Đánh chết bạn tù vì chỗ ngồi xem tivi

Chỉ vì chỗ ngồi xem tivi mà Quyết và bạn tù kẻ thiệt mạng, người thêm án tù. Dù đã viết thư xin lỗi gia đình phạm nhân xấu số nhưng lòng Quyết vẫn day dứt khôn nguôi.

Chỉ vì chỗ ngồi xem tivi mà Quyết và bạn tù kẻ thiệt mạng, người thêm án tù. Dù đã viết thư xin lỗi gia đình phạm nhân xấu số nhưng lòng Quyết vẫn day dứt khôn nguôi.

Chưa cần nghe chúng tôi nhắc, Đỗ Xuân Quyết (32 tuổi, ở Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) đã cúi gằm mặt, ăn năn: “Em không ngờ sự thể lại như vậy. Bình thường em với chú ấy vẫn một điều bố, hai điều con, thân thiết như ruột thịt”.

Theo thiếu tá Ngô Minh Giang, cán bộ quản giáo phân trại số 2, trại giam Thanh Phong, đến thời điểm này, Quyết đã khá rất nhiều. Ngày mới quay về trại, anh ta bị trầm cảm nặng vì ám ảnh bởi cái chết của người bạn tù thân thiết nhất.

Vô tình thành kẻ giết người

Quyết là con trai lớn trong một gia đình có 3 anh em, do mải chơi và kinh tế gia đình eo hẹp nên chỉ học hết cấp 2. Theo chúng bạn đi học nghề rồi trở thành thợ xây nhưng vì tay nghề không cao nên công việc thất thường.

Những ngày lang thang ở Hà Nội, Quyết kiếm sống bằng việc bán lẻ ma túy và kết cục là sống lệ thuộc vào chính món hàng ấy. Nghiện nặng, Quyết càng lao thân đi bán ma túy. Nơi anh ta thường xuyên xuất hiện là Công viên Tuổi Trẻ, xóm trọ Thanh Nhàn và khu nhà ổ chuột ở phố Khâm Thiên.

Một lần túng quẫn vì trót xài cả tép ma túy vẫn dùng để làm vốn mua đi bán lại, Quyết cùng một nhóm bạn nghiện rủ nhau đi ăn trộm xe máy.

Chiếc đầu tiên ăn trộm thành công, bán được giá cao nên Quyết thỏa thích “phiêu” cùng ma túy. Rồi lần thứ 3, thứ 4 cũng vậy. Quyết không còn thấy tim đập thình thịch mỗi khi rình người đi đường sơ hở nữa. Đúng lúc đó thì anh ta bị bắt.

bạn tù, phạm nhân, cải tạo, ma túy, giết người, trại giam

Phạm nhân Đỗ Xuân Quyết

Bị kết án 66 tháng tù về tội trộm cắp, tháng 5/2012, Quyết về trại giam Thanh Phong cải tạo. Hai năm đầu, mỗi năm gần Tết, mẹ Quyết còn vào thăm con trai nhưng sau đó không vào nữa. Quyết cười buồn: “Bố giận em mang tai tiếng về cho gia đình nên không cho mẹ đi thăm. Đến thư em viết về ông cũng không thèm đọc. Nghe đâu vì chán nên giờ ngày nào ông cũng say xỉn”. Giữa lúc đó thì Quyết đánh chết người, nạn nhân chính là bạn tù của Quyết.

Hôm đó, Quyết đang nằm xem tivi cùng một số người trong buồng thì “chú Tiêu” (tên nạn nhân - PV) đi vào. Chẳng biết có phải do đang bực chuyện gì mà người đàn ông này cứ đứng trước mặt Quyết khiến anh ta không xem được. Quyết bảo nạn nhân ngồi xuống cho “cháu xem với” nhưng chỉ đến khi mấy phạm nhân khác lên tiếng, người đàn ông đứng tuổi này mới chịu ngồi xuống nhưng thái độ tỏ ra cáu gắt.

Thấy Tiêu văng tục, Quyết biết là người này cáu nên không nằm nữa mà qua phía bên kia ngồi xem. Chuyện chỉ có thế, không ngờ hết giờ được xem tivi, người đàn ông tên Tiêu tiến đến chỗ Quyết đang ngồi, vung chân đá. Theo phản xạ, Quyết lấy tay gạt chân ông Tiêu khiến phạm nhân này ngã đập gáy xuống nền nhà.

Các phạm nhân trong buồng, người kéo Quyết ra chỗ để nước uống còn nhóm khác kéo phạm nhân Tiêu sang góc khác ngồi. Nửa tiếng sau, khi mọi người vừa uống nước vừa nói chuyện thì phạm nhân Tiêu bỗng nhiên nôn ọe rồi gục xuống.

“Em nghe anh buồng trưởng kêu: 'Nguy rồi' thì đầu óc đã thấy quay cuồng vì sợ”, Quyết nhớ lại.

Phạm nhân Tiêu được đưa xuống bệnh xá của trại giam rồi chuyển ra bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, chưa đầy nửa ngày sau thì qua đời, nguyên nhân là do chảy máu não. Quyết thành kẻ giết người.

Day dứt

“Lúc bị bắt, Quyết rất sợ hãi. Tôi đoán anh ta sốc nặng. Rồi khi có án, Quyết lại quay về đây tiếp tục cải tạo cộng thêm cả án mới. Đó là thời kỳ khó khăn nhất của anh ta”, cán bộ giáo dục Ngô Minh Giang cho biết.

Thêm 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích do phòng vệ vượt quá giới hạn, Quyết được quay lại trại giam Thanh Phong thi hành 2 bản án.

bạn tù, phạm nhân, cải tạo, ma túy, giết người, trại giam

Các phạm nhân có án dài và nhiều tiền án thường phải lao động trong nhà xưởng, có rào vây xung quanh

Theo lời Quyết, giữa anh ta với nạn nhân không hề có hiềm khích. Quyết bằng tuổi con trai phạm nhân Tiêu nên họ xưng hô với nhau là chú cháu, có lúc cao hứng còn gọi nhau là bố con, thân thiết như ruột thịt... Từ ngày thân nhau, Quyết nằm cạnh Tiêu, sớm tối chú cháu rủ rỉ tâm sự. Họ cho nhau địa chỉ, hẹn ngày ra trại sẽ đến nhà nhau chơi. Ai ngờ…

Mỗi phạm nhân là một số phận. Quyết chưa vợ con còn phạm nhân Tiêu đã có gia đình. Hôm nghe tin Tiêu phải đi bệnh viện tỉnh, Quyết đã rất sợ hãi, cả đêm nằm cầu nguyện. Khi hay tin Tiêu chết, Quyết sốc nặng. Ngày hầu tòa, Quyết đi như người mộng du, mắt mở thao láo nhưng không cảm nhận được những gì nhìn thấy. Ngay cả khi quay về trại giam Thanh Phong, quay lại đội cũ cải tạo lao động, cảnh cũ nhưng người xưa không còn khiến Quyết nhiều đêm mộng mị.

“Em đã viết thư về cho gia đình, nhờ mẹ dù khó khăn đến mấy cũng bớt chút thời gian đến nhà chú Tiêu, thắp hộ em nén hương cho lòng em thanh thản. Từ ngày chú ấy mất, lúc nào em cũng có cảm giác đang gánh một vật gì đó rất nặng trên vai mà không sao bỏ ra được”, Quyết tâm sự.

Được cán bộ giáo dục nhiều lần gọi lên trò chuyện, động viên, Quyết dần lấy lại thăng bằng nhưng tư tưởng nhiều lúc vẫn chao đảo, nhất là khi gần tới ngày giỗ của nạn nhân. Thế mới hay có những tội lỗi có thể được xí xóa nhưng còn đó một tòa án mà kẻ phạm tội ngày nào cũng phải đối diện. Tòa án đó còn đáng sợ hơn nhiều so với những hình phạt đang phải thi hành.

Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.