Hơn nửa triệu thí sinh làm bài thi đại học đợt 2

7h15 sáng nay, 570.000 thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Sinh (khối B), Văn (khối C, D). Một số thí sinh không được thi do đến muộn quá 15 phút.

7h15 sáng nay, 570.000 thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Sinh (khối B), Văn (khối C, D). Một số thí sinh không được thi do đến muộn quá 15 phút.

Không như dự báo là sẽ nắng nóng, thời tiết Hà Nội khá mát mẻ với cơn mưa lúc sáng sớm. Tại ngã ba, ngã tư và gần các điểm thi, cảnh sát giao thông cùng với sinh viên tình nguyện có mặt từ rất sớm để phân luồng.

Được thông báo 5h55 phút có mặt tại phòng thi, Thu Trang (thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền) phải dậy từ 5h. Ăn vội bát cháo đỗ xanh, Trang được anh họ đưa đến điểm thi lúc 5h45 phút. Vẫn cầm cuốn vở ôn tập, Trang cho biết đang tranh thủ đọc lại tác phẩm chưa học kỹ, nhỡ đề có ra vào thì không phải tiếc.


Thí sinh bắt đầu vào phòng làm bài thi môn Văn sáng nay tại Hội đồng ĐH Sư phạm TP HCM. Ảnh: Đức Quang.

"Hôm qua chị gái bắt em đi ngủ sớm, không học nhồi nhét dẫn đến căng thẳng", Trang nói và cho biết nhà ở tận Thanh Hóa nhưng được chị họ đón ra từ nửa tháng trước để ôn thi khi bố mẹ đang vào mùa cấy.

Cũng có mặt tại điểm thi từ lúc trời chưa sáng rõ, hai bố con ông Ngô Quang Tạo (Thái Bình) ngồi nép vào vỉa hè cạnh chiếc xe đạp. Ông Tạo cho biết, con gái thi vào khoa Văn của ĐH Sư phạm Hà Nội. Bố con ông ra Hà Nội trước hai hôm, và thuê nhà ở cách điểm thi hơn một cây số.

"Tối qua cháu nó vẫn ôn bài đến khuya lắm. Vợ chồng tôi đều làm nông, quanh năm vất vả nên luôn nhắc con phải học tốt để thoát cảnh nghèo", ông Tạo tâm sự và cho biết, sáng nay ông mượn được chiếc xe đạp của cậu sinh viên phòng bên cạnh, nên hai bố con bắt đầu đi từ 5h, vừa để mát mẻ, vừa tránh tắc đường.

Khác với hình ảnh lam lũ, lo lắng của những sĩ tử, phụ huynh ở nông thôn, một số thí sinh ở Hà Nội được bố mẹ đưa đón bằng xe máy, ôtô với tâm trạng khá thoải mái. "Em đã ôn bài rất kỹ vì em vào lò học từ đầu năm lớp 12", nữ sinh tên Hương (Đống Đa, Hà Nội) vừa bước xuống xe của bố nói.

Trong khi đó, vì đến muộn quá 15 phút sau khi phát đề nên Phạm Anh Tuấn (Vũ Thư, Thái Bình) thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền không được vào phòng. Tuấn buồn bã cho biết cậu đến điểm thi bằng xe bus nên chậm giờ.

"7h15 phút em đến nơi, nhưng thấy một số bạn đứng ngoài cổng trường đọc sách, cứ nghĩ thí sinh chưa vào phòng thi nên đứng ngoài một lúc. Đến khi vào thì không kịp nữa rồi", sĩ tử lần thứ 2 dự thi đại học chán nản nói. Cũng tại điểm thi này, sát giờ phát đề một số thí sinh mới đến nhưng vẫn trong thời gian cho phép nên được cán bộ đưa vào phòng thi.

Sáng nay, thời tiết ở Nghệ An mát mẻ khiến phụ huynh và sĩ tử thoải mái hơn. Bác Nguyễn Văn Quang cho biết, suốt đêm qua, hai cha con không ngủ được vì hồi hộp. "Dù tôi đã động viên cháu đi ngủ sớm và giữ bình tĩnh để làm bài nhưng cháu vừa đọc sách vừa trằn trọc suốt đêm. Ở quê, vợ tui cũng không ngủ được vì lo lắng cho con", vị phụ huynh vừa tâm sự vừa hướng mắt vào phía cổng trường.

Lo lắng, hồi hộp cũng là tâm trạng chung của rất nhiều phụ huynh ở các điểm thi khác nhau của thành phố Vinh. "Con gái tôi thi cả khối A nhưng làm bài không tốt nên mọi hy vọng đều dồn vào khối B của ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Hy vọng là đề không quá khó, chứ năm nay mà cháu trật đại học thì cả nhà tôi buồn lắm", bác Vinh đến từ huyện Diễn Châu (Nghệ An) tâm sự.

PGS.TS Đinh Xuân Khoa, Trưởng cụm thi Vinh cho biết, ở đợt thi này đã nhắc nhở các em rất kỹ việc không được mang điện thoại và các vật cấm vào phòng thi đồng thời lưu ý các giám thị và thí sinh cần ký đúng vào vị trí qui định trên giấy thi, phiếu trắc nghiệm; tuyệt đối không được cho thí sinh ký vào tờ nộp bài trước khi hết giờ để tránh những sai sót không đáng có.

Tại Đà Nẵng, sáng nay các sĩ tử đi thi trong tiết trời nắng gắt. Cầm hộp xôi trên tay vừa ăn vừa ôn lại bài, Nguyễn Thị Hà (quê Nghệ An) thi vào ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết, thức dậy từ lúc 4h để ôn bài và bắt xe ôm đến điểm thi. Do học khá môn Văn nên nữ sinh này tự tin sẽ làm bài tốt.

Sau khi con vừa bước vào phòng thi, ông K Linh (43 tuổi, người dân tộc Cơ Ho, ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) ngồi tạm trên bậc hè nhà dân trước điểm thi THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu) chờ đợi. Ông cho biết, sau khi leo qua hai quả đồi, hôm 5/7 ông cùng con gái cả K Rên (sinh viên ĐH Đà Lạt) và con gái thứ 3 K Rểu (thi ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đón xe xuống Đà Nẵng. Được các tình nguyện viên hướng dẫn nên 3 bố con thuê được phòng trọ cách địa điểm thi hơn 100 m.

"Nhà tôi làm nông, để có tiền đưa con đi thi hai vợ chồng bán 7 tạ thóc và hơn 20 bao cà phê, mong sao con gái thi đậu để tiếp tục đi học, làm cô giáo dạy học cho trẻ ở bản, vừa giúp người trong bản nhanh biết đọc, biết viết vừa đỡ phải đi làm rẫy, vất vả lắm", ông K Linh nói và cho biết, lần đầu tiên xuống Đà Nẵng nên chờ con gái thi xong sẽ đi tắm biển, dạo chơi một số nơi trong thành phố.

PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, tránh tình trạng thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi như 11 trường hợp bị đình chỉ ở đợt 1, các hội đồng thi đều bố trí giám thị chuyên kiểm tra, nhắc nhở thí sinh bỏ điện thoại di động ở ngoài và có chỗ gửi đồ cho các em.

Tại TP HCM, thời tiết nắng nhẹ tạo cho thí sinh một tâm lý phấn chấn. Tại các hội đồng thi, một số thí sinh ở xa trường được người thân đưa đến hội đồng thi khá sớm. Nhiều em ngồi ăn vội chiếc bánh mì, hộp xôi trước cổng trường trong sự chăm sóc của người thân.

Là đợt thi có nhiều môn tự luận xã hội, nên tại hội đồng thi ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn một số bạn còn tranh thủ lấy tài liệu ra xem lại. "Giờ này em biết không học thêm được gì, nhưng đọc qua một lượt để gợi lại trong đầu mình những kiến thức đã ôn từ lâu", nữ sinh Thu Thủy (Đồng Nai) dự thi ngành Ngữ văn chia sẻ.

Trong đợt thi thứ 2, có hơn 570.000 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, chiếm 75% số lượng hồ sơ đăng ký. Trên cả nước có gần 1.000 điểm thi, gần 67.000 cán bộ tham gia tổ chức thi tại 121 trường.

Lịch thi đợt 2: ngày 9-10/7

Theo VNE



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.