Những chuyện cười ra nước mắt ở phòng thi đại học

Mỗi mùa thi đại học đến, nhiều trường ĐH-CĐ vẫn phải sử dụng giám thị là sinh viên. Không ít trong số những giám thị đã gặp phải những câu chuyện dở khóc dở cười.

 
Loan, cựu sinh viên báo chí nhớ lại kỉ niệm coi thi đại học cách đây 2 năm. Hôm đó là buổi thi môn Địa lí. Loan khá bất ngờ khi một trong số thí sinh lại học cùng trường cấp 3. Hai chị em nhìn nhau cười nhưng Loan vẫn giữ thái độ nghiêm túc, có chừng mực.
 
Trong giờ làm bài, lúc Loan mang thêm giấy, thí sinh này liếc nhìn xung quanh rồi hỏi nhỏ: “Em thấy bạn đằng kia (chỉ tay về phía đầu bàn cạnh giám thị 1) cúi đầu làm từ đầu. Chị xem bạn ấy làm thế nào, giúp em với!"
 

Giám thị trong kỳ thi ĐH (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Nói rồi, cô bé chỉ vào giấy thi và hỏi “chị thấy bản đồ này giống bài bạn ấy không?”. Loan chỉ biết cười nhẹ, nhắc làm bài đi và rằng “giúp em, chị có thể bị đuổi khỏi trường đang học. Em thông cảm cho chị”.

Chưa hết, Loan tiếp tục gặp tình huống dở khóc dở mếu khi một nam thí sinh đòi ra ngoài phòng uống nước nhưng giám thị 1 (là giảng viên đại học lớn tuổi) không cho phép.  Cô giáo này yêu cầu Loan - là giám thị 2 - ra lấy nước cho thí sinh.

Thấy Loan lóc cóc đi lấy nước rồi mang cốc ra ngoài, mấy em trai hùa nhau vào trêu. Loan đi cất cốc, về chỗ của mình một em khác lên tiếng xin nước. Cứ thế, đến gần 10 lần. Loan mệt phờ. Mấy thí sinh nam thì cười rúc rich. "Bực mình quá nhưng không làm gì được" - Loan bày tỏ.

Một tình huống khá kì cục trong phòng thi cũng được Loan chia sẻ. “Một thí sinh ngồi bàn cuối, khi vào phòng thi mang theo bao thuốc lá nhưng hai giám thị chúng em không phát hiện ra. Trong giờ, em này chỉ ngồi vắt chân rồi giả vở cúi xuống gầm bàn coi bài.

Em tới nơi hóa ra là cậu đang nghịch bao thuốc lá nên tịch thu và nhắc nhở trật tự. Mất thứ để nghịch, em này vờ làm bài. Mặc dù chưa hết tờ giấy thi số 1 nhưng vẫn xin thêm giấy làm bài.

Chỉ chờ em mang giấy, cậu hỏi đủ chuyện. Giám thị 1 là cô giáo già có kinh nghiệm nên dùng lời lẽ vừa nhẹ nhàng như đe nẹt, em ấy mới chịu ngồi yên”.

Thanh Hoa, một cựu sinh viên vừa tốt nghiệp khối ngành xã hội chia sẻ: “Thấy dáng em nhỏ, dễ thương, nhiều em nam từ gọi bằng cô rồi sang chị. Trước giờ làm bài, mấy đứa viết ra giấy nháp hỏi chị sinh năm bao nhiêu, quê ở đâu, tên Facebook là gì. Vào giờ làm bài môn Văn, môn Địa, thấy em nhìn đề nhiều em cũng hỏi. Em nghiêm mặt yêu cầu các em trật tự để làm bài cho tốt”.

“Nhiều em không nghiêm túc, em làm giám thị 2 phải nhắc đến 3-4 lần mới thôi hỏi bài bạn. Nếu theo quy chế, em hoàn toàn có thể đánh dấu trừ điểm các em. Nhưng nghĩ tới thời mình cũng đi thi, rồi cảnh bố mẹ các em vất vả đợi con dưới nắng nên bọn em chỉ nhắc nhớ thôi” – Hoàn, một sinh viên khối kĩ thuật phân trần. Đây cũng là sẻ chia của khá nhiều sinh viên khi đi làm giám thi coi thi ĐH-CĐ.

Năm nay Hà Lan tiếp tục đi xem thi đại học. Cô nhớ lại lần đầu tiên xem thi. Phòng toàn nam sinh nhưng các em khá ngoan, trật tự làm bài. Có một thí sinh không làm được, chán nên gục xuống bàn ngủ. Được một lát rồi dậy, ngáp ngắn dài.

Hết 2/3 thời gian làm bài môn Toán, Hà Lan đến nhắc và nói em có thể ra về được rồi. Chỉ chờ vậy em này mang bài lên nộp. Thấy em ghi trong tờ giấy thi sai số báo danh. Đây là phần quan trọng.

Nếu thí sinh ghi sai thì bài sẽ bị loại, sẽ thiệt cho em ấy mà Hà Lan cũng bị nhắc nhở.  Vậy là cô yêu cầu thí sinh phải chép lại toàn bộ bài đã làm, mặc dù biết bài em ấy làm chưa hết trang giấy lại sai khá nhiều. Xong xuôi em mới cho ra khỏi phòng thi”.

Vất vả khi phải dậy sớm từ 5h lo trang phục chu đáo để đúng 6h tập trung tại hội đồng thi nghe phổ biến lại quy chế, bốc thăm giám thị phòng thi,… rồi những tình huống dở khóc dở cười nhưng nhiều sinh viên khá vui bởi được góp phần quan trọng vào kỳ thi ĐH-CĐ.
 
Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.