Những "tuyệt phẩm" âm nhạc về mùa thu

Mùa thu đẹp vừa bình dị vừa lãng mạn đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong thi ca và đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả qua những giai điệu đi vào tiềm thức.

Mùa thu đẹp vừa bình dị vừa lãng mạn đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong thi ca và đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả qua những giai điệu đi vào tiềm thức.

Nhớ mùa thu Hà Nội (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

Có thể nói Nhớ mùa thu Hà Nội là một trong những ca khúc về Hà Nội nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây cũng là một trong những ca khúc đặc trưng nhất về mùa thu được nhiều khán giả yêu thích.

Trịnh Công Sơn đã viết nên ca khúc này bằng sự rung động của một tình yêu hết sức tinh tế. Trong mắt nhạc sĩ tài hoa, Mùa thu Hà Nội đẹp như một bức tranh với sắc vàng của cây cơm nguội, màu lá đỏ của cây bàng, màu nâu thẫm của những ngôi nhà cổ, màu xanh của cốm…Không chỉ đẹp, cảnh vật mùa thu còn gợi lòng người xao xuyến, bâng khuâng với:Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi, màu sương thương nhớ…”
 
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ... (Ảnh st)
"Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ..." (Ảnh st)

Không chỉ riêng người Hà Nội, mà bất cứ ai là người Việt Nam, khi nghe ca khúc này của nhạc sĩ họ Trịnh đều mong mỏi trở lại “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội”…

Ca khúc này được ca sĩ gốc Hà Nội, Hồng Nhung thể hiện đầy cảm xúc.

Đâu phải bởi mùa thu (nhạc sĩ Phú Quang – thơ Giáng Vân)

Ca khúc Đâu phải bởi mùa thu (phổ thơ Giáng Vân) được nhạc sĩ Phú Quang viết cho người tình đầu tiên ở Sài Gòn, đã vượt biên năm 1976.

Ca khúc này từng bị đặt nghi vấn bởi "Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng, thôi đừng hát ru… thôi đừng day dứt…, lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu", theo nhạc sĩ Phú Quang thì có ý kiến cho rằng, nói đến mùa thu là nói đến cách mạng!!!

Tuy nhiên, trải theo thời gian ca khúc này được rất nhiều ca sĩ chọn hát và được khán giả yêu thích. Đâu phải bởi mùa thu, một mùa thu nhớ nhung và định mệnh, mùa thu trở nên day dứt, khắc khoải hơn khi chứng kiến sự chia ly, đổ vỡ… Mỗi lần nghe lại ca khúc này, những lứa đôi yêu nhau không tránh được nhiều cung bậc cảm xúc trào dâng trong lòng…

Hoa sữa (nhạc sĩ Hồng Đăng)

… “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó/Những bạn bè chung/Những con đường nhỏ/ Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em…”. Mỗi lần ca khúc Hoa sữa ngân lên người nghe liên tưởng ngay tới mùa thu Hà Nội, bởi chỉ có mùa thu nơi đây mới có mùi hương hoa sữa nồng nàn, mới có những con đường ngập tràn hoa sữa.

Lời ca khúc nói về sự chia ly của những đôi tình nhân, về nỗi mong mỏi da diết người yêu của người thiếu nữ: “Em vẫn từng đợi anh/ Như hoa từng đợi nắng/ Như gió tìm rặng phi lao/ Như trời cao mong mây trắng…”
 
Hoa sữa ra mắt lần đầu tiên trong bộ phim truyện nhựa Hà Nội mùa chim làm tổ của đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1981 qua tiếng hát Lê Dung. Sau này, Hoa sữa gắn liền với tên tuổi Thanh Lam và trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội.
 
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm.. (Ảnh st)
"Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm.." (Ảnh st)
 
Thơ tình cuối mùa thu (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – thơ Xuân Quỳnh)

Thơ tình cuối mùa thu Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Thời gian là hàng xóm với nữ sĩ tài hoa tại Phố Huế đã giúp nhạc sĩ hiểu hơn những đau đáu của người phụ nữ đa đoan này. Đọc những câu thơ của Xuân Quỳnh, Phan Huỳnh Điểu cảm nhận được nhịp đập gấp gáp, hối hả của một trái tim yêu say đắm đến đớn đau…

“Cuối trời mây trắng bay, lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng, mùa Thu đi cùng lá/ Mùa Thu ra biển cả theo dòng nước mênh mông/Mùa Thu vào hoa cúc, chỉ còn anh và em/Là của mùa Thu cũ. Chỉ còn anh và em

Tình ta như hàng cây đã yên mùa bão gió/Tình ta như dòng sông đã yên ngày thác lũ/Thời gian như ngọn gió, mùa đi cùng tháng năm/Tuổi theo mùa đi mãi. Chỉ còn anh và em/Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại...”

Ý thơ cũng như nhạc của Thơ tình cuối mùa thu qua giọng hát quyến rũ Bảo Yến đã đi sâu vào lòng người…
 
Nhìn những mùa thu đi (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
 
Nhìn những mùa thu đi... (Ảnh st)
Nhìn những mùa thu đi... (Ảnh st)

Theo một số tài liệu, ca khúc Nhìn những mùa thu đi được Trịnh Công Sơn viết cho một người con gái tên Thu tại Huế vào năm 1963 khi nhạc sĩ còn là một cậu sinh viên .

Ca khúc như lời oán trách của chàng trai đang ôm mối mộng tình si khi người tình dứt áo ra đi làm tan vỡ mối tình đẹp. Dù là giận hờn, trách móc nhưng cũng là sự trách móc nhẹ nhàng, đầy day dứt. Lời ca đẹp tựa một bức tranh vừa mơ hồ, vừa man mác buồn: “Nhìn những mùa thu đi/Em nghe sầu lên trong nắng/Và lá rụng ngoài song/Nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”

Ai đã từng nghe Khánh Ly hát Nhìn những mùa thu đi với giọng hát trầm khàn, đặc biệt như thôi miên thì không thể nghe ai khác hát ca khúc này ngoài bà.
 
Theo Dân trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.