Gia tăng các hành động tàn ác trong xã hội: Vì sao?

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bạo lực diễn ra với tần suất gia tăng và mức độ ngày càng dã man là câu hỏi đang cần lời giải cũng như giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn.

Chồng chém vợ lìa 2 cánh tay và những vụ án ghen tuông trả thù tình điên loạn

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ bạo lực với hành vi manh động, dã man đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, gây bức xúc trong dư luận.

Gia tăng các hành động tàn ác trong xã hội: Vì sao?-1
Chị T bị chồng chém đứt lìa 2 tay tại Tam An, Long Thành (Đồng Nai)

Vụ việc mới nhất xảy ra tại đường Láng, quận Đống Đa - Hà Nội tối 15/9. Đối tượng Lê Văn Thức ngồi trên xe taxi đã yêu cầu tài xế lao xe lên phía trước chặn đầu xe máy của một nam thanh niên đang chở một cô gái. Thức dùng dao sát hại dã man nam thanh niên, sau đó bắt cóc cô gái tên T. (SN 1994, Yên Bái).

Đây chỉ là 1 trong rất nhiều vụ án mạng kinh hoàng liên quan đến mâu thuẫn tình cảm. Tại tỉnh Đồng Nai, vụ án gây rúng động dư luận vừa xảy ra ngày 13/9 khi Thái Xuân Bình (34 tuổi, ngụ huyện Long Thành) đã cầm dao chém nhiều nhát vào người vợ. Hậu quả, người vợ tên T đã bị chồng chém đứt lìa hai tay chỉ vì ghen tuông. Mặc dù giữ lại được cánh tay trái, nhưng có lẽ những ám ảnh về cơn ghen điên loạn của chồng sẽ mãi đeo bám chị.

Cách đây không lâu, người dân đi trên phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm- Hà Nội) chứng kiến vụ việc đau lòng khác khi đối tượng Mai Xuân Thái (40 tuổi, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) dùng dao đâm 14 nhát vào người tình khiến chị này tử vong. Sau đó, kẻ “điên tình” dùng dao tự đâm vào người với mục đích tự sát, rồi nằm ôm thi thể chị tình nhân.

Từ những vụ án nêu trên, Thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) Bộ Công an cho rằng, hành vi bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, trong mối quan hệ yêu đương không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà đã “bùng phát” trong những năm vừa qua. Nó như một xu hướng hành động đã lan ra nhiều nhóm xã hội (kể cả thành niên và vị thành niên, nam giới hay nữ giới).

Tội ác xuất hiện là do sợi dây kết nối giữa mối quan hệ lỏng lẻo

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9, ông Hoàng Thanh Tùng- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng gia tăng các hành vi bạo lực trong xã hội. 

Ông Tùng đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể và sâu sắc hơn về tính chất, mức độ tội phạm, nhất là sự ra gia tăng hành vi bạo lực, bạo hành, những hành vi phạm tội với những hình thức rất tàn ác mà dư luận xã hội đã phản ánh, nhất là hành vi phạm tội đối với trẻ em. 

Chỗ này cần phải có sự phân tích, đánh giá rõ hơn để tìm ra nguyên nhân chủ yếu và qua đó có thể triển khai và đề xuất những giải pháp hữu hiệu để có thể ngăn chặn được vụ án có tính chất nghiêm trọng như vậy.

Gia tăng các hành động tàn ác trong xã hội: Vì sao?-2
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu.

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình hiện nay lỏng lẻo hơn trước kia. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh… tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác. 

Đó là con người cùng một gia đình sống lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau. Trên một nền như thế, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích.., họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án giết người vì mâu thuẫn tình cảm, theo Thượng tá Nguyễn Trung Hiếu, cần định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam; phản bác, lên án mạnh mẽ những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật… Từ đó, các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn, phòng ngừa tội phạm.

Đối với những hộ gia đình trong khu vực dân cư, khi phát hiện có mâu thuẫn tranh chấp, xô xát, bạo lực trong sinh hoạt,… lực lượng Công an cơ sở cần phải phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể địa phương tổ chức ngay việc hòa giải, không để mâu thuẫn phát sinh, kéo dài. 

Với những vụ án giết người thân xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các vụ án gây bức xức trong dư luận, theo Thượng tá Hiếu, cần tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh, đưa ra xử án điểm, ngay tại địa bàn, qua đó tuyên truyền, giáo dục về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tuyên truyền về nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ án để nhân dân lên án, cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa tội phạm, tôn trọng pháp luật.

Từ thực tiễn các vụ án đã xảy ra, nhìn rộng ra xã hội Thượng tá Hiếu cho rằng, cơ quan điều tra có thẩm quyền cần phải có kế hoạch phối hợp với các lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã, Công an xã… thông qua việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” ở khu dân cư; tiến hành công tác điều tra cơ bản ở các cụm dân cư, khu phố, thôn xóm để chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình, đây là biện pháp cần được ưu tiên và thực hiện có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.

Theo VOV 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/phap-luat/gia-tang-cac-hanh-dong-tan-ac-trong-xa-hoi-vi-sao-post956283.vov

vụ án mạng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.