"Ăn cơm trước kẻng", con lớn mới cưới có gì đáng tự hào?

Trong khi một số người ủng hộ việc có con mới cưới, không ít ý kiến cho rằng, đó giống như chuyện con gái đang cầm dao đằng lưỡi.

Trong khi một số người ủng hộ việc có con mới cưới, không ít ý kiến cho rằng, đó giống như chuyện con gái đang cầm dao đằng lưỡi.

>>
“Ăn cơm trước kẻng”: Thời nào còn quan trọng trinh tiết?

“Tôi có người bạn rất xinh gái. Cô 25 tuổi và có mối tình hơn một năm với bạn trai khác quê. Một ngày mùa hè, cô báo tin đã có bầu nhưng quyết định đẻ xong mới làm đám cưới vì nhiều lý do khác nhau.

Sau khi sinh con được vài tháng, cô mặc áo cưới cùng anh về nhà chồng dưới những ánh mắt xét nét. Có người thật tâm chúc mừng nhưng cũng không ít người lời ra tiếng vào”.

Đó là lời kể của Mai Hoa (25 tuổi, Hà Nội) về một người bạn “trót” đẻ xong mới cưới.

Câu chuyện chưa chồng mà có chửa, "ăn cơm trước kẻng", thậm chí sinh con xong mới làm đám cưới không còn quá xa lạ tại Việt Nam hiện nay. Thực tế, nhiều người ngày càng có quan niệm “thoáng” hơn trong việc này.

Tuy nhiên, xã hội Á Đông đôi khi vẫn luôn nặng nề về vấn đề truyền thống, đánh giá phụ nữ nên cũng có không ít người lên tiếng phản đối, không chấp nhận lối sống cởi mở của giới trẻ.

"Ăn cơm trước kẻng" - chuyện không còn xa lạ

Mới đây, nhiều diễn đàn chia sẻ câu chuyện cô gái tên Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1992, quê Bắc Giang) có con trai hai tuổi mới làm đám cưới.

Hằng cho biết, người yêu phải đi làm xa nên cặp đôi chưa thể tổ chức ngay hôn lễ. Cả hai bên gia đình ban đầu ra sức phản đối chuyện này, bắt cô bỏ bé.

Hằng từng một mình vượt cạn trước nhiều lời dị nghị từ bạn bè, hàng xóm. Con được hai tháng tuổi, 9X mới được nhà chồng chấp nhận và đón về chăm sóc. Ngày sinh nhật con hai tuổi cũng là lúc cặp đôi chính thức về chung một nhà.

'An com truoc keng', con lon moi cuoi co gi dang tu hao? hinh anh 1
Câu chuyện có con mới làm đám cưới hiện gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Tuy chịu nhiều vất vả nhưng cô gái Bắc Giang luôn cảm thấy tự hào vì điều đó. Ngày cưới có con trai chung vui cùng bố mẹ vẫn là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời cô.

Nhiều dân mạng đã bày tỏ sự đồng cảm với Nguyễn Thị Hằng. Bởi thực tế, họ từng gặp không ít trường hợp tương tự.

Huệ Trần ủng hộ: “Sinh xong rồi cưới là chuyện quá bình thường, sao nhiều người cứ quan trọng hóa vấn đề? Bây giờ xã hội nhan nhản vô sinh, chỉ sợ không đẻ được thôi.

Hơn nữa, cưới lúc nào không quan trọng, cốt yếu là sống với nhau được bao lâu, có hạnh phúc hay không? Dù sao mình cũng không phản đối việc này”.

“Tậu cả trâu lẫn nghé, niềm vui nhân đôi chứ có gì mà chê trách đâu nhỉ? Đám cưới bây giờ cũng chỉ mang tính hình thức. Mọi người nên có cái nhìn thoáng hơn về 'ăn cơm trước kẻng'.

Không phải trường hợp nào cũng xấu, cũng dẫn đến bi kịch. Quan trọng là hai bạn trẻ thương nhau thật lòng và cách cư xử của gia đình hai bên sau vụ việc”, Linh Lan viết.

Bên cạnh đó, một số người còn chia sẻ chính câu chuyện của mình. Chị Mai Lan - bà mẹ hai con tại Hưng Yên - kể, ngày cưới của chị cũng là lúc con gái đầu gần một tuổi. Trước đó, gia đình nhà trai không đồng ý vì cho rằng, chị không hợp tuổi với chồng.

Tuy nhiên, con không thể thiếu bố, cháu không thể không nhận ông bà nên cuối cùng, mọi người cũng vui vẻ chấp nhận. “Trước sau gì cũng vậy, miễn là cả nhà sống vui vẻ, hạnh phúc là được", chị Lan nói.

Thực tế, không ít trường hợp "ăn cơm trước kẻng" được coi như điều dĩ nhiên, tất yếu phải có.

“Ở chỗ tôi, cứ thấy có hôn lễ là người ta lại nghĩ ngay đến việc 'bác sĩ bảo cưới'. Không phải tự nhiên hỏi như vậy, bởi quá nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra.

Có chửa rồi cưới giống như một kiểu mốt mới để niềm vui được nhân đôi trong ngày trọng đại. Tôi thấy chẳng có gì sai, vì đẻ được còn hơn không.

Không có con cái chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch lớn gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Vậy thì tội gì không thử trước cho chắc?”, Hoàng Hải (26 tuổi, quê Vĩnh Phúc) chia sẻ quan điểm.

Con gái cầm dao đằng lưỡi

Xã hội hiện đại ngày càng thoáng hơn về quan niệm có con mới cưới. Tuy nhiên, không ít người vẫn cho rằng, con gái làm như vậy sẽ không được nhà chồng tôn trọng.

Thành viên Mai Mai bày tỏ: “Mình thấy việc gì cũng cần theo trình tự, có trước có sau mới tốt. Ít nhất, phụ nữ khi đó sẽ được đánh giá cao hơn. Nhiều cô gái phải chịu sự ghẻ lạnh, coi thường từ việc chửa trước, mà sao mọi người cứ ủng hộ nhỉ? Thiệt thòi lắm!”.

“Nói thẳng ra những người phụ nữ chưa chồng mà có chửa đang cầm dao đằng lưỡi. Nhà trai đồng ý không sao, nhưng nếu họ không chấp nhận thì lúc đó kêu ai?

Hậu quả sẽ là bố mẹ và chính các bạn phải chịu điều tiếng, mất mát thôi. Tôi thấy chẳng có cớ gì để ủng hộ việc này cả”, Hoàng Nguyễn chia sẻ.

'An com truoc keng', con lon moi cuoi co gi dang tu hao? hinh anh 2
Nhiều người cho rằng, "ăn cơm trước kẻng" là việc mang tính chất may rủi, không nên được ủng hộ. Ảnh minh họa.

Bàn về việc cô gái Bắc Giang làm đám cưới khi con tròn hai tuổi, chị Hà Nguyễn (35 tuổi, giáo viên tiểu học tại Hà Nội) bày tỏ, số đông bây giờ coi chuyện "ăn cơm trước kẻng" là bình thường. Tuy nhiên, người mẹ hai con lại thấy việc đó sẽ làm giảm sự tôn trọng từ phía nhà chồng đối với chính các bạn gái.

"Phái đẹp sinh ra được quyền lựa chọn. Đàn ông muốn hỏi cưới cũng phải mang cơi trầu, gói thuốc. Đó là lễ nghĩa truyền thống của một đất nước Á Đông.

Ngược lại, giờ tôi thấy, nhiều gia đình nhà gái đến nói chuyện xin xỏ nhà trai để được cưới vì đã lỡ có bầu. Đó là việc đầu tiên bạn đã đánh mất quyền lợi được tôn trọng của mình và của cả gia đình.

Thêm vào đó, có những người chúc mừng thật sự, nhưng những ánh mắt xét nét, nhiều lời bàn ra tiếng vào vẫn chiếm số đông", nữ giáo viên nói.

Bên cạnh đó, không ít dân mạng cho hay, không phải trường hợp “ăn cơm trước kẻng” nào cũng có một kết thúc có hậu. Thực tế, nhiều cô gái phải lỡ dở cả đời vì điều đó.

Người nào yếu đuối thì chọn biện pháp bỏ đi đứa con, vì không được chấp nhận và bị ruồng bỏ phũ phàng. Người mạnh mẽ hơn thì quyết tâm nuôi con một mình, trước vô vàn sự soi mói của cuộc đời.

Cô gái sinh năm 1988, đến từ Hưng Yên có tên H.T. kể lại sai lầm của cuộc đời khi một mình sinh con nơi đất khách quê người, chỉ vì sợ bố mẹ ở quê mang tiếng con gái không chồng mà có con.

“Người yêu đi nước ngoài, mình mới phát hiện có bầu 3 tháng. Biết tin, anh cũng không thể về, thưa chuyện thì bố mẹ anh không đồng ý.

Lúc đó, thật sự mọi thứ rơi vào bế tắc. Đã có lúc mình có ý nghĩ bỏ con để làm lại cuộc đời nhưng không dám”, 9X rưng rưng nói.

Dằn vặt với bao suy nghĩ không biết nói sao với bố mẹ, xấu hổ, sợ người đời chê cười nhưng không nhẫn tâm bỏ đi giọt máu của mình, H.T. đành quyết định lặn lội vào miền Nam tìm người quen, rồi giấu bố mẹ sinh con một mình. Tuy đã làm đám cưới khi con trai 5 tháng tuổi nhưng những ngày tháng tủi nhục đó, T. không bao giờ quên được.

“May mắn được nhà chồng chấp nhận, song cuộc sống hiện tại của mình không tự do, thoải mái. Bố mẹ chồng xét nét, không tôn trọng, mình cũng không dám biểu hiện thái độ gì. Thử hỏi, nếu không được họ cho cưới thì giờ đây mẹ con mình sẽ ra sao?

Có lẽ, những tháng ngày trước đó và cả sau này, mình sẽ không bao giờ quên sự sai lầm vội vàng ấy. Các bạn nữ nên tận dụng quyền được lựa chọn của mình, chứ đừng cầm dao đằng lưỡi để rồi hối cũng không kịp”, cô gái quê Hưng Yên nói.

Theo Zing

ăn cơm trước kẻng

đám cưới

trinh tiết

Hôn Nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.