Nhiều vụ đánh bạn hội đồng: Báo động tâm lý a dua, hiếu chiến
Vụ nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng (tháng 1/2015) đã lắng xuống với những hình phạt được cho là thích đáng được đưa ra ngày 16/3/2015. Thế nhưng từ đó đến nay, chưa được nửa tháng lại liên tục có những vụ đánh hội đồng khác xảy ra.
Vụ việc nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng đã lắng xuống với những hình phạt được cho là thích đáng được đưa ra ngày 16/3/2015. Thế nhưng từ đó đến nay, chưa được nửa tháng lại liên tục có những vụ đánh hội đồng khác xảy ra.
Một tháng, 4 vụ đánh bạn hội đồng
Theo nguồn tin từ Chuyển động 24h, ngày 19/3/2015, một vụ bạo lực học đường nghiêm trọng đã xảy ra tại trường THPT Trung Giáp, huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Nạn nhân là em Em Trần Thị Phương Lan - bí thư lớp 10E. Lan đã bị 4 bạn học khác xúm lại đánh đến đa chấn thương, lún xương cánh mũi mà nguyên nhân dẫn tới sự việc chỉ là nhìn “không ưa”.
Báo Tiền Phong đưa tin, chiều 18/3/2015, một học sinh lớp 6 bị đánh hội đồng tại Trường THCS Hùng Vương (TP Long Xuyên). Nạn nhân là em Nguyễn Trịnh Thu Tuyết, lớp trưởng lớp 6A6, bị một nhóm học sinh lớp 8 vây đánh ngay trong trường học. Tuyết vùng vẫy tự vệ để thoát thân, liền bị nhóm học sinh nữ đi cùng nắm tóc đập đầu em xuống nền gạch...
Trước đó, ngày 15/3/2015 một clip gần 40 em học sinh của trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hỗn chiến như giang hồ được sẻ trên mạng và báo chí đưa tin khiến nhiều người sửng sốt.
Ngày 13/3/2015, trên VTV1 cũng đưa tin 1 nữ sinh Q.T.P.Hà, học sinh lớp 11 Trường THPT Tử Đà, tỉnh Phú Thọ đã bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng đến mất khả năng nói vì hiểu lầm từ những dòng trạng thái em viết trên mạng xã hội Facebook.
Báo động tâm lý a dua, hiếu chiến
Đứng trước thực trạng ngày càng nhiều các vụ học sinh đánh nhau diễn ra, không ít phụ huynh hoang mang lo lắng mỗi khi con cái ra khỏi nhà.
“Vụ Trà Vinh bị báo đài phanh phui ầm ầm như vậy, rồi xử lý kỷ luật thế nào cũng được truyền thông đăng tin rất rộng rãi vậy sao vẫn nhiều học sinh manh động đến vậy? Hở ra là rủ đánh nhau. Tôi nghĩ có thể do vụ trước xử phạt quá nhẹ nên bọn trẻ chưa sợ. Hơn nữa chúng cho rằng đánh hội đồng, có sao thì cũng phạt cả nhóm chứ không riêng mình nên cũng chẳng xấu hổ", anh Giang (Nam Từ Liêm) nhận định.
ThS. Lê Thị Lan Anh |
Theo anh Giang, ngoài việc xử lý thật nghiêm và thấu đáo những trường hợp xảy ra để làm gương cho học sinh khác không dám tái phạm nữa, trách nhiệm của gia đình là lớn nhất. Phụ huynh phải định hướng nhân cách, giáo dục đạo đức cho con cái từ nhỏ. Và khi đi học thì kết hợp với nhà trường điều chỉnh nhận thức cho con với tinh thần cầu thị, chứ cứ bênh chằm chặp trước mặt thầy cô bạn bè thì đứa trẻ nào chẳng hư.
Đứng ở góc độ chuyên gia, ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) cho rằng: “Tổ chức đánh hội đồng hay tham gia vào đánh hội đồng - chứng tỏ tâm lý a dua, hiếu chiến đã manh nha trong học trò từ rất sớm. Không có giải pháp nào tối ưu cho mọi đối tượng, nhưng chúng ta có thể giúp học trò theo hướng nhân văn như các khóa học về tình yêu và sự sẻ chia, khóa học về lòng biết ơn, thăm trẻ mồ côi, người già neo đơn, bệnh viện...”.
“Bên cạnh đó là tích cực xây dựng các chương trình ngoại khóa để học trò được giao lưu, chia sẻ và gắn kết tình cảm bè bạn… Muốn học trò sống hòa nhã, nhân ái thì môi trường sống phải luôn cho trẻ thấy được những giá trị nhân văn của tình yêu thương".