Cô giáo xăm chân đâu phải 'hổ chạy đầy cánh tay'?

Tranh luận việc cô Nguyễn Nữ Kiều Vinh – giáo viên tiếng Anh một trường THPT Phú Thọ từ chối xóa hình xăm ở chân, độc giả VietNamNet chia thành 2 luồng quan điểm trái ngược.

Tranh luận việc cô Nguyễn Nữ Kiều Vinh – giáo viên tiếng Anh một trường THPT Phú Thọ từ chối xóa hình xăm ở chân, độc giả chia thành 2 luồng quan điểm trái ngược.

cô giáo, xăm mình, Nguyễn Nữ Kiều Vinh
Cô giáo Kiều Vinh và những dòng chia sẻ về chuyện xăm mình trên Facebook cá nhân

Cô giáo thiếu chuẩn mực?

Một bạn đọc có tên Tây Nguyên bình luận: “Giáo viên như thế là không nghiêm túc, không chuẩn mực. Đâu phải cứ làm tốt chuyên môn là trong cuộc sống riêng tư muốn làm gì cũng được. Giáo viên là cái gương cho học sinh soi vào đó mà học tập và cũng là cái gương để soi mình. Nói như thế học sinh học giỏi có quyền ăn mặt hở hang, nhuộm tóc đủ màu, xăm đủ thứ trên người cũng được hay sao?”

Đồng tình với quan điểm này, cô giáo Minh Hằng cho rằng, môi trường sư phạm cần những phẩm chất tương đối truyền thống, vì thế việc lấy lý do đi du học nên tư tưởng thoáng là không hợp lý. “Mình cũng là giáo viên, cũng từng du học, nhưng không cho rằng những tư tưởng lai căng kiểu này là quyền riêng tư được. Cô có thể áp dụng trong môi trường khác, nhưng môi trường giáo dục thì không thể. Cô cứ tưởng tượng nhìn học sinh bắt chước cô mà mỗi đứa đều xăm hình vằn vện trên người, nhìn các giáo viên khác giảng bài xem”.

Độc giả Nguyễn Chung Vinh không phê phán nhưng cho rằng cô giáo đang sống ở Việt Nam thì hãy nên sống theo văn hóa Việt. “Chẳng ai cấm ai cái gì nhưng tùy môi trường mà chỉnh mình cho phù hợp”.

Nên tôn trọng tính cách khác biệt

Một bộ phận lớn dư luận ủng hộ quyền tự do cá nhân của cô giáo Kiều Vinh khi cho rằng xăm mình không phải là một việc xấu, không ảnh hưởng tới phẩm chất của một nhà giáo và dư luận nên tôn trọng tính cách khác biệt của mỗi con người.

“Mỗi người một sở thích, miễn sao thoải mái sống tốt là được sao cứ phải gò ép giáo viên. Em ủng hộ cô, cô cứ làm những gì cô thích, không ảnh hưởng đến ai cả. Xăm là nghệ thuật , nghệ thuật là đam mê của mỗi người, không ảnh hưởng đến ai cả” – bạn đọc Đỗ Thị Huệ bình luận.

Anh Bùi Quang cho rằng, “sở thích cá nhân chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Nghề giáo cũng là những con người bình thường, có quyền làm những gì họ thích miễn là không phạm pháp hay đạo đức, thuần phong mỹ tục. Cô giáo đã dám khẳng định mình, và bảo vệ quyền tự do cá nhân chính đáng của mình”.

Một độc giả tên Dũng phản biện lại một cách hài hước: “Người ta xăm ở chân thôi, mà hình xăm nhỏ chứ đâu phải hoa hồng hay hổ chạy đầy cánh tay?...”

cô giáo, xăm mình, Nguyễn Nữ Kiều Vinh

Bố cô Vinh đã dạy cô về tục xăm mình của người Việt cổ. (Ảnh: Tri Thức Trẻ)

Trong khi đó, một số độc giả bày tỏ quan điểm, có những giáo viên với nhiều thói xấu như: rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, chửi thề, nói tục, bạo hành, quan liêu, gian dối, lợi dụng, trục lợi, ăn chơi trác táng… thì còn đáng lên án và nguy hiểm hơn một hình xăm vô hại. “Giáo viên xăm mình mà dạy học sinh thành người hiểu biết có ích cho xã hội còn tốt bằng tỷ lần giáo viên ăn mặc kín đáo mà suốt ngày chỉ nghĩ đến làm tiền học sinh” – chị Hồng Hạnh nêu quan điểm.

“Sao hình xăm lại ảnh lại ảnh hưởng đến hình ảnh nghiêm túc của cô giáo. Chúng ta đã đào tạo những học sinh thành những hòn gạch rồi. Xã hội có bao nhiêu cái xấu, bao nhiêu sai trái ở đường liệu có dám lên tiếng như đối với hình xăm kia không?” – anh Nguyễn Việt lên tiếng.

Một độc giả khẳng định: “Xã hội chúng ta phát triển đa dạng, phong phú chính nhờ sự khác biệt của từng con người. Hãy tôn trọng sự khác biệt của nhau. Tôi không xăm và cũng sẽ không bao giờ xăm. Nhưng tôi ủng hộ cô giáo làm điều mà cô thích và không ảnh hưởng đến tự do của bất kỳ ai.”

Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.