Hà Anh: 3 người ở "Những kẻ lắm lời" có sự suy đồi ngôn ngữ

Nhảm nhí, chứng tỏ mình cá tính, bênh vực những điều trái đạo đức là những từ mà siêu mẫu Hà Anh dành cho chương trình "Những kẻ lắm lời".

Nhảm nhí, chứng tỏ mình cá tính, bênh vực những điều trái đạo đức là những từ mà siêu mẫu Hà Anh dành cho chương trình "Những kẻ lắm lời".

Suy đồi ngôn ngữ, tư duy

Là một người được “điểm danh” trong một clip của chuỗi chương trình đang bị dư luận phản ứng gay gắt này, thái độ của chị như thế nào?

Tôi không quan tâm đến việc 3 người đó nói tôi thế nào sau khi xem một số clip của chương trình, nghe những kiểu nói chuyện nhảm nhí của 3 nhân vật trong show ấy.

Có thể về format, bàn về thời trang, phim hay phim dở, thì không có gì sai cả. Kể cả việc 3 người ngồi nói thật cảm xúc của mình ra cũng không có gì là sai. Nhưng quan trọng là anh làm như thế nào, anh nói như thế nào và ngôn ngữ của anh dành cho nó là như thế nào.


Siêu mẫu Hà Anh bức xúc với chương trình.

Siêu mẫu Hà Anh bức xúc với chương trình.

Cả 3 con người trong chương trình này, có sự suy đồi về ngôn ngữ. Điều đó làm bản chất show nó khác đi hoàn toàn. Khi bạn ngồi trước hàng triệu người, bản thân bạn nên có sự chuẩn mực về mặt ngôn ngữ.

Và liệu có phải 3 con người này đang nhân danh tự do ngôn luận, nhân danh sự thẳng thắn để nói càn?

Trong một xã hội đang phát triển như Việt Nam, cần phải hội nhập về văn hoá, thì cái show trên chẳng giúp gì được cho việc đó. Vì nó không phải là văn hoá.

Vậy theo chị, show đó thực ra là cái gì?

Là sự chắp vá chằng chịt những phát ngôn chủ quan, đánh vào cái tâm lý của những người vô công rồi nghề hay lên mạng và cảm thấy hả hê khi nghe những điều công kích người khác.

Kể cả những talkshow ở nước ngoài cũng thế, cũng dành cho những người thất nghiệp hay rảnh việc, ngồi ở nhà xem sao này sao kia mặc gì xấu, mặc gì không đẹp để tán dóc với nhau.

Nhưng các talkshow nước ngoài, dù chê nhưng lời lẽ người ta vẫn tiết chế để giữ được độ lịch sự. Dù đất nước người ta có văn minh hơn, cởi mở hơn, họ cũng chẳng bao giờ tuỳ tiện dùng những ngôn ngữ thô thiển đến thế.

Lẽ ra, những người là MC, hay cứ cho là biên tập viên thời trang, hay cứ cho là nhà văn gì đó đi, của thế hệ mới ở Việt Nam, nên là những người giúp định hướng một số kiến thức và văn hoá cho công chúng, với những giá trị tích cực.

Nhưng ngược lại, họ lại mang ra những gì xấu nhất, tào lao nhất đem ra bàn luận vô bổ và cũng không đi đến một giải pháp nào cả.

Tôi lấy ví dụ nếu bạn đưa ra việc người ta mặc chưa đẹp thì bạn phải có lời khuyên nên mặc sao cho đẹp để người xem thấy được có cái gì đó đáng để xem vì họ học được một điều gì đó.

Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, đây đơn thuần chỉ là show giải trí và nhiều người đang bênh vực sự “thẳng thắn” này mà?

Theo tôi, những người làm show này họ cố tình bới móc bình phẩm có chủ đích. Và họ tính toán kỹ chứ không phải không nghĩ đến hậu quả của việc họ làm đâu.

Nhưng có lẽ, có một thứ mà bản thân họ cũng không nhận ra, đó là cố để tỏ ra mình là người cá tính và thẳng tính, nghĩ sao nói thế.

Những từ ngữ dùng cũng cố mà dùng cho tục tĩu, để chứng minh độ ghê gớm đanh đá. Mà họ không biết rằng điều đó thể hiện được người có học thức, có văn hoá hay không mà thôi.


Hà Anh được phán là không nên đi hát trong Những kẻ lắm lời.

Hà Anh được phán là "không nên đi hát" trong Những kẻ lắm lời.

Những chương trình nước ngoài, họ có thể nói về bộ trang phục, họ cũng chỉ nói đến mức: “Không hiểu cô ta nghĩ gì nhỉ?”. Nó khác hoàn toàn với những lời lẽ như là nhìn vòng 3 cô này kinh quá, cái này nhìn ghê quá, già quá...

Những tính từ hay những từ miêu tả, cố tình miệt thị và hạ thấp người khác. Dù bạn có tự do ngôn luận đến mức nào đi chăng nữa, thì cũng không ai cho phép bạn có thể miệt thị người khác.

Những câu chữ đó, nếu là tôi, ngồi một mình ở nhà hay ở không gian nào thân mật nhất, tôi cũng không thể nào nghĩ là tôi có thể nói được. Và tôi nghĩ, không một người có văn hoá nào có thể nói được những lời lẽ như thế.

Chứ chưa nói là: nói trước máy quay và đưa ra cho hàng triệu người xem.

Không ít ý kiến cho rằng, nhìn cách nói cười tự nhiên của 3 nhân vật host trong chương trình, đủ để thấy việc nói xấu người khác của họ đã trở thành thói quen. Chị thấy điều đó có đúng không?

Đúng. Ba người trong chương trình đã thể hiện cái tính xấu mà có thể trong chúng ta ai cũng có, là ngồi lê đôi mách, thích bình phẩm, thích thể hiện. Đặc biệt, một thế hệ mồm năm miệng mười ở thành thị bây giờ, thì điều này càng thể hiện rõ.

Nhưng, nếu người ta tám trong thời gian giải trí với không gian riêng thì chẳng ai cấm và cũng chẳng ai bàn. Cùng lắm, nếu chuyện đến tai ai thì người bị nói sẽ làm cho kẻ nói bẽ mặt.

Nhưng, là một người ít nhiều là MC của những chương trình truyền hình và được biết đến là người có nghề MC, để dựng ra những thứ này thì ngạc nhiên thật.

Họ làm thế, thứ nhất là không tôn trọng những người xem. Và thứ hai là không tôn trọng những người mà họ nói đến.


Rất nhiều các nhân vật giải trí bị chê bai trong Những kẻ lắm lời

Rất nhiều các nhân vật giải trí bị chê bai trong Những kẻ lắm lời

Bênh vực “gà nhà” dù biết trái đạo đức

Còn điều gì nữa theo chị là không ổn trong cách làm chương trình của những nhân vật này?

Có một điểm nữa mà làm tôi cảm thấy chương trình này càng phản cảm ở chỗ: nó rất cảm tính.

Cảm tính ở chỗ, nếu nhân vật nào từng làm việc với họ hoặc thân với họ thì họ bênh hết lời. Họ không cần biết người đó làm sai hay làm đúng, có đạo đức hay kém đạo đức.

Nếu đi theo concept thẳng tính tìm ra tất cả cái xấu lại là câu chuyện khác, và là thẳng tính. Nhưng sự thẳng tính này là sự thẳng tính có tính toán.

Họ tính toán ở chỗ, lợi dụng khán giả để ngang nhiên bao che cho những cái gì mà cá nhân anh cho là đúng mặc dù điều đó đang đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Nó thể hiện sự đi xuống và suy đồi đáng buồn trong cái được nhân danh là văn hoá, cái được nhân danh là giải trí và cái được nhân danh là giới trẻ của Việt Nam.

Một trong những host, cho rằng, anh ta chọn cách nói thật vì showbiz giả dối quá!

Cái này là nói xấu, nói nhảm chứ không phải nói thật! Đừng nhân danh điều đó mà đánh tráo khái niệm, mà nên tự trọng, nếu có tự trọng!

Tôi không ủng hộ việc người ta nói xấu nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi mà mình nhìn tới những điều tiêu cực của nhau và nói về nó, sẽ mang lại những năng lượng tiêu cực với chính bản thân người nói lẫn người nghe.

Mọi người nên tập trung vào việc của mình, sống cuộc sống của mình. Hơn nữa, người ta nói xấu người khác là để cho bản thân mình hả hê. Một dạng bệnh lý.

Không mang đến niềm vui thì tại sao lại gieo rắc những nỗi buồn, những nỗi giận giữ, ghét bỏ nhau? Rồi mang lên mạng để nói xấu, tổ cáo, hạ bệ nhau một cách có tổ chức thế này lại càng kinh khủng.

Dù không quan tâm, nhưng chị có thấy mình bị ảnh hưởng bởi những lời lẽ của họ không?

Cá nhân tôi thấy 3 người kia cũng chẳng có sức ảnh hưởng ghê gớm đến tôi hay bất cứ ai bị nói tới. Sau chương trình vô thưởng vô phạt này mà đồng nghiệp tôi mất việc hay mất hợp đồng quảng cáo thì chắc là không.

Những người bị nhắc đến họ vẫn làm việc bình thường và không cần quan tâm đến sự xuất hiện của 3 con người này đang bàn chuyện của họ như chuyện đúng rồi.

Tôi được sinh ra trong một gia đình gồm những trí thức với những nhà văn và nhà báo, nên tôi rất kỹ tính trong lời ăn tiếng nói, hay những câu chữ được viết ra của mình.

Tôi ý thức rất rõ công việc của một người đứng trước đám đông. Dù bạn đứng đó mà công kích người ta đi chăng nữa, với những ngôn ngữ văn minh, đều có thể chấp nhận được.

Nhưng show này, với sự cẩu thả, bừa bãi trong phát ngôn, sẽ gây ra những hậu quả đối với người tiếp nhận.

Nhưng nếu không phải là 3 người đó, mà là 3 người có trình độ, có văn hoá mà nhận xét như thế, chị có quan điểm khác với những gì ở trên không?

Tôi nghĩ bất cứ ai dù họ có kiến thức thâm sâu thế nào, trình độ cao đến đâu mà sử dụng ngôn ngữ không có văn hoá, thì bất kể lời nào của họ đều chính xác về chuyên môn đến đâu cũng không được tôn trọng.

Nhưng tôi nghĩ, đã là người có học, có văn hoá, khi họ nói ra điều gì họ phải có sự chọn lọc. Họ không dễ dàng tuôn ra những kiểu ngôn ngữ đầu đường xó chợ như thế đâu. Bản thân họ không tôn trọng chính họ bằng kiểu ngôn ngữ như thế thì cũng chẳng ai tôn trọng họ cả.

Chưa nói đến trình độ, mà những người có sức ảnh hưởng đến xã hội, họ sẽ có nhiều thứ để mất, nên họ sẽ cân nhắc những phát ngôn, những điều gì họ sẽ nói ra.

Còn ngược lại, mọi người sẽ tự hiểu.

Chị với 1 trong 3 nhân vật trên – hoặc cả 3, có hiềm khích cá nhân gì không?

Hai bạn nam thì tôi không quen. Thuỳ Minh thì tôi biết. Nhưng tôi và Minh chưa từng đụng chạm gì và phải nói đúng hơn, ngoài chương trình này ra thì từ trước đến nay tôi khá có thiện cảm với Thuỳ Minh. Chúng tôi có nhiều người bạn chung và cũng có gặp nhau một số lần trong công việc

Trong một số chương trình, nếu người ta mời tôi mà tôi bận, tôi thường gợi ý họ mời Thuỳ Minh. Vì tôi biết, Thuỳ Minh cũng có những khó khăn của một bà mẹ đơn thân. Nói chung, tôi dành cho Minh khá nhiều suy nghĩ tốt đẹp, trước đây.

Chị muốn nhắn nhủ gì với “đồng nghiệp” Thuỳ Minh không?

Không. Tôi nghĩ, đừng tiếp tục lưu truyền những sản phẩm độc hại đó. Chính những người này đang bất chấp, họ muốn được chú ý, muốn được click views để họ có thêm tiền quảng cáo.

Nếu chúng ta tiếp tục vào xem, sẽ làm cho những con người kia cảm thấy được toại nguyện. Vì thực tế, đã không ít những nhân vật trên mạng đang sống bằng những tò mò, thậm chí là ghét bỏ của người khác.

Tôi cũng hơn ngạc nhiên, một số nhà tài trợ trong này cũng khá là có tiếng tăm, tại sao họ lại gắn kết với những chương trình nhảm nhí và độc hại như thế này?

Có thể họ chưa lường được mức nguy hiểm và tồi tệ của chương trình này khi họ gắn kết.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.