Trường mầm non công lập “ngại” giữ trẻ ngày thứ Bảy

Số lượng trẻ nhận giữ tại các trường vẫn hạn chế vì nhiều lý do khác nhau.

Sau một thời gian thực hiện, hiện nay nhiều trường mầm non công lập ở TP.HCM có tổ chức nhận giữ trẻ ngày thứ Bảy để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ phụ huynh. Tuy nhiên, số lượng trẻ nhận giữ tại các trường vẫn hạn chế vì nhiều lý do khác nhau.

Hầu hết trường nhận trẻ vào ngày này hiện nay đều tự lên kế hoạch tổ chức theo nhu cầu thực tế trong trường và thỏa thuận trực tiếp với phụ huynh là chính.

Như ở quận Tân Bình, hiện có 11.683 trẻ theo học ngày thứ Bảy ở các trường hoặc nhóm lớp công và ngoài công lập, chiếm gần 50% tổng số trẻ mầm non trong quận.

Tuy nhiên, hầu hết các trẻ học ở những trường, nhóm lớp ngoài công lập do đặc thù của loại hình này hoạt động theo nhu cầu và điều kiện của phụ huynh.

Cụ thể, quận có 26 trường mầm non công lập với hơn 10.000 trẻ nhưng chỉ có tám trường nhận giữ trẻ ngày thứ Bảy với 517 trẻ do 80 cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc; 41/46 trường ngoài công lập nhận giữ trẻ trong ngày này với 6.872 trẻ theo học và do 609 cán bộ, giáo viên, công nhân viện làm việc. Riêng 126 nhóm trẻ trong quận đều nhận giữ trẻ vào ngày này với hơn 4.000 trẻ và do 445 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc.

Bà Phạm Thị Phước, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, cho hay quận thực hiện nhận giữ trẻ thứ Bảy từ vài năm nay và số trẻ tăng dần theo từng năm. Phần lớn các trường công lập nhận giữ trẻ vào ngày này đều nằm ở các khu đông dân cư. Các trẻ này đều là con em gia đình lao động, do đặc thù công việc nên không có điều kiện để giữ con vào ngày này. Theo bà Phước, vì là ngày cuối tuần nên hầu hết trường giữ trẻ bằng cách tổ chức nhiều hoạt động vui chơi là chính. Giáo viên và nhân viên nào đăng ký giữ trẻ ngày này sẽ luân phiên nhau giữ trẻ theo từng tuần. Mức phí đóng do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh. Trung bình, giao động từ 150.000 đồng đến hơn 400.000 đồng/tháng/trẻ, tùy theo số lượng trẻ nhiều hay ít.

“Mỗi trường chỉ nhận vài chục trẻ thôi nhưng công việc cũng rất lớn. Trường cũng phải huy động bộ máy đội ngũ sao cho đáp ứng tối thiểu hoạt động trong ngày của trẻ như ăn uống, sinh hoạt, vui chơi, đưa đón... Trường nào muốn tổ chức nhận trẻ vào ngày này cũng phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng vì phải luôn đặt việc đảm bảo an toàn tuyệt đối của trẻ lên hàng đầu” - bà Phước nói.


 Phần lớn số trẻ đang được giữ ngày thứ Bảy đều ở các trường ngoài công lập (Trong ảnh: Cô trò lớp lá  trong giờ học tại một trường tư thục ở quận Tân Phú, TP.HCM)

Không chỉ Tân Bình, việc triển khai nhận giữ trẻ ngày thứ Bảy cũng đang trong quá trình thí điểm thực hiện như ở quận 3, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân...

Theo ý kiến từ một số hiệu trưởng của các quận/huyện, việc mở lớp hay không còn phụ thuộc vào điều kiện về đội ngũ của nhà trường có nhu cầu làm thêm ngày thứ Bảy hay không. Một số trường muốn nhận trẻ nhưng không có đủ nhân sự vì mọi người muốn dành thời gian cuối tuần cho gia đình thay vì ở lại trường để làm nhưng lương không được bao nhiêu. Hơn nữa, với trẻ mầm non, điều kiện về an toàn và đảm bảo sức khỏe phải cao nên một số trường “ngại” nhận trẻ cuối tuần vì sợ những rủi ro không đáng có.

Một số ít giáo viên cũng lo ngại về việc để trẻ ở trường quá lâu trong tuần sẽ làm ảnh hưởng đến tình cảm, sự gắn kết của trẻ với gia đình, người thân.

Theo PLO



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.