Loay hoay chọn trường cho con

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội thẳng thắn: "Nhiều bố mẹ cứ nghĩ trường chuyên, lớp chọn là tốt. Cứ chọn theo tin đồn".

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội thẳng thắn: "Nhiều bố mẹ cứ nghĩ trường chuyên, lớp chọn là tốt. Cứ chọn theo tin đồn".

Tiến sĩ Hương cho rằng: "Nhiều bố mẹ không có một mục tiêu rõ ràng khi chọn trường cho con, mà chỉ nghĩ chung chung rằng, con cần có một môi trường tốt. Họ thậm chí không đến tìm hiểu xem trường đó ra sao, có phù hợp với năng lực của con mình".

Cuộc đua theo trào lưu

Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi đang có một cuộc chạy đua theo tin đồn, theo trào lưu trong việc chọn trường cho con. Hầu hết các bậc phụ huynh đều đua nhau nghe nói trường này tốt, trường kia tốt và lấy đó làm tiêu chí chọn trường cho con.

"Đó là điều không nên. Chúng ta nên có những định hướng rõ ràng trước khi quyết định cho con học ở môi trường nào. Tuyệt đối không lựa chọn theo trào lưu vì lâu dài sẽ có những tác động không tốt đến đứa trẻ nếu nó không phù hợp. Tôi khuyên con gái tôi năm nay vào cấp 3, đừng thi vào trường chuyên mà hãy chọn một trường công bình thường. Vì sao ư, vì trường chuyên lớp chọn đang tạo ra một thế hệ vị kỷ, luôn hơn thua, cạnh tranh cá nhân, không tốt cho việc hình thành nhân cách của trẻ", Tiến sĩ Hương nói.

Các bé vào lớp 1, sự kiện quan trọng với nhiều gia đình.

Các bé vào lớp 1, sự kiện quan trọng với nhiều gia đình.

Ngay từ lớp một, các cậu ấm cô chiêu chưa vắt sạch mũi đã phải kỳ cạch học thêm để tham gia các cuộc tuyển đầu vào. Hàng năm, các trường tiểu học như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu... đều kiểm tra đầu vào lớp 1 với một tỷ lệ chọi khá cao. Nhiều người phải mất hàng ngàn đô la để "chạy" cho con vào một trường mà họ cho là tốt.

Lớp 6 thì chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn. Chị Giang, năm nay có con thi vào lớp 6. Con chị Giang thuộc top đầu của trường Tiểu học Tây Sơn. Theo chị Giang, nếu vào lớp 6 ở một trường công bình thường thì phí khả năng của con, nên chị cũng tham gia vào cuộc chạy đua vào các trường chuyên ở Hà Nội: "Tôi nghe nói, đó mới là môi trường tốt để các con có tố chất phát huy khả năng của mình. Dù tôi chưa biết trường đó con có thích không".

Tuy nhiên trước thực trạng giáo dục hiện nay, nhiều người loay hoay không biết lựa chọn một môi trường như thế nào để phù hợp với con mình. "Trường công vẫn mắc bệnh thành tích, triệt tiêu hết khả năng sáng tạo, cá tính của học sinh. Mà các trường tư thục có tiếng thì quá đắt, không phù hợp với túi tiền của chúng tôi, tôi hoang mang không biết nên chọn trường như thế nào để con có môi trường phù hợp", chị Linh nói.

Và lựa chọn an toàn nhất của chị, để khỏi "phí" khả năng của con là miệt mài luyện thi vào trường Hà Nội - Amsterdam hoặc chuyên Cầu Giấy.


Cổng trường Tiểu học Thực nghiệm bị chen đổ năm 2012.

Đừng tạo áp lực cho con

Nhưng có bao giờ các bậc cha mẹ tự hỏi, con chúng ta cần gì và chúng ta sẽ lựa chọn một môi trường như thế nào phù hợp với con mình mà không phải chạy theo áp lực điểm số, những nấc thang thành tích của nhà trường.

Chị Vân, quận Thanh Xuân có con học lớp 1 chia sẻ: "Khi bạn có một đứa bé từ mẫu giáo đi vào lớp một, đó là một câu chuyện đau đầu kinh khủng. Chọn trường cho con như thế nào, sẽ theo tiêu chí của bố mẹ (chứ không phải của đứa trẻ - đáng tiếc là thế).

Bố mẹ mong ước con luôn có điểm số xuất sắc sẽ khác với bố mẹ đưa yêu cầu đầu tiên là đứa trẻ thấy vui vẻ và hạnh phúc khi đi học. Và có thể còn khác nữa, nếu mong ước của bố mẹ là một môi trường giáo dục có thể bảo toàn được tố chất tự nhiên của đứa trẻ - để Đứa - Trẻ - Như - Nó -Là. Rồi chuẩn bị tâm lý, nề nếp thế nào cho bọn oắt con vừa qua tuổi ị bô ấy, để chúng sẵn sàng bước vào con đường học hành nghiêm ngắn? Lựa chọn quan điểm giáo dục nào để phù hợp với tố chất đứa trẻ của mình? Có nên dạy chữ trước cho chúng không? Nếu không biết chữ trước, liệu con mình có là em bé kém cỏi và thất bại không?".

Đó là những câu hỏi làm đau đầu nhiều phụ huynh. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng có những nhìn nhận đúng như chị Vân. Hầu hết, các bậc phụ huynh vẫn muốn cho con vào những trường nổi tiếng, bởi họ nghĩ, chỉ ở đó, con họ mới giỏi được.

Nhưng hãy lắng nghe con mình, trước khi có những lựa chọn quyết định đến cuộc sống của trẻ. Chị Mai, sau hành trình 1 học kỳ cho con học ở một trường chuyên đã buông một câu thở dài: "Tôi thấy ân hận vì đã quyết liệt cho con vào bằng được trường ấy. Tôi nghe nói đó là trường cấp 2 tốt nhất hiện nay. Nhưng việc học quá tải, mỗi ngày cuối tuần, ngày nghỉ, phiếu bài tập dồn ứ. Con mệt mỏi. Tôi tính học xong năm nay sẽ chuyển cho con về một trường công gần nhà thôi".

Để có một chân vào trường THCS Am, các học sinh đã phải vào lò luyện từ năm lớp 2- lớp 3 với cường độ "khủng". Nhưng vào được lớp 6 trường Hà Nội - Amsterdam, nhiều người như vỡ mộng bởi "cuộc đua" vẫn chưa kết thúc. Và các em học sinh lại căng mình lên đi học thêm liên miên ở ngoài để tiếp tục cuộc chiến vào các lớp chuyên được phân luồng từ lớp 7, lớp 8, để xếp lớp.

"Tôi thấy thất vọng khi mình chưa tìm hiểu kỹ mà đẩy con vào cuộc đua của các ông bố bà mẹ. Tôi không nghĩ con mình cả cuộc đời cứ chạy đua với việc học như thế này đến bao giờ, để làm gì. Con đi học liên miên, chẳng có thời gian đi chơi, đọc sách, tham gia các hoạt động ngoại khóa".

Chủ trương cấm thi vào cấp 2 dưới mọi hình thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo một lần nữa lại khiến các phụ huynh hoang mang. Họ tiếc công sức ôn luyện của các con, bởi chỉ nhăm nhăm một lựa chọn duy nhất là vào Am hoặc trường Chuyên Cầu Giấy. Nhiều người ngậm ngùi vì đã đánh cắp tuổi thơ của con bằng cuộc chiến trường chuyên, lớp chọn.

Lựa chọn trường như thế nào, vẫn là câu hỏi làm đau đầu phụ huynh. Nhưng nếu họ bình tĩnh hơn, không đẩy con mình vào những cuộc chạy đua thành tích, thì họ sẽ có những định hướng giáo dục đúng đắn hơn cho con cái mình. Chúng ta không nên lựa chọn bằng điểm số, thành tích.

Theo chuyên gia giáo dục Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Brenton phát biểu trong một cuộc hội thảo về định hướng chọn trường cho con: "Bố mẹ không nên chọn trường theo tin đồn, nghe nói trường này tốt, trường kia tốt. Mỗi đứa trẻ có sự phát tiển tâm lý, nhận thức, tư duy khác nhau. Bố mẹ cần biết sự phát triển về thể chất và tinh thần, cần hiểu và lắng nghe con để chọn trường cho phù hợp".

Tiến sĩ Vũ Thu Hương- Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học- Đại học Sư phạm Hà Nội:

Trường chuyên lớp chọn ở Việt Nam đã tạo ra một môi trường cạnh tranh cá nhân không tốt cho đứa trẻ. Ở nước Anh, tôi biết, họ không có những thành tích cá nhân, mà thành tích theo nhóm. Chính vì thế mà mọi người nỗ lực cống hiến cho nhóm, tôn vinh lẫn nhau, yêu thương nhau, tạo nên một xã hội yêu thương, biết trân trọng nhau, và biết cống hiến cho xã hội. Tôi nhớ theo một tài liệu có đánh giá rằng, khả năng cống hiến của người Việt rất thấp.

Khi các bố mẹ chọn trường cho con nên tìm hiểu xem, môi trường đó tập hợp những đứa trẻ giỏi nhưng có ngoan không, bởi giỏi và ngoan không liên kết với nhau. Việc học chuyên sớm sẽ khiến học sinh học lệch, mà thiếu hụt những kiến thức lịch sử, địa lý, những hậu quả đó con phải mang theo cả đời. Khi một đứa trẻ sống trong một môi trường cạnh tranh quá cao, tính vị kỷ của nó cũng sẽ rất cao, nó chỉ chăm chú vào lợi ích của bản thân mà không nghĩ đến cộng đồng.

Hơn nữa, những kiến thức trong nhà trường chỉ là một phần trong cuộc sống, bố mẹ đừng vì lợi ích trước mắt mà chạy đua theo thành tích, biến một đứa trẻ đang đứng giữa không gian đa chiều vào không gian một chiều, phiến diện. Tôi rất thích một câu ngạn ngữ: "Tất cả các ngọn cỏ đều bằng nhau, ngọn cỏ cao hơn sẽ bị cắt đầu tiên".

Giáo sư Phạm Minh Hạc nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo:

Việc chọn trường cho con nên lựa theo hoàn cảnh gia đình và năng lực của đứa trẻ. Các bậc phụ huynh không nên có những ước vọng quá viển vông mà đưa con mình vào những cuộc đua trường chuyên lớp chọn. Vì chạy đua vào lớp chọn ở lứa tuổi tiểu học và THCS là trái với quy luật. Ở các nước phát triển, họ có một nền giáo dục công bằng, điều kiện dạy và học, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên tương đồng nhau, nên con họ không phải lựa chọn mà cứ theo từng địa phương mà học. Ta chưa làm được điều đó, đó cũng là một lý do khiến bố mẹ cứ phải loay hoay chọn trường cho con.

Bà Phạm Thị Cúc Hà- Hiệu trưởng hệ thống mầm non Just Kid:

Một đứa trẻ quá nghịch ngợm, "tăng động" không nên cho vào trường công vì quá đông học sinh, cô giáo sẽ ghét vì không "xử lý được". Học sinh đó sẽ trở thành cá biệt. Trong khi đó, ở một trường công lập, một đứa trẻ ngoan sẽ dễ dàng trở thành một học sinh ưu tú.

Thực tế cho thấy, ở cấp 1, 2, học sinh trường công hay tư đều có kết quả sàn sàn nhau, nhưng đến những cấp cao hơn, thì kết quả cao như các giải thưởng quốc tế thuộc về các trường công lập do các em chăm ngoan từ nhỏ. Nên việc chọn trường cho con nên theo điều kiện từng gia đình, đừng chỉ nghe nói mà phải đến tận nơi tìm hiểu một môi trường phù hợp với con phát huy các kỹ năng của mình.


Theo Cảnh Sát Toàn Cầu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.