Học sinh đánh nhau: "thuốc" nào để loại bỏ?

Tháng 3 vừa khép lại với một loạt vụ việc học sinh đánh nhau liên tiếp xảy ra báo động nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng.

Tháng 3 vừa khép lại với một loạt vụ việc học sinh đánh nhau liên tiếp xảy ra báo động nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng.

Điều đáng nói là lý do dẫn đến những vụ đánh nhau lại hết sức nhỏ nhặt: Comment trên Facebook, cái liếc mắt thiếu thiện chí, nhờ việc mà không làm… Đó là những mâu thuẫn thông thường nhưng các em lại sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng “nắm đấm” một cách rất manh động và hiếu chiến.

Đã có rất nhiều các bài báo phản ánh thực trạng, nguyên nhân dẫn đến những màn “đấu đá” của học sinh thời gian gần đây. Nhưng vấn đề cần quan tâm hơn cả là giải pháp nào có thể giải quyết triệt để nạn bạo lực học đường.

Dạy trẻ kỹ năng kiềm chế, giải quyết xung đột

Anh Quốc Khánh: Bố mẹ, thầy cô phải quan tâm, để cho các em có thể tâm sự mọi chuyện, giảm ức chế khi cần thiết.

Anh Quốc Khánh, giáo viên dạy văn bày tỏ quan điểm của mình: Thực ra, nếu nói là học sinh manh động, hiếu chiến thì có phần hơi quá và "oan" cho các em. Bởi đó đôi khi cũng chỉ là sự nghịch ngợm, thích thể hiện mình một cách thái quá mà thôi. Thường thì những bức xúc từ gia đình, những bất mãn trong quan hệ bạn bè mới dẫn đến tình trạng ấy. Thực tế, sau 11 năm đi dạy, tôi thấy đa số những học sinh hay đánh nhau đều ở trong những gia đình thiếu quan tâm hoặc chính học sinh đó cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. 

Để giảm tình trạng này, tôi nghĩ cần tăng cường giáo dục cho các em kỹ năng kiềm chế và biết phân biệt đúng, sai. Quan trọng hơn, bố mẹ, thầy cô phải quan tâm, để cho các em có thể tâm sự mọi chuyện và kịp thời xử lý vấn đề.

Anh Nguyễn Tuấn Hải, Thạc sỹ ĐH Princeton, Hoa Kỳ nhìn nhận vấn đề ở vị trí của học sinh. Anh cho rằng, đánh nhau là cách mà các em dùng để giải quyết những mâu thuẫn và giải tỏa ức chế cá nhân. Điều thiếu sót chính là gia đình và nhà trường chưa dạy cho các em kỹ năng giải quyết xung đột hiệu quả cũng như cách đối diện với các ức chế của chính mình.

>>Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

Anh Tuấn Hải: Đánh nhau là cách các em dùng để giải quyết những mâu thuẫn và giải tỏa ức chế cá nhân.
 

Theo anh Hải, hành vi đánh nhau cho thấy một cá nhân không đủ khả năng kiểm soát từ cảm xúc cho tới hành vi.

Để giải quyết tình trạng này, chúng ta phải: - Dạy trẻ biết nói lời xin lỗi - Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên - Tạo điều kiện cho trẻ được thể hiện bản thân và cảm xúc - Chú trọng giáo dục gia đình - Cho trẻ em tham gia hoạt động cộng đồng.

Vừa qua, trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) cũng đã đưa bài hát “Xin lỗi, cảm ơn” vào giờ sinh hoạt trước và sau mỗi buổi học cũng là một cách hay và hữu hiệu để giúp học sinh “thấm” và hóa giải dần nạn bạo lực học đường.

Xử nghiêm hành vi bạo lực học đường

Vụ nữ sinh Trà Vinh bị đánh đã xôn xao dư luận trong một thời gian dài, hiệu trưởng của trường đã đệ đơn xin từ chức. Thế nhưng, sau đó không lâu lại có một loạt những vụ việc tương tự xảy ra khiến nhiều người cho rằng hình thức kỷ luật với các em học sinh là quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe với những học sinh khác.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Phải có chế tài xử lý với những học sinh đã gây hậu quả nghiêm trọng

Phát biểu trên báo Người Lao động, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng: Trong mỗi vụ đánh nhau, đối tượng chính vẫn là học sinh, vì vậy phải bắt các học sinh này chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhất là những hành vi quá mức, dẫn đến vi phạm pháp luật. Những học sinh ở tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật tuy chưa thể bắt các em ra tòa nhưng luật pháp phải có chế tài xử lý với những học sinh đã gây hậu quả nghiêm trọng như giam giữ có thời hạn để giáo dục hay phạt cải tạo lao động công ích…

Dạy trẻ về bạo lực từ lứa tuổi mầm non

Ở góc độ gia đình, nhiều phụ huynh đã nhận ra trách nhiệm của mình nên đã có ý thức ngăn ngừa tính hung hăng của trẻ ngay ở lứa tuổi mầm non.

Độc giả Huy Đăng chia sẻ: Về cơ bản, trẻ con cũng như người lớn, nếu không có mâu thuẫn (ở trẻ con có thể là việc tranh giành đồ chơi, chỗ chơi, hoặc đồ gì đó), không “va chạm” nhau thì sẽ thường không phát sinh xung đột. Vì thế, điều quan trọng nhất trong việc kìm chế tính hung hăng của trẻ là giải quyết vấn đề nguồn gốc, tức là dạy trẻ biết giảm thiểu những “mâu thuẫn” có thể phát sinh ở trường lớp, ngoài cuộc sống… Chẳng hạn, anh Đăng đã dạy con không tranh đồ chơi với bạn, không đánh bạn, nếu bạn đánh thì tránh ra và không chơi với bạn nữa…

>> Dạy trẻ tự bảo vệ mình mà không cần bạo lực

Ngay từ khi học mẫu giáo, gia đình cần thường xuyên liên lạc và phối hợp với nhà trường nhằm phát hiện những biểu hiện về nhận thức, hành vi có vấn đề để kịp thời can thiệp.

Theo bạn muốn giảm thiểu vấn nạn bạo lực học đường thì chúng ta phải làm gì? Hãy chia sẻ quan điểm và giải pháp của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.


V.K/VietNamnet


Bình luận