Chọn sách cho con: Không thể lơ là
Khi các nhà chức năng chưa thể kiểm duyệt hết được các ấn phẩm giáo dục, mỗi phụ huynh hãy là những cha mẹ thông thái khi chọn sách cho con.
Câu chuyện Thánh Gióng tắm hồ vừa mới tạm lắng xuống thì chuyện Thạch Sanh được mẹ nhường khố lại xuất hiện khiến dư luận không khỏi bức xúc vì cho rằng những chi tiết được “cải biên” không phù hợp và ảnh hưởng không tốt tới thiếu nhi. Nhiều phụ huynh cũng giật mình: Có lẽ phải xem xét cẩn thận trước khi cho con đọc một cuốn sách.
Sách “sai” tràn lan: Phụ huynh nên chọn thế nào?
Thực tế cho thấy, không chỉ là sách giải trí, truyện đọc… mà trên thị trường hiện cũng đang “loạn” các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nâng cao... Cùng một loại sách có nhiều tác giả viết, nhiều nhà xuất bản khác nhau nhưng nội dung thì na ná giống nhau. Ngoài ra, còn có những đầu sách lậu, sách in chui chưa qua kiểm duyệt cũng được bày bán và nội dung thì sai lệch hoặc bị cắt gọt vô tội vạ…
Có thể nhiều phụ huynh biết được điều này nhưng vì cuộc sống và công việc bận rộn nên chưa chú trọng đến việc chọn sách cho con.
Chị Sâm Nguyễn, Hà Nội thốt lên trên trang FB cá nhân: “Phải rà soát lại sách, truyện của con thôi các mẹ ạ, không ngờ tên sách và nhà xuất bản này cũng tệ hại như thế?? Sách văn học truyện cổ tích giờ cũng cần sáng tác dị bản để câu khách, tình tiết gây cười như Doremon, để trẻ con đọc là cười ré lên...Thật là giá trị đảo lộn!”. Rất nhiều ý kiến đồng tình cho rằng phải đọc kiểm duyệt trước khi mua sách hoặc đọc sách của con trước rồi mới cho con đọc hoặc đọc cho con nghe.
Từ điển giải thích khái niệm bồ bịch một cách sai lệch
Chọn sách cho con không hề dễ và rất mất thời gian. Tuy nhiên, chọn sách cũng có thể dựa vào một số tiêu chí. Dưới đây là chia sẻ của một số độc giả về kinh nghiệm chọn sách cho con.
Chọn sách dựa vào NXB, tác giả và lời khuyên của giáo viên
Anh Dũng (Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 5 chia sẻ: Sách giáo khoa thì trước tiên phải mua theo danh mục sách bắt buộc do Bộ Giáo dục quy định để phục vụ việc học trên lớp và ở nhà hàng ngày. Còn khi mua sách tham khảo, tôi thường xem rất kỹ xem sách là của NXB nào, tác giả nào và sẽ ưu tiên chọn sách của NXB và tác giả có uy tín.
Chị Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại cho rằng việc chọn sách dựa vào tên NXB chưa chắc đã chính xác. Theo chị, hiện nay, nhiều công ty sách tư nhân liên kết với NXB để xuất bản sách. NXB chỉ đứng tên còn các công đoạn biên soạn, biên tập nội dung sách do công ty sách thực hiện. Do đó, khi chọn sách cần xem cả công ty liên kết xuất bản có phải là công ty uy tín không. Cẩn thận hơn thì phụ huynh nên đọc qua để cảm nhận bằng kinh nghiệm của mình xem sách có phù hợp với con mình hay không.
Chị Hồng Nam (Hà Nam) có hai con (một bé học mẫu giáo, một bé học lớp 3 cho biết chị thường tham khảo ý kiến của cô giáo và các phụ huynh có kinh nghiệm khác để lựa chọn sách cho con.
Chọn sách phù hợp năng lực, nhu cầu
Nhiều phụ huynh ngày nay có tâm lý là con người ta học gì cũng cho con mình học, đọc sách gì cũng cố mua kỳ được để con không thua bạn kém bè.
Anh Nguyễn Tuấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận định: Nhiều bố mẹ luôn sẵn sàng mua sách để bồi dưỡng kiến thức và nâng cao văn hóa đọc cho con. Tuy nhiên, họ mua rất nhiều sách, vô tình làm con bị “nhiễu” kiến thức, không biết nên tiếp thu cái gì giữa một mớ tri thức hỗn tạp. Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ nhu cầu của trẻ, xem trẻ còn thiếu mảng kiến thức gì thì tìm sách để bổ trợ thêm.
Một cô giáo tiểu học chia sẻ: Các phụ huynh không nên mua quá nhiều sách tham khảo cho con. Với trẻ ở những năm đầu tiểu học, học tốt chương trình SGK trên lớp là đủ. Phụ huynh muốn mua thêm SGK cho con tham khảo thì phải xem cuốn sách đó có tác dụng bổ trợ thêm kiến thức cho trẻ ngoài chương trình học hay không.
Theo cô Nguyễn Thanh Vân, giáo viên Trường THCS Giáp Bát, chọn sách cũng cần phải dựa trên năng lực học sinh. Chẳng hạn con học tầm trung thì cũng không nên chọn những loại sách tầm cao, con sẽ không tiếp thu được mà còn bị hoang mang về khả năng của mình.
Với những chia sẻ trên, mong rằng các bậc phụ huynh sẽ có những lựa chọn sáng suốt trước khi trao một cuốn sách cho con.
Vân Khánh/VietNamnet