Giáo viên vẫn băn khoăn đề thi
Nhận xét đề thi minh họa môn Hóa học của Bộ GD-ĐT, thầy giáo Hoàng Anh Tài - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận xét điều khác biệt trong đề minh họa này so với các đề thi đại học năm 2013, 2014 là các câu hỏi bài tập phải học sinh khá giỏi mới có thể làm được, không còn những câu “cho điểm” như trước nữa.
Học sinh lớp 12 trường THPT Đại Từ (Thái Nguyên) trước một buổi thi thử |
Một số bài tập tính toán đòi hỏi học sinh phải vận dụng thành thạo các phương pháp giải nhanh. Đặc biệt, trong đề này có những câu mới lạ nhưng quá khó và phải vận dụng toán học nhiều mới làm được như câu 43, 49.
Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), anh Trần Mạnh Tùng, sau khi cho học sinh làm thử đề minh họa môn Toán, nhận xét rằng học sinh có lực học trung bình có thể đạt 5, 6 điểm. Cùng với điểm tổng kết năm lớp 12 thì khả năng đỗ tốt nghiệp của học sinh là rất cao. Khả năng đỗ đại học của học sinh trung bình cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, giáo viên này cho rằng Bộ GD-ĐT cần lưu ý để đề thi thật hoàn chỉnh hơn như nên xếp thứ tự các câu từ dễ đến khó... Đặc biệt, việc sử dụng một khái niệm được giới thiệu thêm từ năm lớp 9 (ở câu 7 sử dụng khái niệm đường tròn bàng tiếp), theo anh Tùng thì “Tôi thử hỏi 20 em học sinh 12 thì chỉ có khoảng 1 em biết được khái niệm này. Mục đích của người ra đề là muốn nhấn mạnh sự rải rộng của kiến thức, đánh động đến giáo viên và học sinh nhưng theo tôi, nó rất khiên cưỡng và do thời gian còn lại chưa được 3 tháng nên nó gây hoang mang cho học sinh”.
Trước những băn khoăn của giáo viên và học sinh về việc Bộ GD-ĐT có tiếp tục công bố thêm đề minh họa không, vì việc công bố mỗi môn chỉ có một đề dường như hơi ít, thì tin từ Cục Khảo thí cho biết cho tới thời điểm này Bộ không có kế hoạch đưa thêm đề thi minh họa.
Chứng chỉ Anh văn quốc tế: Nơi ưu tiên, chỗ… lắc đầu
Trường ĐH Hoa Sen dành tối đa 10% (270 chỉ tiêu) cho tất cả các ngành tuyển sinh bậc đại học và cao đẳng của trường để xét tuyển vào ĐH đối với tất cả các thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ Anh văn quốc tế. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dành 20% chỉ tiêu ngành sư phạm tiếng Anh để xét tuyển thẳng TS đạt điểm IELTS quốc tế nhưng từ mức điểm 6.0 trở lên hoặc tương đương với một số điều kiện kèm theo.
Đặc biệt, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM công nhận mức điểm tối đa (điểm 10) cho những thí sinh đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Tuy nhiên, các trường đại học thuộc nhóm đầu lại không mấy quan tâm tới loại chứng chỉ này.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, rất khó quy ra điểm theo các chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau, vì vậy thí sinh muốn xét tuyển vào trường vẫn phải thi ngoại ngữ và không có ưu tiên gì khác.
Với một trường đào tạo nhiều ngành ngoại ngữ, ĐH Hà Nội cũng không có ưu đãi nào trong tuyển sinh cho đối tượng này. Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Để đảm bảo công bằng cho các thí sinh thi tuyển vào trường, trường sẽ không miễn thi môn ngoại ngữ cho những em đã có các chứng chỉ mà Bộ quy định. Tuy nhiên, sau khi trúng tuyển, trường có thể cho học vượt căn cứ vào năng lực của sinh viên”.
Cùng quan điểm, lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết chứng chỉ ngoại ngữ không có giá trị trong việc tuyển sinh vào trường. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi trúng tuyển vào trường, chứng chỉ của các em sẽ được xem xét để được miễn học môn ngoại ngữ trong thời gian tương đương.
Thí sinh tự do vẫn… ngơ ngác
Không được cập nhật và giải đáp thông tin thường xuyên như học sinh phổ thông, với những thay đổi mới của kỳ thi năm nay, nhiều thí sinh tự do tỏ ra khá lúng túng.
Nguyễn Văn Hùng, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nam nhưng đang học cao đẳng tại TP.HCM, năm nay muốn thi lại đại học, không rõ mình có thể chờ đến tháng 6 ra Bắc để xin xác nhận rồi mang đi dự thi không, hay phải lấy xác nhận sớm để nộp cùng hồ sơ đăng ký dự thi.
Lê Văn Thắng cũng là thí sinh tự do, có hộ khẩu thường trú tại Nghệ An nhưng hiện tại đang đi làm thêm và ôn thi ở Hà Nội cũng băn khoăn về địa điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi, khi không rõ có thể nộp hồ sơ ở một trong các điểm thu nhận hồ sơ tại Hà Nội và đăng ký thi tại cụm thi ở Hà Nội hay em vẫn bắt buộc phải nộp và dự thi ở cụm thi Vinh.
Về vấn đề này, chuyên gia của Cục Khảo thí cho biết có quy định về giấy xác nhận của địa phương hoặc trường THPT đối với trường hợp thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi các năm trước, do có hạnh kiểm yếu hoặc học lực kém. Tuy nhiên, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT thì không cần những giấy xác nhận này. Thí sinh tự do có thể mua hồ sơ, khai đầy đủ thông tin, ký tên sau đó nhờ người thân ở quê mang đến công an xã xác nhận, rồi chuyển lại để kịp nộp hồ sơ đăng ký dự thi đúng thời hạn quy định.
Theo quy chế, thí sinh tự do có thể nộp hồ sơ ở bất cứ nơi nào phù hợp với điều kiện sinh sống của thí sinh…
Giáo viên Trần Mạnh Tùng đề nghị: “Trong một thời gian ngắn, những sự thay đổi đều gây khó khăn cho học sinh. Để có được kết quả của một hoạt động giáo dục chúng ta cần nhiều thời gian chứ không phải nói thay đổi là thay đổi ngay được. Năm 2015, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố cấu trúc đề thi, đề phòng học sinh học tủ, học lệch. Sự thất bại của chương trình phân ban, của bộ sách nâng cao minh chứng rằng: Cần dạy và học có trọng điểm, không thể lan man, dàn trải được. Nhiều hình thức thi chất lượng đều có cấu trúc đề thi: Ielts, Sat, Pisa,… vẫn kiểm tra được đủ các kĩ năng và tạo thuận lợi rất nhiều cho người học. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT vẫn công bố cấu trúc đề thi và giữ ổn định đến khi thi theo chương trình và sách giáo khoa mới (2019)”. |
Theo Phương Chi/VietNamnet