"Ở nhà đổ cám cho lợn còn hơn làm giáo viên mầm non"

Vì gia đình không đồng ý nên cuối cùng, L đành gác bằng đại học, chăm lợn cho gia đình chồng.

Vì gia đình không đồng ý nên cuối cùng, L đành gác bằng đại học, chăm lợn cho gia đình chồng.

Gác bằng cử nhân... để nuôi lợn

Sinh ra trong một gia đình khá giả, lại thông minh nên Nguyễn Thị L. (sinh năm 1991, Vĩnh Phúc) luôn xác định theo đuổi con đường đại học để sau này có một công việc ổn định và nhàn hạ.

Tốt nghiệp THPT, L. quyết định thi vào khoa Giáo dục mầm non của trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), phần vì yêu quý trẻ em, phần vì muốn được làm việc gần nhà.

Nhưng “đời không như là mơ”, ra trường L. chờ đến hơn một năm mà chưa xin được việc dù cô tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Vừa lo lắng chuyện công việc, vừa buồn phiền vì người ngoài soi mói, L. như ngồi trên đống lửa.

"o nha do cam cho lon con hon lam giao vien mam non" hinh anh 1

Vì không được gia đình chồng đồng ý nên L. đành "gác" lại tấm bằng đại học, ở nhà đi buôn cùng chồng (Ảnh minh họa)

Trong khi L. cầm tấm bằng chạy vạy khắp nơi để tìm việc thì bố mẹ cô lại lo đứng, lo ngồi về chuyện chồng con của con gái. Hàng ngày, L. phải nghe không ít lời giục giã của bố mẹ, họ hàng về chuyện lấy chồng rằng, con gái có thì, qua tuổi 23, 24 già xấu rồi thì không ai thèm ngó.

Dù rất muốn ổn định công việc rồi mới “xuất giá tòng phu” nhưng vì bố mẹ gây áp lực quá nhiều nên L đành đồng ý lấy một người con trai làng kế bên với lời hẹn ước "sẽ xin việc đúng ngành cho con dâu".

Nhưng ngay khi bước chân về nhà chồng, L. đã bị “cuốn đi” bởi khối lượng công việc của một gia đình buôn bán lợn. 3 giờ sáng, cô phải dậy chuẩn bị cơm nước cho chồng đi lấy hàng, 10 giờ trưa lại phải lên bãi đổ cám, bơm lợn (nhồi cám cho lợn), xếp hàng để xe chạy đúng giờ, chiều về lại vùi đầu vào việc nhà, bếp núc. Ngày nọ nối tiếp ngày kia như vậy, cô cũng quên mất tấm bằng cử nhân đang nằm im trong tủ, chờ một ngày chủ nhân lấy ra đi xin việc.

Đến hè năm 2015, L. mừng rỡ nghe tin trường mầm non gần nhà tuyển giáo viên. Cô hồ hởi về khoe nhà chồng và tất bật chuẩn bị hồ sơ, đi nộp. Nào ngờ, câu nói của mẹ chồng vang lên, dõng dạc, sắc cạnh như cắt vào da thịt: “Làm cô giáo mầm non lương tháng 2 triệu thì đi làm gì, thà ở nhà đổ cám cho lợn còn được việc hơn”.

Cầm tấm bằng đỏ trên tay, cô không tin vào tai mình vì trước đó nhà chồng đã hứa sẽ để cô tìm và làm việc theo ngành.

“Trước nay, mình chăm chỉ làm việc nhà chồng vì nghĩ đó là phận làm dâu, hơn nữa, lúc đó cũng chưa có chỗ nào tuyển mà xin việc. Nào ngờ, giờ có cơ hội rồi, họ lại lật kèo, nói thà ở nhà đổ cám cho lợn còn hơn đi làm lương 2 triệu. Ấm ức thế thôi chứ mình cũng không dám cãi lời vì “thuyền theo lái, gái theo chồng”, hơn nữa lại bầu bí, xích mích với nhà chồng sau này lại chỉ khổ mẹ, khổ con. Thôi thì đành nghĩ thoáng, việc nào cũng là việc, miễn sao có ăn, có mặc”, L. tâm sự.

Tuy vậy, mỗi lần ngó tấm bằng đỏ, cô nàng cử nhân vẫn tiếc công lao bố mẹ nuôi ăn học bao năm. Không chỉ vậy, điều khiến cô tiếc nuối hơn hết chính là ước mơ, hoài bão chưa thể hoàn thành. 

Tủi nhục vì không xin được việc

T.T.H, cô gái xinh xắn trong một gia đình làm nông tại Thái Bình. Từ nhỏ, H đã nổi tiếng chăm ngoan, học giỏi. Thi đỗ cấp ba một trường công trong huyện, ngày ngày H cùng bạn bè đạp xe hàng chục cây số đến lớp, cặm cụi đèn sách trong suốt ba năm.

Tốt nghiệp bằng giỏi THPT, cô mạnh dạn đăng ký thi khoa Quản trị kinh doanh trường Học viện Tài chính. Nhưng vì thiếu nửa điểm, cô đành nộp nguyện vọng 2 ngành Kế toán trường ĐH Mở Hà Nội bởi, cô lo sợ một năm ở nhà ôn thi lại sẽ làm lỡ dở chuyện học hành.

Nhớ lại quãng thời gian đối mặt với những lựa chọn khó khăn này, H chia sẻ: “Khi biết trượt Học viện Tài chính, mình buồn lắm, cảm giác như đã phụ công lao thầy cô, cha mẹ. Mình cũng không đủ kiên trì ôn thi lại nên quyết định nộp nguyện vọng hai. Lúc ấy, mình chỉ cần được lên Thủ đô học, chứ không nghĩ được nhiều”.

"o nha do cam cho lon con hon lam giao vien mam non" hinh anh 2

H hiện đang làm công nhân cho một công ty may

Bố mẹ H tin tưởng con gái nên cũng không can dự nhiều. Bốn năm học đại học, cô chăm chỉ vừa học, vừa làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. H xin vào làm thêm cho một quán cà phê nhỏ. Tại đây, cô quen T, chủ quán, cả hai cảm mến nhau ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ.

T hơn H 10 tuổi, là con trai duy nhất trong một gia đình gia giáo. Hoàn cảnh gia đình quá chênh lệch tạo một vách ngăn giữa đôi bạn trẻ. Nhưng bởi sự chân thành của “cậu chủ”, H đã bỏ ngoài tai tất cả, can đảm yêu và tính đến chuyện hôn nhân dù chưa tốt nghiệp ra trường.  

Lấy được trai Hà Nội như “chuột sa chĩnh gạo”, bố mẹ H rất mát mặt với bà con làng xóm. Cô cũng mừng ra mặt vì lấy được người mình yêu.

H luôn cố gắng lo chu toàn công việc nhà để làm hài lòng mẹ chồng. Nhưng quan hệ giữa mẹ chồng giàu và nàng dâu nghèo không dễ cải thiện, đặc biệt là từ khi H ra trường.

Gia đình nhà chồng không giúp H trong chuyện xin việc, mẹ chồng cũng nhắc khéo con trai: “Cưới con bé về rồi, nuôi cho nó ăn học rồi, còn chuyện xin việc là của nhà bên đấy". Không muốn khó xử cho chồng và biết bố mẹ đẻ chẳng đủ tiền lo cho con một công việc ổn định, H đôn đáo ngược xuôi tìm việc.

Nhưng cô không lường hết những khó khăn xảy ra, không một công ty uy tín nào chấp nhận tấm bằng loại trung này. H đành gửi hồ sơ vào một công ty may xuất khẩu ở quận Hà Đông theo nguồn tin cô tìm được trên mạng. Quản lý nhận H với tư cách một người học việc.

H có việc nhưng công việc cô được giao không phải chuyện sổ sách như đúng ngành học mà là phụ bê đồ đạc, rồi làm máy móc chẳng khác gì một công nhân may. H ấm ức nhưng nghĩ đến chuyện bỏ việc sẽ thất nghiệp ở nhà, cô không biết phải đối diện với mẹ chồng ra sao, đành cắn rằn chịu đựng.

H kể, có lần, cô may không khéo bị kim đâm vào tay, thấy vậy T xót xa ngồi băng bó cho vợ cẩn thận. Mẹ chồng cô đi qua thấy cảnh đó, nói oang oang: “Còn phải khổ nhiều. Với cái bằng đấy chỉ có thể làm công nhân thôi chứ đời nào nó nhận về làm sếp".

Đau đớn, tủi hổ H không biết mình đã sai trong lựa chọn nào. Giá như cô vẫn kiên trì thi lại Học Viện Tài chính Hà Nội chắc tấm bằng đã có giá trị hơn. Nhưng nếu như thế, liệu cô có gặp được người chồng hiện tại của mình?

Cô sẵn sàng đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền, miễn lấy được người mình yêu nhưng lại khó có thể chấp nhận sự kinh miệt của gia đình chồng.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.