“Đánh chừa”: cha mẹ đang xoa dịu hay làm hư con?
“Đánh chừa” những gì làm bé đau hay phật ý là một thói quen của nhiều cha mẹ Việt khi có con nhỏ. Mục đích của cha mẹ là nhằm xoa dịu bé, giúp bé nín khóc và cảm thấy được an ủi. Điều đó có thực sự đúng hay chúng ta đang vô tình làm hư con?
“Đánh chừa” những gì làm bé đau hay phật ý là một thói quen của nhiều cha mẹ Việt khi có con nhỏ. Mục đích của cha mẹ là nhằm xoa dịu bé, giúp bé nín khóc và cảm thấy được an ủi. Điều đó có thực sự đúng hay chúng ta đang vô tình làm hư con?
Lạm dụng “đánh chừa” tạo thói quen không tốt cho trẻ
“Thành Nam (15 tháng tuổi) đang ngồi chơi, thấy bố đi làm về cuống cuồng chạy ra đón rồi khóc toáng lên vì va vào cạnh bàn, ngã. Bà nội vội vàng chạy ra đỡ cháu dậy và liên mồm nói: “Đánh chừa cái bàn nhé, cái bàn làm đau Nam, bố đâu đánh chừa cái bàn cho Nam đi, Nam cũng đánh chừa nào… .”. Kết quả cu cậu nín ngay và cũng vung tay đánh chừa liên tục vào cái bàn làm cả nhà cùng buồn cười” – Chị Hoa (29 tuổi, Thanh Trì) chia sẻ.
Theo chị Hoa, thấy chiêu này hiệu quả nên cả nhà chị thường xuyên sử dụng, từ bé lớn năm nay 3 tuổi đến cậu em hiện tại. Hơn nữa, “nhiều khi bị ngã, bị đau người lớn chưa cần dỗ dành hay nói gì cháu cũng tự đánh chừa vài cái rồi lại chơi tiếp, cũng hay đấy chứ”.
Thế nhưng, các chuyên gia tâm lý phân tích, bé quen đánh chừa lớn lên sẽ quen đổ lỗi cho một đối tượng khác mà không nhận thức được việc phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Tính tình bé có thể hung hãn hơn, quen thói đánh người khác hay chối quanh khi mắc lỗi.
Trường hợp của bé Mít (18 tháng) ở tập thể Giảng Võ là một ví dụ. Không chỉ đánh chừa đồ vật mà có khi mẹ đi làm về, chưa kịp bế, Mít khóc òa lên. Thế là bà lại nói: “Đánh chừa mẹ hư nhé!...”. Cứ thế thành ra quen. Đôi khi khách đến nhà chơi bế Mít, Mít thấy lạ là khóc toáng lên và tát vào mặt khách đánh chừa khiến cả nhà xấu hổ.
Theo chuyên gia tâm lý học Lê Khanh, có rất nhiều bé trong độ từ 1 – 2 tuổi thích đánh chừa người khác. Đơn giản, vì cả nhà xúm vào dạy bé đánh chừa thì làm sao bé không bắt chước được cơ chứ. Tốt nhất, bố mẹ không nên tạo cho bé thói quen đánh chừa.
Giúp bé từ bỏ việc "đánh chừa" và biết nhận lỗi
Chị Bích Hải (30 tuổi, Hoài Đức) chia sẻ: Tuy tôi cũng thỉnh thoảng bảo con đánh chừa, nhưng chỉ là đánh chừa đồ vật thôi, tuyệt đối không đánh người. Từ bây giờ chắc sẽ phải tìm cách để con từ bỏ hẳn thói quen này. Tôi nghĩ cả nhà không được nói từ đánh chừa hay đánh chừa bất kỳ một cái gì nữa trước mặt con thì dần dần con cũng sẽ quên đi thôi.
Một cách cụ thể hơn, MC Minh Trang (Đài THVN) cũng từng chia sẻ cách chị dạy con gái Daisy (3 tuổi) thông qua cái “đánh chừa” khiến nhiều người vô cùng tâm đắc.
Câu chuyện là một tình huống rất đời thường mà bất cứ bà mẹ nào cũng từng gặp phải: Bé Daisy bị ngã và muốn mẹ "đánh chừa" cái tường vì "làm con đau". Tuy nhiên, thay vì chỉ đơn giản mất 5 giây để nói "đánh chừa" nhằm xoa dịu cơn đau và sự nhõng nhẽo của cô con gái, MC Minh Trang lại có cách giải quyết triệt để hơn.
Sau một hồi vỗ về để con nín khóc, MC Minh Trang cùng con phân tích xem ai là người có lỗi thực sự và ai là người phải xin lỗi.
Theo Minh Trang, cô cũng từng bị nhiều người cho là quá nghiêm khắc. "Nhiều bố mẹ thay vì việc nói chuyện, giải thích cho con hiểu, thì lại xử lý bằng việc chủ động thay con đổ lỗi cho 1 thứ gì đó rồi giơ tay "đánh chừa". Con sẽ hả hê vì có một thứ khác bị chịu lỗi mà không phải là mình. Dần dần khi lớn lên, việc đổ lỗi (cho người khác, cho hoàn cảnh) sẽ trở thành thói quen khó bỏ của con trẻ, đặc biệt là những năm tháng đi học, con phải đối diện với vô vàn khó khăn và thất bại. Nếu kéo dài sẽ khiến con mất dần sự tự tin và luôn nhìn cuộc sống thiếu thiện cảm, trở nên khó hòa đồng với xã hội hoặc trở thành một con người khắc nghiệt, không bao giờ tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình".
Ngày nay, cuộc sống bận rộn và nhiều mệt mỏi, nên khi con cái khóc lóc mè nheo, hầu hết các bố mẹ đều tìm cách để dỗ dành sao cho con chấm dứt nhanh nhất. Tuy nhiên, điều đó chỉ có hiệu quả nhất thời mà lại dễ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn sau này nên các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý trước những cư xử với con trẻ.
Cuối cùng, xin mượn lời của MC Minh Trang, các bạn sẽ chọn việc bỏ ra 15 phút để cùng con xây dựng nhân cách, hay 5 giây để đánh yêu cho xong chuyện?
Theo bạn việc dạy con "đánh chừa" có tạo thói quen xấu cho trẻ hay không? Hãy chia sẻ quan điểm và giải pháp của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết. |
Kim Anh/VietNamnet