Khói shisha bủa vây giới trẻ

Thuốc lào Ả Rập (shisha) tràn vào VN như một thú chơi sang chảnh. Xuất hiện từ các nhà hàng, quán bar, nay shisha đã tràn ra vỉa hè, cuốn giới trẻ SG đắm mình trong làn khói mờ ảo.

Thuốc lào Ả Rập (shisha) tràn vào VN như một thú chơi sang chảnh. Xuất hiện từ các nhà hàng, quán bar, nay shisha đã tràn ra vỉa hè, cuốn giới trẻ SG đắm mình trong làn khói mờ ảo.

Từ sang chảnh tới... vỉa hè

Được xem là món độc quyền tại các quán bar hay cà phê sang trọng, với giá mỗi bình hút lên hàng triệu đồng, shisha giờ đây đã bình dân hóa để phục vụ các thượng đế là sinh viên và cả học sinh. Các quán trà chanh shisha vì thế mọc lên khắp nơi, giá cả “mềm hơn”, chỉ từ 150-400 nghìn đồng một bình, dùng cho 3-4 người hút trong vòng một tiếng.
 
“Hút shisha tức là hút tinh túy, hương liệu của các loài thảo dược đã được xử lý qua các công đoạn phơi, sấy, tẩm ướp. Đây là loại thuốc lấy từ hương thiên nhiên ở các loại cây trái như: xoài, mận, dâu, táo, bạc hà...”- Đỗ Hà Anh, một tay chơi Sài Gòn sành về shisha giới thiệu, trước khi dẫn tôi thực tế các điểm hút shisha bình dân trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, quận 1.

Hút shisha được xem như một mốt chơi thời thượng tại Sài Gòn. 


H.S nằm ngay trên đường Trần Hưng Đạo. Ấn tượng ban đầu về quán này là cách bài trí rất trẻ trung bắt mắt. Khách có mặt tại quán chủ yếu là giới trẻ từ 18-20 tuổi. Tại các bàn, ngoài một vài loại nước uống thì bàn nào cũng kêu thêm đặc sản shisha. "Thực đơn chính ở đây là shisha với đủ các hương vị trái cây, cà phê và có cả rượu Tây cho những dân chơi thứ thiệt" - nhân viên phục vụ giới thiệu.

“Hút shisha này không độc như thuốc lá đâu, lại còn rất dễ chịu và thơm”- Hà Anh nói. Tôi thử hút một hơi và sặc ngay khi vừa đưa vào miệng, do khói xộc lên mũi.

Ngồi đối diện là đôi trai gái còn khoác trên mình đồng phục học sinh. Sau khi gọi đồ ăn và thức uống, nhân viên hỏi: “Các em dùng shisha loại nào”. “Loại nào phê nhất hả anh”- học sinh nam hỏi. “Loại nào cũng phê em à, nhưng phê khác nhau. Hương vị hoa quả thì rất dịu nhẹ, hương cà phê thì nồng hơn, còn pha với rượu Tây cứ gọi là thôi rồi”- nhân viên nói. “Mai bọn em còn phải dậy sớm đi học. Vậy nên anh cho bọn em hương dưa gang thôi nhé” - nữ sinh đề nghị.

Đường Lê Thị Riêng (quận 1) mới xuất hiện rất nhiều quán vỉa hè trà chanh shisha. Trên lầu và cả vỉa hè, từng nhóm người ngồi tụ lại xoay quanh bình shisha, thay nhau hút rồi nhả làn khói trắng bồng bềnh.

Anh Trần Văn Long, sinh viên một trường đại học ở quận 3 cho biết, nếu đi hút thử để biết quán nào shisha ngon phải mất vài tháng mới hết. “Bây giờ quán nào cũng có món shisha. Cả nghìn quán mọc lên khó mà đếm hết”- Long nói.

Hầu hết mọi con đường tại TPHCM đều có những quán trà chanh shisha để phục vụ giới trẻ. Từ đường D2, D3, Ung Văn Khiêm ở quận Bình Thạnh đến Sư Vạn Hạnh, Hùng Vương quận 10 hay xung quanh khu vực công viên Lê Thị Riêng và các tuyến đường tại quận Tân Bình… đều có shisha phục vụ thượng đế trẻ.

Chủ quán trà chanh shisha trên đường D2 quận Bình Thạnh, cho biết, khu vực này có nhiều sinh viên các trường ĐH Giao thông và Ngoại thương nên lúc nào quán cũng đông khách. Mới mở quán được 2 tháng, từ một vài khách đến hút, một tháng sau con số lên hàng chục khách mỗi đêm. “Chủ yếu là giới trẻ, sinh viên chiếm phần lớn”- chủ quán trà chanh cho biết.

Hút shisha có ngày… “đi xa”
 
Giải thích về thành phần làm shisha, anh Đỗ Hà Anh nói: “Nó có các loại hoa quả, dược liệu được trộn với mật ong. Khi hút thì cho thêm một loại hương hoa quả, rượu để tạo hưng phấn. Nếu muốn “phê như con tê tê”, cứ choảng vào đó ít “cỏ”, ít “bi” ma túy đá là lên mây ngay”.

“Shisha được sử dụng tập thể trong môi trường chật hẹp, thường là các phòng kín, vì thế lượng khói nhả ra là rất lớn và nó có thể ảnh hưởng cả tới những người hút thụ động” - bác sĩ Trịnh Văn Hiệp - phụ trách chương trình phòng chống tác hại thuốc lá TP.HCM nói.


Theo ông, shisha là một loại thuốc lào và có chất gây nghiện như thuốc. Nhưng nguy hiểm hơn là nó “có sức lôi kéo để sử dụng tập thể”. 

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - giám đốc BV Tâm thần TP.HCM cho rằng, việc giới trẻ sa vào loại thuốc shisha là nguy hiểm. Bởi người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi gấp 100 lần so với người không hút thuốc này. “Khi hút shisha sẽ làm tăng đáng kể lượng CEA, một chất trong máu chỉ dấu của một vài loại ung thư. Shisha có nhiều chất độc, gây ung thư và cả bệnh về hô hấp, tim mạch lẫn thần kinh” - bác sĩ Thắng giải thích.

Theo bác sĩ Thắng, một bình shisha hút trong thời gian một tiếng, số lần mỗi người hút chừng 100 lần, đồng nghĩa lượng khói đưa vào cơ thể sẽ gấp 100 đến 200 lần so với hút một điếu thuốc lá.

Kiến nghị cấm kinh doanh

Bộ Y tế vẫn chưa có quyết định chính thức về việc cấm sử dụng shisha. Trước đó UBND TP.HCM có công văn kiến nghị gửi Bộ Y tế để trình Chính phủ xem xét đưa mặt hàng thuốc shisha vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trào lưu thanh thiếu niên hút shisha đang lan nhanh ở đây.

Theo ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP HCM, tình trạng hút shisha trong giới trẻ là báo động, đặc biệt đã xuất hiện nhiều chiêu thức dùng ma túy đá nghiền nát để pha trộn vào trong các bình shisha để hút. Tuy nhiên đến nay chưa có quy định để xử lý mà chỉ có thể tịch thu bình hút để tiêu hủy theo dạng... hàng nhập lậu.  

Đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cho rằng đã nhiều lần tạm giữ bình shisha, nguyên liệu nhập khẩu lậu do các đơn vị kinh doanh không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Nhưng việc kiểm tra như bắt cóc bỏ đĩa.

“Nên đưa mặt hàng này vào hoạt động kinh doanh có điều kiện. Để khi kiểm tra phát hiện lạm dụng hút shisha hay đưa chất gây nghiện vào thì có thể xử lý hành chính và cả hình sự” - đại diện Chi cục kiến nghị. Tuy nhiên, một chuyên gia y tế cho rằng khó có thể đưa shisha vào nhóm cấm như ma túy khi đến nay ngành y tế chưa xác định rõ shisha thuộc nhóm ma túy tổng hợp hay chỉ là chất gây kích thích.

Theo Tiền Phong


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.