Chuyện về người phụ nữ ở Hà Nội hai lần chụp ảnh thờ cho chính mình

Mắc ung thư phổi di căn, chị Tuyền hai lần chụp ảnh thờ cho chính mình, mua mộ phần trong nghĩa trang gần nhà, chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết.

Ngày 16/2, chị Lưu Thị Tuyền (37 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) đăng video thứ 7 lên tài khoản TikTok mới lập, với chú thích: "Thanh xuân của tôi như thế đó". Thời điểm này, tài khoản chỉ có 22 người theo dõi, chủ yếu người quen, bỗng tăng vụt lên con số hàng nghìn.

"Tôi hoang mang, sợ nổi tiếng, cũng lo lắng câu chuyện của mình ảnh hưởng tới người khác", chị Tuyền nói, khi số lượt xem tăng "chóng mặt", lên hơn 4,2 triệu.

Lúc bình tâm, chị nghĩ lại, biết đâu hành trình 6 năm chiến đấu với ung thư của bản thân sẽ truyền động lực cho những bệnh nhân khác. Những con người đồng bệnh, giữa lúc đau khổ cùng cực nhất, không biết đối đãi với cuộc sống này thế nào, có thể bình tâm hơn, để cố gắng và nỗ lực.

"Hôm nay có thể khó khăn, nhưng ngày mai sẽ khác", người phụ nữ mạnh mẽ nói. 

Chị Lưu Thị Tuyền đã chiến đấu với ung thư phổi hơn 6 năm qua.

Chuyện về người phụ nữ ở Hà Nội hai lần chụp ảnh thờ cho chính mình-1

6 năm điều trị ung thư, hơn 100 mũi hóa chất vào cơ thể


Tháng 3/2017, chị Tuyền phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn 3B (di căn bạch huyết), sau 2 - 3 tháng ho húng hắng không đỡ. Chủ quan nghĩ rằng cảm cúm thông thường, chị mua thuốc uống tại nhà, không thăm khám bác sĩ, cho đến khi 10 đầu ngón tay bị dùi trống - dấu hiệu cảnh báo ung thư khi thiếu oxy trong phổi. 

Kết quả chụp X-quang sau đó phát hiện một khối u "to như quả trứng" trong phổi, chị Tuyền được hướng dẫn đến bệnh viện ung bướu kiểm tra.

Biết hàng xóm là bác sĩ Thân Văn Thịnh công tác tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chị gọi điện, thông báo tình hình. Anh Thịnh trấn an chị, dặn "không nên quá lo lắng".

Trải qua nhiều xét nghiệm, chụp chiếu, đến khi sinh thiết, bác sĩ luồn sợi dây từ mũi vào bên trong cơ thể, người phụ nữ vô thức nhận ra: "Hình như căn bệnh nặng hơn những gì bác sĩ nói".

Trong phòng bệnh, một bệnh nhân lớn tuổi tâm sự với chị: "Tôi bị hai năm, cứ truyền hóa chất xong lại về". Câu nói bình thường khiến chị hoang mang: "Thế cứ 2 - 3 năm ra/vào bệnh viện, căn bệnh là mãi mãi, chứ không phải uống thuốc là khỏi".

Đợi một tuần, chị Tuyền gọi bác sĩ, nhưng được thông báo chưa có kết quả sinh thiết. Cùng lúc đó, bác sĩ nhắn riêng với chồng chị: "Vợ anh bị ung thư phổi". 

"U ác tính" - chỉ ba từ ngắn gọn đẩy nữ bệnh nhân vào tuyệt vọng. Chị sốc, cảm thấy thế giới xung quanh sụp đổ. Chị vội gọi điện cho chồng, với tâm thế "bệnh nhân ung thư chỉ sống được ngày một, ngày hai", trăng trối nhiều điều, từ chuyện gia đình, chăm sóc con cái, đến bố mẹ hai bên. 

Anh bật khóc, nhưng không để vợ biết. Chị Tuyền thấy chồng ra ban công lấy khăn lau mặt, gặng hỏi nhưng anh bảo không sao. 

Đôi mắt anh đã đỏ hoe. 

Từ giây phút đó, người đàn ông cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng chị biết tóc anh bạc nhiều khi phải gánh trên vai những áp lực kinh khủng.

Người phụ nữ chỉ cho phép bản thân tuyệt vọng trong thời gian ngắn. Nhờ được bác sĩ làm tâm lý sớm, chị bắt đầu đón nhận ung thư một cách bình thường, quyết định nhập viện và điều trị theo phác đồ.

Chuyện về người phụ nữ ở Hà Nội hai lần chụp ảnh thờ cho chính mình-2

6 năm điều trị ung thư, chị Tuyền truyền hơn 100 mũi hóa chất và hóa chất khô vào cơ thể.

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cách nhà 12km. Mỗi ngày, hai vợ chồng đồng hành, đều đặn sáng đi tối về. 

6 mũi đầu tiên vào thuốc, chị Tuyền đau đớn như "ai đó cầm kim đâm khắp cơ thể". Ba ngày đầu, chị không thể ăn, buồn nôn mỗi khi ngửi mùi thức ăn, ngay cả uống nước cũng khó khăn. Tác dụng phụ của hóa chất khiến chị rụng tóc, rụng lông mày, môi thâm, tự ti vì "không còn là người phụ nữ bình thường". 

Chị ngại tiếp xúc với xung quanh, sợ mọi người nhận ra mình bị ung thư rồi tỏ vẻ thương hại.

Một lần, chị quỳ gối xin chồng được… chết, "chứ sống thế này khổ lắm!". 

Anh không nói lời nào, chỉ biết nắm chặt tay vợ, đứng yên để chị dựa vào. 13 năm bên nhau, anh vẫn luôn là điểm tựa vững chắc cho vợ. 

Sau phác đồ "đánh mạnh vào tế bào ung thư", chị Tuyền cảm thấy sức khỏe trầm trọng hơn, ho và mệt nhiều. Kết quả xét nghiệm hiển thị ung thư đã di căn vào xương, cần thay đổi phác đồ điều trị.  

Chị - bệnh nhân trẻ tuổi nhất phòng - khi đó ôm mặt khóc nức nở. Những người còn lại cũng khóc theo. 

Chuyện về người phụ nữ ở Hà Nội hai lần chụp ảnh thờ cho chính mình-3

Tác dụng phụ của hóa chất khiến người phụ nữ rụng tóc.

"Những lúc truyền hóa chất, người nhà không được vào thăm, các bệnh nhân tự chăm sóc, dìu nhau đi vệ sinh, thay chai thuốc, bón cho nhau từng miếng ăn, ngụm nước, giúp nhau nằm xuống, bóp chân tay… Những người điều trị cùng tôi, đại đa số đã ra đi, chỉ còn duy nhất người bạn vẫn giữ liên lạc, hỏi thăm nhau mỗi ngày", chị tâm sự. 

Tiếp nhận phác đồ mới phù hợp hơn, nữ bệnh nhân truyền một lúc hai mũi hóa chất (xương và phổi). Có những ngày vào thuốc mệt đến mức không thể đi lại, chồng ân cần bế vợ lên xe đẩy chở hàng, rồi đẩy chị từ nhà xuống sảnh chung cư, sau bế lên ô tô đến bệnh viện. 

Điều trị một thời gian, bệnh nhân được nghỉ ngơi tại nhà. Đúng lúc này, chị bị sốt, hai tháng liên tiếp không thể nằm, chấp nhận ngủ ngồi trên ghế sofa, được em gái túc trực chăm sóc.  

Tháng 3/2021, chị Tuyền bị bệnh viện trả về do kháng thuốc, điều trị không hiệu quả và bảo hiểm không thể chi trả. Chị tiếp tục uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, cố gắng từng ngày giảm bớt sự phát triển của tế bào ung thư.

"4 năm điều trị liên tục (2017 - 2021), hơn 100 mũi truyền hóa chất và hóa chất khô vào cơ thể, trong một giây phút ngắn ngủi nhất thời nào đó, tôi đã từng mong được giải thoát", chị chia sẻ. 

Giống như một đứa trẻ giận dỗi "đau đớn quá thì cho tôi chết đi", nhưng bản năng của một người mẹ không cho phép chị gục ngã. Động lực của chị là gia đình và hai đứa con (9 và 12 tuổi). 

"Trước khi truyền hóa chất, tôi nghĩ chỉ sống đến khi con vào lớp một"

Những ngày trở về từ bệnh viện, chị Tuyền mệt rã rời. Hai đứa trẻ tan học, nghe bố dặn: "Mẹ vừa đi viện về, các con không được làm phiền".

Chúng khẽ mở cửa phòng, nhìn ngắm mẹ ngủ từ xa. Cô con gái bước đến, dùng bàn tay nhỏ bé nhẹ nhàng sờ lên trán mẹ, kiểm tra mẹ có bị sốt không. Cậu con trai lớn, dù chưa biết cách thể hiện tình cảm, cũng ôm chầm lấy mẹ vì "sợ mẹ đi mất".

3 ngày sau khi vào thuốc, chị đỡ hơn, dành thời gian nấu cơm cho gia đình và dạy con học bài. 

"Trước khi truyền hóa chất, tôi nghĩ chỉ sống đến khi con vào lớp một". Rồi ngày con trai lớn bước chân vào cánh cổng Tiểu học, chị hạnh phúc được cùng con đến trường, đánh dấu một cột mốc quan trọng.

Có lần, người mẹ đội tóc giả, đứng trước cửa lớp chờ con tan học. Những đứa trẻ ngây thơ, chưa hiểu chuyện, vội trêu chọc: "Mẹ bạn bị trọc đầu". 

Đứa trẻ bật khóc, không dám chống trả, nhìn mẹ với ánh mắt cầu cứu: "Từ sau đón con thì mẹ đứng xa một tí. Các bạn trêu con, con ngại".

Trái tim người mẹ vỡ vụn. 

Sau lần đó, chị Tuyền nhờ cô giáo dặn các bạn đừng trêu chọc con trai nữa. Về nhà, chị cũng làm tư tưởng cho hai con. Dần dần, chúng không còn mặc cảm chuyện mẹ mắc ung thư, xem đó là căn bệnh bình thường. Cuộc sống gia đình không có gì thay đổi, chỉ là thỉnh thoảng mẹ vào bệnh viện thăm khám. 

Hai đứa trẻ hiểu chuyện, sớm tự lập, tự học và phụ giúp việc nhà những lúc bố mẹ bận việc. 

Chuyện về người phụ nữ ở Hà Nội hai lần chụp ảnh thờ cho chính mình-4

Chị Tuyền cho biết khu vườn đã cứu rỗi cuộc đời, giúp chị sống thảnh thơi, giải tỏa mệt mỏi và đau đớn bệnh tật.

Sau mắc bệnh, chị Tuyền duy trì công ty chuyên màng co, băng dính 3 tháng thì phá sản. Chị chuyển bán hàng online như đồ ăn, bánh trái, hoa quả cho cư dân cùng tòa nhà, kiếm thêm đồng ra đồng vào.

"Những lúc ốm đau, tôi cố gắng đăng bài, chốt đơn, rồi nhờ con hoặc chồng giao hàng", chị kể.

Sau này, chị cùng em gái kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, được khách hàng ủng hộ nhiệt tình. Chị xem công việc này như bài tập thể dục để nâng cao sức khỏe mỗi ngày. Được làm việc, người phụ nữ không còn thời gian nghĩ đến bệnh tật, thoải mái sống, cũng có thêm thu nhập trang trải chi phí thuốc men.

"Công việc nhẹ nhàng và tôi luôn biết điểm dừng, khi nào quá sức sẽ nghỉ ngơi. Thời gian còn lại, tôi dành chăm sóc và dạy các con", chị nói. 

Một niềm vui khác của chị là chăm sóc mảnh vườn thuê dưới chân chung cư. Ban đầu chỉ là một luống nhỏ 1-2m2, sau chị khai hoang, biến thành khu vườn màu mỡ ngập tràn rau xanh và các loại hoa như hướng dương, thược dược…. Mỗi lần thu hoạch rau, chị không bán, mà đem tặng hàng xóm. 

"Tôi cảm giác sung sướng và hưng phấn mỗi khi cây, hoa nảy mầm", chị tâm sự, chính khu vườn này đã cứu rỗi cuộc đời, giúp chị sống thảnh thơi, giải tỏa mệt mỏi và đau đớn. 

Hai lần in ảnh thờ cho chính mình

Năm 2019, chị Tuyền ra tiệm đặt in một bức ảnh, dự định làm ảnh thờ sau khi qua đời. Đó là một bức ảnh thẻ xin việc, chị nói trông bản thân trẻ trung, xinh xắn và đặc biệt có tóc. 

"Tôi chuẩn bị sẵn mọi thứ cho cái chết, vì nghĩ mình không còn cơ hội sống nữa", chị nói, mong rằng những người đến viếng sẽ trông thấy mình trong một diện mạo đàng hoàng và tươm tất, chứ không phải qua một bức ảnh in vội đầy ám ảnh.

Chị cũng mua một phần mộ sát mặt đường trong nghĩa trang Yên Phúc (khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông), "để sau này gia đình và các con tiện qua hương khói".

Năm 2021, sau dịch Covid-19, chị cùng hội bạn thân mặc áo dài chụp ảnh tại vườn cúc họa mi. Chị nói riêng với người thợ, không mong chụp nhiều kiểu, chỉ cần một bức chân dung để sau làm ảnh thờ.

"Đó là một bức ảnh tỏa sáng, nhẹ nhàng, để nếu mọi người đến tiễn đưa sẽ thấy tôi cười thật rạng rỡ", chị nói. 

Hôm sau nhận bức ảnh, chị bật khóc vì xúc động.

Chuyện về người phụ nữ ở Hà Nội hai lần chụp ảnh thờ cho chính mình-5

Chị Tuyền hai lần in ảnh thờ cho chính mình, để nếu mọi người đến tiễn đưa sẽ thấy nụ cười rạng rỡ của chị.

Chị Tuyền ví mình như một "nốt trầm" giữa Hà Nội xô bồ, không mong cầu khỏi bệnh. Chị biết "ung thư là kẻ thù vô hình luôn âm thầm đeo bám", chỉ hy vọng sống bình thường mỗi ngày, trân trọng từng giây, từng phút bên gia đình. 

Chị nhắn nhủ, khi đón nhận ung thư, người bệnh nên làm bạn với nó, giải thoát bản thân khỏi suy nghĩ về cái chết. Nếu có cơ hội, chị mong muốn trò chuyện nhiều hơn để truyền động lực cho "những người đồng bệnh". 

"Lúc bị bệnh, tôi tự mò mẫm trong bóng tối. Nhưng khi đã trải qua, tôi biết cách thoát khỏi bỡ ngỡ và chấp nhận tất cả! Ung thư không phải là chết. Chúng ta sống có phải để đợi cái chết đâu! Điều quan trọng hơn, phải xác định mình sống vì ai? Vì bản thân, vì gia đình.

Nếu suy nghĩ được vậy, chúng ta sẽ thấy ung thư cứ ở đâu đâu, còn lâu mới chạm vào mình được", chị cười, nói.

Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Phó trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết ung thư phổi có 4 giai đoạn, bệnh nhân có thể phẫu thuật loại bỏ khối u nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. 

Với bệnh nhân Lưu Thị Tuyền, tế bào ung thư đã di căn, không thể phẫu thuật, thay vào đó điều trị hóa chất duy trì. 

"Tuyền là cô gái mạnh mẽ, luôn tuân thủ phác đồ điều trị nên sức khỏe dần ổn định", bác sĩ Thịnh cho hay.

Ngoài phác đồ điều trị và thể trạng bệnh nhân, thì theo bác sĩ, tinh thần là liều thuốc vô giá đã giúp người phụ nữ ăn uống tốt, đáp ứng điều trị, kiên cường chống lại tác dụng phụ của hóa chất. 

 

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/doi-song/chuyen-ve-nguoi-phu-nu-ha-noi-hai-lan-chup-anh-tho-cho-chinh-minh-20230221154019001.htm

Ung thư phổi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.