát. Những ngày còn đương chức Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, tối tăm mặt mũi với bộn bề sự vụ, chị Ngát chẳng thể dành ra được khoảng lặng thời gian để lắng lòng đeo đuổi đam mê của riêng mình. Đến khi tới buổi, chia tay gian phòng gắn bó bấy lâu ở 147 Hoàng Hoa Thám, quay trở lại mái nhà Hội Điện ảnh 51 Trần Hưng Đạo đảm trách cương vị Giám đốc Hodafilm, chị Ngát mới lại tính ngày tính tháng bắt tay vào nghiền ngẫm kịch bản "Nhìn ra biển cả" về những năm tháng chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành chớm tuổi đôi mươi, lưu lạc từ Huế vào Phan Thiết dạy học tại ngôi trường Dục Thanh nổi tiếng. Bộ phim được Nhà nước đặt hàng với kinh phí ra tấm ra món, dự kiến sẽ trình chiếu vào dịp 19/5 sang năm, đúng kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ.

Ẩn tuổi Canh Dần, sinh năm 1950, tử vi nói quý bà tuổi này cuộc sống bao trùm những biến động, một tay gây dựng sự nghiệp, năng nổ, lại giỏi tính toán, dễ nắm bắt thời cơ, ít chịu an phận…, những điều này xem ra ứng đúng với cuộc đời chị Ngát. Ham làm ham hoạt động, bấy nhiêu năm vẫn một giọng nói nguyên chất đào chèo âm vực cao lảnh lót, vẫn cái tất tưởi của người khó lòng ngồi yên một chỗ, chị Ngát đã kéo được rất nhiều dự án tiền tỷ về cho hãng Hodafilm. Công việc theo cái guồng bận rộn, tháng ngày tiếp nối bằng liên tiếp những chuyến đi, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã được trở về con người nguyên nghĩa bấy lâu nay: Đắm chìm trong công việc, công việc và công việc…

2. Cứ mải mốt ngược xuôi trên những dặm dài hút mắt, một ngày trở về góc nhỏ bình yên, chưa kịp thảnh thơi đầu óc chị Ngát đã được chồng, nhà văn Phan Hồng Giang mở mạng cho đọc: Đây, trang web cá nhân của nhà văn này có bài nhắc "tội" em. Tò mò lướt qua, lúc đầu là ngạc nhiên rồi buồn và ấm ức. Thời gian, ngoắt cái đã suýt soát 20 năm. 20 năm, đủ cho một thế hệ lớn lên, trưởng thành, sắp đặt công danh, và cũng kịp để những con người từng trải già đi, cội cằn theo tuổi tác. Lần hồi ngoái về quá khứ, cận kề 20 năm trước, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát được Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam đưa cho tờ báo Tiền phong chủ nhật trang cuối có cái truyện vụ án đầy tình tiết xi nê đề nghị chuyển tải thành phim.

Truyện dài hay ngắn gì chị Ngát cũng đã lãng quên, chỉ chắc chắn lưu trong đầu mình một cái tứ hấp dẫn: Nữ sinh viên hoàn cảnh đưa đẩy phải bỏ học rơi vào tay Sở Khanh, bị chồng hờ lái xe đường dài thua bạc gán vợ. Thế mà cũng thành được kịch bản hoành tráng "Canh bạc" cho đạo diễn Lưu Trọng Ninh vừa tốt nghiệp làm bộ phim đầu tay khá là đình đám. Phim chiếu rồi, gây tiếng vang lớn rồi, biên kịch và đạo diễn mới biết cái ý tưởng khởi thủy của phim có xuất xứ từ truyện vụ án của nhà văn Nguyễn Thành Phong. Rồi đạo diễn cùng biên kịch gặp nhà văn, cảm ơn và xin lỗi vì đã không đưa tên nhà văn lên "generic", không trả nhuận bút cũng như không có đôi lời trước lúc chuyển thể thành phim.

Thời ấy, cách nay chưa đầy 20 năm nhưng đã thuộc về thế kỷ trước, ứng xử giữa nghệ sỹ với nhau còn hồn nhiên và chân chất. Đấy chỉ là những quan hệ thuần túy tình cảm mà chưa hề có khái niệm dân sự chen vào để lo toan cân nhắc đến chuyện bản quyền tác quyền tiền tài và danh lợi. Anh lấy của tôi cái "tứ" này, tôi lại cho người khác "đôi câu đôi chữ" kia, cứ xuê xoa xuề xòa không tính đếm. Tác phẩm của mình cách này hay cách khác, có nhiều người hưởng ứng là rưng rưng mãn nguyện lắm rồi. Ai nảy sinh thắc mắc thì gặp nhau rồi cười một cái là xong.

Chị Ngát bảo nhà văn Nguyễn Thành Phong cũng là người nặng tình, thấy cái vụ án của mình có thế mà mọi người làm được ra bộ phim ầm ĩ là ngấm ngầm vui và hãnh diện lắm rồi. Chữ "tình" và "cả nể" được đặt lên trên mọi quan hệ, đồng nghiệp bạn bè cứ thế mà nương nhau, không đao to búa lớn hay lời qua tiếng lại gì để rồi lại thành những vết sẹo lâu liền trong những tâm hồn nghệ sỹ mong manh nhạy cảm.

Chị Ngát buồn rầu chuyện tưởng 20 năm qua không ai còn lấn cấn buồn vui gì nữa. Chẳng ngờ trong cái bài ký bạn văn 28 dựng chân dung nhà văn Nguyễn Thành Phong trên một blog cá nhân lại quay về chi tiết cũ, xoáy cái chuyện biên kịch đạo diễn đã quên tên Nguyễn Thành Phong, quên cả tiền cát xê và gì gì nữa. Đọc xong mấy dòng ngắn ngủi ấy, chị Ngát đắng lòng. Người ta đã lấy cái hệ quy chiếu đương thời mà soi lại ngày cũ, khiến nhà thơ không thể dửng dưng. Những nhân vật thành danh tiếng tăm trên văn đàn ngày hôm nay 20 năm trước kia còn chưa được mấy ai biết tới. Thuở "tấm cám" con người nặng lòng vị tha và dễ thể tất cho nhau hơn nhiều.

Chị Ngát tiếc rẻ giá như mình bình tĩnh hơn, kiềm chế hơn, không nóng vội comment vài câu đằng sau cái entry đã được link sang những trang web khác. Thời gian ngùn ngụt, những chi tiết kiểu như truyện vụ án hay mẩu "rao vặt" tình thực chị Ngát đúng là "quên quên nhớ nhớ". 20 năm, hỏi hồi ấy yêu ai, phải lòng ai có khi vắt óc cũng chẳng thể mường tượng được ra tên ra khuôn mặt, huống hồ là những phần việc đã khép lại chìm khuất dưới lớp bụi lãng quên.

Nhưng cái lẫn cẫn nghệ sỹ ấy lại khiến chị thành ra làm tâm điểm cho bao lời chỉ trích có tên và không tên trên cộng đồng mạng những ngày qua. Chị Ngát bây giờ vẫn ghi công của nhà văn Nguyễn Thành Phong, vẫn cảm ơn nhà văn vì nếu không có cái "truyện vụ án" hay là mẩu tin ấy, đã không thể có khởi đầu cho phim "Canh bạc" được thai nghén để chào đời.

Mạng thì ảo mà nỗi đau thì thật. Cũng chả có gì phải bận lòng nhưng buồn thì cũng cứ buồn thôi. Làm trăm nghìn điều tốt đẹp luôn bị (được) coi là lẽ đương nhiên. Nhưng sơ sểnh một chút là thành nạn nhân ngay tắp lự. Năm 2000, tân Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát lôi "Đời cát" của nhà văn Nguyễn Quang Lập từ trong ngăn tủ bị "gác lại" ra ngoài ánh sáng, kiên quyết bảo vệ để kịch bản được đưa vào sản xuất phim.

"Đời cát" những tưởng đã thành phim truyền hình chiếu vèo cái xong trên Văn nghệ chủ nhật của VTV3 những năm một chín chín mấy, cuối cùng đã thành công mỹ mãn khi giành giải phim xuất sắc nhất Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương năm 2000. Công ấy là của Nguyễn Thanh Vân và Nguyễn Quang Lập. Chị Ngát chỉ lẳng lặng đứng nhìn đạo diễn và tác giả kịch bản sóng đôi ôm hoa nhận lời chúc tụng hết ở cuộc vui này đến dịp gặp mặt khác, riêng bà giám đốc quyết đoán thì bị người ta quên cũng là lẽ thường tình.

Quên cho còn là tốt, có khi còn "gặt hái" được những điều ngược lại nữa. Nhưng, nói cho cùng những điều đó hoàn toàn là vụn vặt, quan trọng là điện ảnh Việt Nam đã có một phim thật hay để mà nhớ, để mà thi thoảng lại lôi ra khoe và tán tụng với nhau.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, người đàn bà tưởng như cứng rắn, va đập quá nhiều trong cuộc sống này cũng không khỏi có lúc chạnh lòng khi nghĩ về "bạn văn", bạn nghề, day dứt với nỗi đau mà người ta cứ vô tình gieo cho nhau trong cuộc sống này. Cách tốt nhất để phòng vệ, để giữ được cho mình sự tĩnh tại và bình yên, là không ngó nghiêng xem đọc gì mấy thứ trên mạng cá nhân ấy nữa… Chả nhẽ, bạn văn bây giờ cũng phải dè chừng và cảnh giác với nhau đến thế hay sao?

Theo Ngô Hương Sen



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.