HS kể về giây phút bước chân trần trên mảnh thủy tinh

Học sinh lớp 6 trường Nguyễn Tri Phương (HN) cho biết, trước khi thực hiện trải nghiệm đi chân trần trên thảm thủy tinh, các em thấy áp lực, lo lắng.

Nhiều học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) cho biết, trước khi thực hiện bài trải nghiệm đi chân trần qua đoạn đường có trải mảnh thủy tinh sắc nhọn, các em thấy áp lực, lo lắng…

Ngày 23.8, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, TP.Hà Nội đi chân trần vượt qua đoạn đường trải mảnh thủy tinh sắc nhọn. Nhiều người đã không khỏi giật mình, sợ hãi khi xem hình ảnh này.

HS kể về giây phút bước chân trần trên mảnh thủy tinh - 1

Học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương đi chân trần trên đống thủy tinh rèn luyện sự tự tin

Tự tin hơn...

Lê Hoàng Minh, học sinh lớp 6A1, trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết, ngày 22.8 vừa qua, em có tham gia bài tập trải nghiệm đi chân trần trên đoạn đường có trải mảnh thủy tinh do trường phối hợp với một trung tâm dạy kỹ năng sống ở Hà Nội tổ chức.

“Ngày hôm đó, lớp em có nhiều bạn đăng ký tham gia bài tập này. Lúc chưa đi, em thấy áp lực, lo lắng. Tuy nhiên, sau khi thấy nhiều bạn vượt qua được, em thấy mình tự tin hơn. Em đã bước 4 bước trên đoạn đường có trải mảnh thủy tinh và thấy không đau chân lắm”, Minh chia sẻ.

Minh cho biết thêm, khi thực hiện bài tập trải nghiệm, có 3 huấn luyện viên đỡ tay, hướng dẫn Minh vượt qua đoạn đường. Mỗi bước đi, Minh được huấn luyện viên dùng giẻ lau sạch các mảnh vỡ bám ở lòng bàn chân. Trong lúc thực hiện, nhiều bạn trong lớp đã đồng hành, ủng hộ Minh vượt qua thử thách này.

Cũng là học sinh đã qua bài trải nghiệm trên, Nguyễn Trần Quang Anh, học sinh lớp 6A6 cho hay, sau buổi thực hành ngày 22.8, không có bạn nào gặp sự cố. Lúc đầu chưa thực hiện, Quang Anh cũng có cảm giác sợ, không dám bước qua đoạn đường trên.

“Khi đi chân trần trên đống thủy tinh, em có cảm giác hơi nhói chân một chút, nhưng rồi cảm giác đó tan biến ngay sau đó. Trong lúc thực hành, các huấn luyện viên chỉ bảo em từng bước một, do vậy, em dễ dàng vượt qua được”, Quang Anh chia sẻ.

Cậu học trò lớp 6 Quang Anh nói thêm: “Sau khi thực hành bài trải nghiệm, em thấy mình có nghị lực, tự tin hơn, có ý thức trong việc làm. Có thêm tự tin, em sẽ cố gắng đặt mục tiêu phấn đấu học tập thật tốt”.

HS kể về giây phút bước chân trần trên mảnh thủy tinh - 2

Các học sinh cho biết, khi thực hiện bài tập trải nghiệm, có 3 huấn luyện viên đỡ tay, hướng dẫn. Sau mỗi bước đi, học sinh được lau sạch các mảnh vỡ bám ở lòng bàn chân.

Muốn con có trải nghiệm thực tế để trưởng thành hơn

Chị Lê Thị Hường, ở quận Ba Đình, Hà Nội, phụ huynh của một học sinh lớp 6A1, người ủng hộ con tham gia bài tập trải nghiệm đi chân trần trên thủy tinh cho hay, trước khi đăng ký cho con tham gia bài tập trải nghiệm trên, chị đã tìm hiểu bài tập từ đơn vị thực hiện, tham khảo ý kiến người thân.

“Qua tìm hiểu được biết, các huấn luyện viên giúp học sinh thực hiện bài tập có chuẩn bị khá kỹ, đặc biệt là phương án đảm bảo an toàn cho học sinh. Mỗi bước đi của các cháu, huấn luyện viên đều có chỉ dạy tận tình chứ không để các em tự đi. Đây là bài tập giúp trẻ tự tin hơn, chứ không có vấn đề gì”, chị Hường nói.

Chị Hường cho biết, thực tế hiện nay có nhiều trẻ khá nhút nhát. Do vậy, gia đình chị quyết định cho con tham gia bài trải nghiệm vì muốn con rèn được sự tự tin, vượt qua sợ hãi, trưởng thành hơn.

“Cũng vì thấy bài tập an toàn cho con, thêm nữa, thấy nhiều em học sinh ở trường khác đã thực hiện bài tập trải nghiệm đi chân trần trên đoạn đường có mảnh vỡ thủy tinh không gặp sự cố gì nên gia đình chúng tôi mới quyết định đăng ký cho con học”, chị Hường nói.

Chị Lê An Nhàn, phụ huynh của học sinh lớp 6A4 cũng đăng ký cho con tham gia bài tập trải nghiệm đi chân trần trên mảnh thủy tinh vỡ vào ngày 29.8 tới đây.

Chị Nhàn chia sẻ: “Gia đình tôi có xem qua các video, hình ảnh và thấy các huấn luyện viên làm khá cẩn thận. Thủy tinh trải trên đoạn đường không sắc nhọn, không quá gây nguy hiểm nên đã đồng ý cho con tham gia. Thêm nữa, chúng tôi muốn cho trẻ rèn luyện các bài tập khó để các con tự lập, tự tin hơn”.

Theo chị Nhàn, nhiều phụ huynh nhìn thấy hình ảnh thấy ghê, nhưng thực sự khi tìm hiểu sâu thì thấy hoàn toàn không hẳn như vậy. Đã có nhiều học sinh tham gia bài tập, nhưng chị Nhàn chưa thấy học sinh nào bị thương sau khi đi chân trần qua mảnh vỡ thủy tinh.

Khác hẳn với quan điểm của chị Hương, chị Nhàn, ông Phạm Quang Khánh (46 tuổi), có con học lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Tri Phương lại không đăng ký cho con tham gia bài tập trải nghiệm trên. Ông Khánh cho rằng bài tập trải nghiệm trên có thể gây nguy hiểm, chảy máu chân cho học sinh.

“Tôi nghĩ có nhiều cách để rèn luyện sự tự tin cho con như cho con ngủ một mình, sống tự lập, chơi các môn thể thao... Bài tập dùng chân trần đi trên mảnh thủy tinh vỡ rèn luyện sự tự tin hoàn toàn không phù hợp với con tôi”, ông Khánh nói.

Theo Dân Việt




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.