Nên chơi hay học ở lứa tuổi mầm non?
Nhiều bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi mầm non hiện đang rất băn khoăn về việc nên cho con chơi hay học. Nếu chỉ cho con chơi thì họ lại lo con thua bạn kém bè mà học ở tuổi này theo họ cũng khó hiệu quả vì trẻ còn mải chơi.
Lứa tuổi mầm non nên để các con học hay chơi? Nhiều người cho rằng vào lớp 1 là bắt đầu cuộc chạy đua kiến thức rồi nên ở lứa tuổi này cứ cho con chơi thoải mái. Một số người lại nghĩ nên cho con học đón đầu, vì nếu vào lớp 1 mới bắt đầu học thì sợ con không theo kịp chương trình.
>> Dạy con bằng đòn roi: giáo dục thực sự hay sự bất lực của bố mẹ?
>> Để trẻ nhỏ làm việc kiếm tiền, nên hay không?
>> “Bức ảnh gia đình”: Cú đấm đau điếng cho cha mẹ bận rộn
Đứng trước hai luồng ý kiến trái chiều đó, nhiều bậc cha mẹ hiện đang rất băn khoăn về việc nên cho con chơi hay học. Nếu chỉ cho con chơi thì họ lại lo con thua bạn kém bè mà học ở tuổi này theo họ cũng khó hiệu quả vì trẻ còn mải chơi.
Chị Vũ Thị Thu Hằng, một giáo viên tiếng Anh, cũng là người mẹ từng rất trăn trở với cậu con trai ở độ tuổi mầm non. Chị đã đúc rút được những “chiêu thức” dung hòa được cả hai luồng ý kiến trên.
Tintuconline xin mời độc giả cùng tham khảo chia sẻ của chị Hằng, mẹ bé Bôn:
Một số người nói rằng: Tại sao bắt các bé học sớm vậy, tội chúng nó. Xin thưa, bắt chúng nó học cách nào mới là vấn đề. Vì thực ra khi bé sinh ra, việc bạn nói chuyện với bé và chỉ vào bình sữa, nói "sữa", với việc chỉ vào số 1 và nói "số 1" thì độ nặng nhọc là như nhau, mà có gì là nặng nhọc ở đây nhỉ? Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tuân thủ một nguyên tắc nằm lòng: chỉ dạy và chơi với bé khi nào cả hai cùng muốn, nếu bắt đầu thấy chán thì dừng ngay lập tức.
Khéo dùng “phép màu”, mẹ dạy con ngoan
Cho con bay bổng với phép màu có lẽ là chiêu thức mẹ Hằng ưng ý nhất từ trước đến giờ, kiểu như "vớ được vàng". Vì em Bôn thuộc dạng cá tính, và cũng bởi giai đoạn này em bị "khủng hoảng tuổi lên ba" nên em gây stress cho ba mẹ mỗi khi dạy em đúng sai, phải trái. Em thích làm ngược lại với những gì mẹ nói, em thích la hét khi không đúng ý, em hay đánh bạn để tranh giành đồ chơi ... Mẹ không muốn áp dụng đòn roi với em, vì điều đó đi ngược lại với lý tưởng của mẹ nhưng có vẻ như không đánh thì em sẽ trở thành một em bé không ngoan.
Rồi mẹ nghĩ ra phần thưởng đến từ cô tiên - từ phép màu. Mẹ cho em xem hình cô tiên bay bay tay cầm đũa thần biến biến (mở youtube ra) , rồi mẹ nói với em: "Cô tiên sẽ bay tới nhà nào có em bé và tặng quà cho các em bé ngoan đấy, Bôn hôm nay ngoan nhé, để xem cô tiên có tặng quà Bôn không nhé".
Bôn hôm đó ngoan như mèo, nói gì cũng nghe lời. Mẹ thấy thế lén bỏ ra ban công quà, rồi gợi ý em ra đó coi cô tiên tặng quà chưa. Lúc em thấy món quà, mặt em ngạc nhiên, mắt em sáng bừng, còn hét ầm lên "cám ơn cô tiên". Thế là từ đó tới giờ em rất dễ chịu, biết nghe lời mẹ hơn, ráng ngoan hơn để cô tiên còn thương. Thi thoảng mẹ lại lén làm tiên cô, bỏ xe McQueen, xe máy màu xanh dương, ... ra ban công, và lúc nào em cũng mừng ơi là mừng khi thấy quà, và khi nào không có quà thì em tự nói: "tại Bôn chưa ngoan đấy mẹ". Có hôm em nghĩ ra cách cám ơn cô tiên, thế là em đem chuối ra ban công để. Hôm đó, mẹ phải ăn nhanh kịp thời rồi bỏ lại vỏ chuối để chứng minh. Diễn tròn vai này khiến mẹ và Bôn đều vui.
Bài học rút ra: Sống có mục đích, bước đi sẽ đúng hướng hơn, hạnh phúc luôn ở phía trước, phía cuối con đường.
Theo chị Hằng, khi bé ý thức được rằng cô tiên chỉ tặng quà cho em bé ngoan, nghĩ là trong tiềm thức của bé luôn cố gắng hết mình để ngoan trong mọi tình huống để cô tiên đánh giá … Bé không hành động đối phó vì cô tiên có thể biết được tất cả mọi việc bé làm, ngay cả lúc không có người lớn. Bé sẽ trở nên ngoan hơn để cô tiên yêu, bé thích cô tiên tặng quà chứ không phải là món quà gì, do đó bố mẹ không phải quan trọng quà gì, đôi khi chỉ là một cái kẹo cũng được.
>>Dạy trẻ tiếng Anh: Nếu bạn không giỏi, hãy tự tin học cùng con!
>>Câu chuyện giáo dục: Cú “sốc” trường công
Dạy và học với niềm vui, tiếng cười
Dạy con học là niềm vui của bố mẹ nhưng có em thích học, có em không thích học. Khi trẻ còn nhỏ, hãy cho bé tiếp cận với kiến thức bằng phương cách vui vẻ nhất, thú vị nhất có thể, để việc học với các em trở nên dễ dàng và vui vẻ, bé sẽ yêu thích học hành trong tương lai. Vậy học thế nào nhỉ?
Dạy bé số, chữ cái, màu sắc: Hãy dán những thứ muốn dạy lên trên tường, xung quanh nhà hoặc ném tùm lum ra nhà. Sau đó sẽ thi xem ai chạm được nhanh nhất. Nhà nào có anh chị em thì dễ rồi, thi giữa "chúng nó" với nhau, không có thì kéo hàng xóm qua, không có hàng xóm thì ba, mẹ, bà ... bò ra làm em bé vậy.
Ví dụ: Chủ đề là hình học. Mẹ dán các hình muốn dạy lên tường. Mẹ hét: hình tròn. Thế là, các bạn ý lao nhanh đến hình tròn và đập cái ầm. Ai nhanh hơn thắng. Mà chạy đập vài lần là chán (con nít mà), mình đổi qua bò, trườn, nhảy lò cò...vui lắm. Hay là mẹ cắt nhiều hình tròn, nhiều hình vuông .... ném ra sàn. Chuẩn bị mấy cái rổ để phân loại. Mẹ hét: "hình tròn" là các bạn ý đi kiếm hình tròn bỏ vào một rổ, hình vuông bỏ vào một rổ... Kết thúc ai lượm nhiều hơn thắng.
Mục đích để các bạn học nhưng cũng để các bạn chơi. Và một điều quan trọng là việc dạy học cho trẻ phải đảm bảo tính lặp lại, mà lặp lại thường dễ gây nhàm chán. Bé chơi thế này sẽ không chán vì tiếp cận một kiến thức với nhiều cách khác nhau.
Cho con tưởng tượng: Thế giới trẻ thơ đầy ắp trí tưởng tượng và sáng tạo. Hãy nói với em là: "hôm nay, con làm TV nhé, mẹ sẽ là cái remote nè. Nào chúng ta bật TV lên, bây giờ mẹ đưa tay tới ngang bụng thì có nghĩa là TV chỉ hát vừa vừa thôi nhé. Mẹ đưa tay cao dần lên là TV hát to dần lên, mẹ đưa tay chạm đất là TV chỉ có hình mà ko có tiếng nè". Và lúc đó con sẽ hát, và mẹ điều chỉnh âm thanh. Có lúc TV hát mà như hét, đỉnh điểm có thể là mẹ nhảy cao thiệt cao, có lúc TV chỉ mấp máy môi thôi. Vui thiệt vui!
Ngoài ra, chị Hằng còn có "một kho" những trò chơi tương tác đơn giản mà hữu ích khác mà các bố mẹ có thể học tập để vừa học vừa chơi cùng con như: Dạy bé cắt, dán, vẽ để bồi dưỡng tâm hồn và óc sáng tạo, Vẽ truyện tranh mà con là nhân vật chính, Học trong nhà tắm…. Mời độc giả đón đọc ở những bài tiếp theo.
Bạn cùng chơi và dạy bé như thế nào, hãy chia sẻ câu chuyện và phương pháp của bạn với Tintuconline bằng cách comment ở cuối bài hoặc gửi mail đến địa chỉ: tintuconline@vietnamnet.vn |