Sự bảo thủ của bầu Đức đã "giết chết" HAGL

Những sai lầm nối tiếp sai lầm của giới lãnh đạo HAGL đã khiến cho “lứa Công Phượng” dần thụt lùi, thui chột về tài năng.

Những sai lầm nối tiếp sai lầm của giới lãnh đạo HAGL đã khiến cho “lứa Công Phượng” dần thụt lùi, thui chột về tài năng. Chẳng có điều gì quá bất ngờ nếu năm nay họ xuống hạng và rồi bị rơi vào quên lãng.

Nếu lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL - Arsenal JMG không được đưa thẳng lên làm nòng cốt của các đội U18 rồi U19 quốc gia thì mọi chuyện có lẽ không phức tạp. Gần 60 năm sau lứa cầu thủ Thể Công, bóng đá Việt Nam mới có một tập thể được nuôi dạy bài bản và đồng đều về trình độ kỹ thuật đến như vậy. Ngay lập tức, các em đã tỏa sáng với một phong cách chơi bóng nghệ thuật cùng sự may mắn khi xuất hiện trong thời điểm mà người hâm mộ đang chán nản trước những hình ảnh xấu xí của bóng đá Việt Nam, chưa kể đến một công nghệ truyền thông đã biến các em thành những ngôi sao khi chưa thực sự bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp.

Sự bảo thủ của bầu Đức đã "giết chết" HAGL! - 1

Môi trường khắc nghiệt ở V.League đã sớm làm thui chột các tài năng trẻ của HAGL.

Ở bất cứ học viện đào tạo bóng đá nào khác, dù có giỏi đến đâu thì cũng phải trải qua những giai đoạn bắt buộc dành cho cầu thủ trẻ trong thi đấu nhằm tích lũy kinh nghiệm. Nhưng chính thành công của U19 đã dẫn đến một quyết định sai lầm của bầu Đức: Đưa các em lên đá V.League 2015. Đó là khởi nguồn của một bi kịch.

Việc các cầu thủ 18-19 tuổi vụt thành ngôi sao là không hiếm, nhưng thường chỉ là cá biệt. Mong muốn cùng lúc có đến 10-12 cầu thủ cùng trưởng thành như nhau là một sai lầm. Kế đến, việc cho rằng đưa lứa U19 vào môi trường V.League để rèn luyện, có xuống hạng thì cũng là trải nghiệm đáng giá, chính là sai lầm kế tiếp bởi cần phải nhớ, có giỏi đến đâu thì họ cũng chỉ mới 18-19 tuổi, cần thời gian để rèn luyện tâm lý và phát triển cơ thể. Sự phát triển chuyên môn đi kèm những yếu tố khác về tâm sinh lý. Có một vài cầu thủ sẽ kịp thích ứng và trưởng thành, nhưng đa số sẽ bị tác động mạnh bởi các trận thua, bởi cảm giác kém cỏi, dẫn đến nhụt chí. Họ có thể có kỹ thuật như nhau, nhưng khả năng đối diện với cuộc sống thì không hề giống nhau.

Điều đáng tiếc là cho đến thời điểm này, khi HAGL đã đứng chót bảng xếp hạng, nhưng quan điểm của các nhà quản lý tại HAGL, mà điển hình là ông chủ Đoàn Nguyên Đức vẫn không hề thay đổi mặc dù các biểu hiện nguy hiểm về cách chơi, tinh thần đã xuất hiện nhiều hơn trên sân bóng.

Việc một vài lứa cầu thủ của các học viện đào tạo thất bại khi bước ra môi trường thi đấu chuyên nghiệp là chuyện thường tình. Chính thất bại đó còn giúp cho những lứa sau được đào tạo tốt hơn, được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong thời gian còn học đá bóng trong trường.

Tuy nhiên, việc HAGL nếu bị xuống hạng năm nay sẽ để lại hậu quả rất lớn. Thứ nhất, sự kỳ vọng về “thế hệ Công Phượng” đã không còn nhiều. Thứ hai, mô hình đào tạo của Học viện HAGL - Arsenal JMG không “xuất sắc” như những gì được thổi phồng và thất bại của HAGL tại V.League khiến cho đầu ra của Học viện HAGL - Arsenal JMG càng trở nên khó khăn hơn ngay tại thị trường chuyển nhượng Việt Nam chứ chưa nói đến quốc tế.

Riêng với “thế hệ Công Phượng” thì dù hy vọng họ sẽ trở lại sau 1-2 năm nữa, nhưng bóng đá Việt Nam cũng chẳng thiếu các bài học về những lứa cầu thủ “lớn tuổi nhưng không chịu lớn tài năng”.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.